Nghề cắt gọt kim loại đang được các doanh nghiệp (DN) tuyển dụng với mức lương khá cao. Tuy nhiên trên thực tế, các cơ sở dạy nghề ở Bình Dương tuyển dụng rất ít học viên (HV), thậm chí nghề này còn bị “xóa sổ” trong danh sách các nghề tuyển sinh. Nguyên nhân do đâu?
Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore đầu tư máy móc, thiết bị đáp ứng nhu cầu học nghề cắt gọt kim loại cho HV
Tham gia các sàn giao dịch việc làm tại Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh, rất nhiều DN đăng tuyển công nhân cắt gọt kim loại với mức lương từ 4 - 6 triệu đồng/ tháng tùy theo kinh nghiệm. Thế nhưng, số lượng người đến đăng ký xin việc này rất thấp. Nhiều DN đăng tuyển 3, 4 lần tại các sàn vẫn không tuyển đủ số lao động. Do đó, họ phải nhờ công nhân tìm giúp hoặc dán thông báo tuyển dụng trước công ty, hay liên hệ các trường trung cấp nghề có đào tạo ngành nghề này để tuyển dụng khi HV vừa mới ra trường. Như Công ty TNHH Hài Mỹ (TX.Dĩ An), đăng tuyển dụng 3 công nhân có kinh nghiệm chuyên môn về nguyên lý hoạt động vận hành các loại mấy chấn, dập, cán, cắt... Công ty đưa ra các chế độ thu hút lao động, như làm giờ hành chính, mức lương 6 - 10 triệu đồng/ tháng, bảo hiểm tai nạn 24/24; chế độ thưởng lương tháng 13, thưởng cuối năm, thưởng các ngày lễ. Thế nhưng đã đăng tuyển 5 tháng, công ty vẫn chưa tuyển đủ số lượng. Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại Nam Đô (trụ sở chính tại TP.Hồ Chí Minh) tuyển dụng công nhân cơ khí cắt gọt kim loại làm việc tại chi nhánh Bình Dương. 4 tháng tuyển dụng thông qua các trang web giới thiệu việc làm trong và ngoài tỉnh Bình Dương vẫn chưa tìm được công nhân đứng máy phù hợp.
Một nghịch lý diễn ra trong khi nhu cầu tuyển dụng công nhân cắt gọt kim loại của các DN khá cao thì các trường nghề ở Bình Dương lại không tuyển dụng được HV. Tại trường Trung cấp nghề tỉnh, những năm gần đây đã đầu tư đầy đủ máy móc dạy nghề cắt gọt kim loại nhưng 2 năm nay không có HV đăng ký. Năm học 2015-2016, trường tiếp tục đưa nghề này vào danh sách nghề tuyển sinh nhưng chỉ mới có 4 HV đăng ký. Số HV quá ít, nhà trường khó tổ chức được lớp học. Còn tại trường Trung cấp nghề Việt - Hàn cũng chung cảnh, không tuyển dụng được HV nên máy móc đầu tư cả trăm triệu đồng phải “đắp mền”.
Theo lãnh đạo các trường, cùng với nghề nguội, hàn, nghề cắt gọt kim loại đang thiếu nhân lực. Các DN đã trực tiếp đến trường tuyển nhưng có năm lại không có HV để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của DN. Lý do nghề này “khát” HV vì những năm trước, HV ra trường không tìm được việc làm. Mặt khác, các HV truyền tai nhau, nghề này “kén” HV, bởi môi trường làm việc thường xuyên tiếp xúc với kim loại, các máy móc công suất lớn nên cũng có những yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe, cụ thể như nhiệt độ, tiếng ồn và chấn động, bụi phôi sắt, căng thẳng thần kinh và thị giác... Vì vậy, những người sức khỏe yếu sẽ không phù hợp với nghề cắt gọt kim loại.
Thế nhưng, theo thầy Nguyễn Văn Hiệp, Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore, từ năm 1997 đến nay, trường đều tuyển sinh nghề cắt gọt kim loại, mỗi năm từ 250 - 300 HV đăng ký. Trường đã tiến hành khảo sát tỷ lệ HV ra trường có việc làm và mức lương trung bình từ 5 - 7 triệu đồng/người/ tháng. Lý giải về vấn đề này, thầy nói, nghề nào cũng có điểm mạnh, điểm yếu. Đối với HV học nghề cắt gọt kim loại, theo quy định, HV phải mang đầy đủ đồ bảo hộ như áo, mắt kính khi thực hành. Trong quá trình làm việc cũng phải mang bảo hộ để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe. Mặt khác, nghề này không đơn giản chỉ là đứng cắt, gọt kim loại thủ công mà HV có thể sử dụng máy tính để thiết kế khuôn mẫu, chi tiết máy hoàn toàn tự động trên máy CNC.
Do đó, các cơ sở dạy nghề muốn tuyển dụng được HV nghề cắt gọt kim loại cần tuyên truyền, giúp các em hiểu về bảo hộ an toàn khi học nghề, dễ dàng có việc làm với mức lương cao khi ra trường. Bên cạnh đó, các trường cần đầu tư thêm máy móc hiện đại để ứng dụng vào học tập, giúp HV thực hành. Đồng thời, các trường nên xem xét nhu cầu tuyển dụng của các DN để liên kết đào tạo.
T.LÝ