Có thể nói, đội ngũ nhân viên làm công tác xã hội (CTXH) thời gian qua là chỗ dựa cho những người có hoàn cảnh đặc biệt trong xã hội như: người nhiễm HIV, người khuyết tật, trẻ lang thang, đối tượng bạo hành gia đình... giúp họ giải quyết khó khăn, lấy lại niềm tin và vươn lên trong cuộc sống, thế nhưng hiện nay việc đào tạo nghề cho lĩnh vực này vẫn còn gặp không ít khó khăn.
Cần có cách nhìn mới
Cả nước hiện có gần 40 trường đại học, cao đẳng mỗi năm tuyển sinh khoảng 2.000 sinh viên (SV) chuyên ngành CTXH. Trong khi đó, đội ngũ giảng viên có bằng tiến sĩ và bằng thạc sĩ còn rất ít, chỉ khoảng 30 - 40 người. Thậm chí, có trường chưa có giảng viên nào được đào tạo về CTXH mà chỉ được đào tạo ngành học gần giống như ngành xã hội học, nhân học, giáo dục đặc biệt...
Nếu được yêu thương và dạy dỗ đúng phương pháp những số phận kém may mắn sẽ tự tin hơn trong cuộc sống
Trong khi đội ngũ giảng viên còn thiếu thì các trường đại học, cao đẳng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt SV theo học ngành này. Nguyên nhân ban đầu được cho đây là ngành học mới, còn khá xa lạ với SV đang theo học. Mặt khác, nhận thức của xã hội về ngành này còn hạn chế, bởi thường nhầm lẫn nghề CTXH với từ thiện là một. Ngoài ra, trong quá trình theo học, SV còn e ngại khi phải tiếp xúc với người nhiễm HIV, gái mại dâm, người khuyết tật, trẻ lang thang, người nghèo...
Nhiều bậc cha mẹ cũng ngăn cản khi con chọn học ngành này vì nhiều lý do khác. Ví dụ như trường hợp của em Phan Thị Cẩm Thúy nhà ở Dĩ An. Vì đặc biệt có lòng yêu trẻ, nhất là những em khuyết tật nên Thúy đã mạnh dạn chọn ngành giáo dục đặc biệt của trường ĐH Sư phạm TP.HCM để theo học. Sau khi biết em đậu 2 trường nhưng nằng nặc đòi theo học ngành này cha mẹ Thúy đã quyết liệt ngăn cản. Nhưng cuối cùng Thúy cũng thuyết phục được cha mẹ đồng ý cho em đạt được ước mơ của mình. Hiện tại đang là SV năm nhất, Thúy cho biết: “Em mong mọi người nên có cái nhìn mới hơn với những ngành học liên quan đến CTXH. Bởi xã hội hiện nay có rất nhiều hoàn cảnh đặc biệt cần chúng ta sẻ chia, giúp đỡ. Nếu ai cũng quay lưng lại với công việc này thì họ sẽ ra sao. Em chỉ mong học thật nhanh ra trường để cống hiến một phần sức lực nhỏ bé của mình cho những em nhỏ thiếu may mắn ấy. Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.
Hãy tin và yêu nghề nếu đã chọn
Để ngành học CTXH không còn xa lạ đối với học sinh, SV thì các trường trước hết phải quảng bá ngành học. Trong quá trình SV theo học nhà trường cần phải có nhiều hoạt động thực tế cho SV nhằm tiếp xúc và làm quen với việc hỗ trợ đối tượng xã hội. Đặc biệt là tạo niềm tin, lòng yêu nghề, từ đó các em hình thành và thay đổi cách nhìn cũng như có kinh nghiệm trong thực tế sau này.
Cô Nguyễn Kim Thiện, chủ nhiệm mái ấm Hoa Hồng Nhỏ cho biết: Tôi đã làm việc ở nhiều nơi như Trung tâm Cai nghiện ma túy, giáo dục trẻ lang thang cơ nhỡ và bây giờ là chịu trách nhiệm một mái ấm với các trẻ nữ bị xâm hại tình dục. Tôi nhận thấy rằng, nghề CTXH ở nước ta vẫn còn thiếu và yếu. Chính vì vậy việc đào tạo đội ngũ này một cách bài bản là rất cần thiết. Nếu trước đây khi chưa theo học tại ĐH Mở, tôi chỉ giúp người một cách đơn thuần nhưng sau khi được học có bài bản tôi đã biết giúp người không chỉ là giúp một cách giản đơn mà phải giúp có khoa học. Người làm CTXH không chỉ thiên về tình cảm mà còn phải có cả lý trí trong đó, như người ta hay nói “cho cần câu chứ không cho con cá” là vậy”.
Sơ Trịnh Thị Đào, Hiệu trưởng Trung tâm Điếc huyện Thuận An cũng nhận định: “Để được ra học hòa nhập và theo kịp với các học sinh tại các trường bên ngoài đối với các em khuyết tật quả thật không đơn giản chút nào, nhất là những em bị tật khiếm thính như ở đây. Bởi hiện nay, giáo viên dạy cho trẻ khuyết tật ở các trường bên ngoài còn thiếu rất nhiều. Nhiều cô lại chưa từng được học qua phương pháp dạy trẻ khiếm thính. Vì vậy, chúng tôi phải đắn đo, tính toán rất nhiều khi cho trẻ đi học hòa nhập. Trong khi đó ở trung tâm cũng thiếu giáo viên vì vẫn còn rất ít người theo học ngành này. Rất nhiều nơi như chúng tôi đặc biệt cần những người có cái tâm, yêu nghề và có phương pháp dạy trẻ khuyết tật”.
Qua đó, có thể thấy nhu cầu về nguồn nhân lực có chuyên môn trong CTXH hiện nay là rất lớn. Chính vì lẽ đó, trong mùa tuyển sinh năm nay, nếu yêu thích nghề này và muốn có việc làm ngay sau khi ra trường, các em hãy mạnh dạn đăng ký. Các em cũng hãy luôn tự tin với nghề mà mình đã chọn để giúp ích cho bản thân và những người còn gặp nhiều khó khăn trong xã hội.
NGỌC THANH
Thủ tướng Chính phủ vừa thông qua Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010-2020 với 2 giai đoạn thực hiện. Trong giai đoạn 2010-2015, phát triển đội ngũ cán bộ, nhân viên CTXH trong cả nước, phấn đấu đến năm 2015 tăng khoảng 10%. Giai đoạn 2016-2020, phát triển đội ngũ cán bộ viên chức ở các cấp, phấn đấu tăng khoảng 50%, hỗ trợ nhân rộng mô hình cung cấp dịch vụ CTXH ở các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Đề án được thực hiện, cũng có 60.000 cán bộ, nhân viên CTXH được đào tạo chuyên nghiệp và 35.000 cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên CTXH được đào tạo lại... Đây được coi là bước khởi đầu mở ra một nghề mới nhiều triển vọng trên thị trường lao động và đáp ứng nhu cầu xã hội.