Nghề của sự nhẫn nại và yêu thương

Cập nhật: 03-04-2021 | 09:09:08

Ngày nay, khi số lượng trẻ tự kỷ có xu hướng tăng qua từng năm, nghề giáo viên dạy trẻ tự kỷ đã được xã hội biết đến nhiều hơn. Mỗi ngày qua đi, những giáo viên dạy trẻ “đặc biệt” ấy đều phải nỗ lực, cố gắng từng chút một với niềm hy vọng về sự tiến bộ của học sinh để các em có thể hòa nhập với bạn bè.


Một tiết dạy của cô giáo trẻ Võ Thị Hằng tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập Trí Tâm

 Chúng tôi đến thăm trường Mầm non Chuyên biệt Bình An (phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một) vào những ngày đầu tháng 4 để gặp gỡ những học sinh “đặc biệt” cùng với những cô giáo “đặc biệt” nơi đây. Ở đây, hơn 120 trẻ trong độ tuổi từ 3 đến 6 với những tính cách khác nhau, những thói quen khác nhau đã cùng nhau tạo nên những lớp học hết sức “đặc biệt”. Chúng tôi gọi là những lớp học “đặc biệt” vì ở đây có hơn 10 lớp với đầy đủ những đứa trẻ “đặc biệt” cùng những tiết học, những giáo án vô cùng “đặc biệt”. Những giáo viên ở đây không đứng trên bục giảng để giảng bài, họ phải đóng vai trò vừa là người dạy dỗ, vừa là người bạn tâm giao, lại như người mẹ hiền dạy học trò những kỹ năng sống đơn giản nhất.

Hơn 10 năm gắn bó với nghề, đồng hành cùng những học sinh “đặc biệt” này, cô Nguyễn Thị Hoài Minh đã trải qua nhiều vui buồn với nghề. Cô Minh chia sẻ: “Cũng là nghề giáo nhưng môi trường làm việc của chúng tôi hơi đặc biệt một chút vì chúng tôi không có chung một giáo án cố định, không phấn trắng bảng đen vì học sinh của chúng tôi là những đứa trẻ không may mắn mắc chứng tự kỷ, không tiếp xúc với ai, hoặc quậy phá. Có những em chậm nói, không nhận biết những điều xung quanh. Để tiếp xúc làm quen với trẻ tự kỷ đã khó, dạy trẻ làm theo ý mình lại càng khó hơn”.

Còn đối với cô giáo trẻ Võ Thị Hằng đang làm việc tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập Trí Tâm (phường Bình Chuẩn, TP.Thuận An) thì lại có nhiều cảm xúc với nghề mà mình đã chọn. Cô Hằng cho biết, trung tâm có hơn 20 giáo viên trực tiếp giảng dạy cho gần 100 học sinh ở các độ tuổi khác nhau, từ 18 tháng tuổi đến 18 tuổi. Về chuyên môn, mỗi giáo viên đặc thù sẽ có chuyên môn khác nhau. “Để việc giảng dạy có hiệu quả, thay vì cố bắt trẻ theo một giáo án cố định đã chuẩn bị sẵn thì giáo viên phải linh loạt thay đổi một số bài dạy để phù hợp với tâm lý, cảm xúc của trẻ. Đó là cách để chúng tôi bước vào thế giới riêng của trẻ, hiểu trẻ và đồng hành cùng trẻ. Nhiều khi cô giáo lại là người nếm đủ những đòn đánh của trẻ”, cô Hằng nói.

Đối với trẻ tự kỷ, giáo viên phải dạy trẻ tất cả mọi thứ từ những động tác tưởng chừng đơn giản hàng ngày cho đến các động tác hoạt động ngoài trời. Những phần khó hơn là dạy trẻ nghe lời, biết phân biệt màu sắc, chữ cái, hình ảnh… bởi đa số trẻ đều gặp nhiều khó khăn trong phát triển ngôn ngữ, giao tiếp xã hội, nhận thức, tự phục vụ… Tuy nhiên, đó mới chỉ là nền tảng ban đầu, điều quan trọng nhất trong giáo dục trẻ tự kỷ không chỉ phụ thuộc vào giáo viên mà còn phải nỗ lực từ phía gia đình và xã hội.

Chị Bồ Kim Khánh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập Trí Tâm cho biết: “Hiện chứng tự kỷ chưa thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng chúng ta có thể cải thiện sự phát triển của trẻ bằng các liệu pháp can thiệp sớm ở lớp học. Vì thế, điều chúng tôi mong mỏi nhất là nhận được sự phối hợp, đồng hành từ phía gia đình và xã hội để các bé có thể có điều kiện học tập tốt nhất, nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống bình thường”.

 HỒNG PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=619
Quay lên trên