Nghề điêu khắc gỗ: Cần niềm đam mê, yêu nghề

Cập nhật: 29-11-2024 | 09:52:58

 Bằng đôi tay khéo léo, trí tưởng tượng phong phú và niềm đam mê với nghệ thuật điêu khắc gỗ, hơn 30 năm gắn bó với nghề, hàng ngàn mẫu gỗ đã được ông Lê Hoàn Anh Kiệt (phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một) “thổi hồn” để cho ra những tác phẩm chất lượng, mang tính nghệ thuật cao.

 Từ niềm đam mê đã tạo động lực để ông Lê Hoàn Anh Kiệt theo đuổi nghề điêu khắc gỗ hơn 30 năm qua

 Chúng tôi đến nhà ông Kiệt vào lúc xế chiều, khi ông đang miệt mài đục đẽo trên một khối gỗ. Dù mới hình thành những đường nét ban đầu nhưng không quá khó để nhận ra ông đang tạc hình hài Phật Di Lạc ngồi dưới gốc cây bồ đề. Có lẽ do sinh ra và lớn lên tại làng nghề điêu khắc gỗ Phú Thọ hơn 200 năm tuổi, nổi tiếng đất Bình Dương, nên ông Kiệt có niềm đam mê mãnh liệt với nghề điêu khắc từ nhỏ. Dẫu vậy, gia đình ông chỉ có mình ông theo nghề này.

Ông Kiệt chia sẻ, vì yêu thích nghề điêu khắc gỗ nên năm 14 tuổi ông đã đi học nghề này. Sau 5 năm học nghề, ông xin vào làm tại xưởng mộc tư nhân, vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm, kiến thức thực tiễn. Từ kỹ thuật tinh xảo của những người đi trước truyền lại, cộng với sự tìm tòi nghiên cứu của bản thân, sau này khi mở xưởng gia công điêu khắc mỹ nghệ đã giúp ông cho ra đời rất nhiều tác phẩm điêu khắc bằng gỗ độc đáo, đậm chất thẩm mỹ. Hiện nay, những tác phẩm do xưởng gia công điêu khắc mỹ nghệ của ông làm ra được khách tham quan, mua sắm khen ngợi.

Ông Kiệt chia sẻ khi học nghề điêu khắc gỗ, ngoài các kỹ thuật cơ bản, người thợ phải biết cách tạo dáng, phác thảo những đường nét lớn cũng như từng họa tiết nhỏ trên mỗi tác phẩm. Quy trình để sáng tạo ra một tác phẩm gỗ điêu khắc phải trải qua nhiều công đoạn, như định hình, phá gỗ tạo hình, đục, chà nhám, sơn…; trong đó công đoạn phá gỗ tạo hình là quan trọng nhất. Tùy hình dáng gỗ mà ông tư vấn cho khách hàng điêu khắc thành hình dáng gì cho phù hợp.

Hầu hết tác phẩm của ông Kiệt được tạo ra từ gốc, rễ cây khô như thủy tùng, cẩm thị, trắc đỏ, lim, sưa… Từ những nguyên liệu thô ban đầu mà nhiều người cho rằng không giá trị, chỉ để làm củi đốt, qua đôi tay khéo léo của ông Kiệt đã trở thành tác phẩm có “hồn”. Ông đã tạo nên sự khác biệt độc đáo trong từng tác phẩm. Ông Kiệt tâm tình, cũng là tạo tác trên gỗ, nhưng khác với nghề mộc, nghề điêu khắc gỗ cần sự khéo léo, óc sáng tạo và “đôi mắt” nghệ thuật nhiều hơn. Tuy có thể cùng kích thước, hình dáng nhưng cái “thần”, cái “hồn” của mỗi tác phẩm đều có sự khác biệt. Cái khó của việc chế tác gốc cây, thân cây thành tác phẩm gỗ đầy tính nghệ thuật là không có bản vẽ mẫu sẵn. Do vậy, người thợ phải biết sáng tạo những sản phẩm dựa theo hình dạng, màu sắc, khối u, lỗ thủng trên từng khối gỗ, từ đó tạo ra những chi tiết sống động. Các sản phẩm điêu khắc gỗ nghệ thuật là những hình ảnh thân quen với nhiều người như tứ linh, 12 con giáp, tượng Phật, tượng Phúc - Lộc - Thọ, mặt bàn tứ quý…

Nhiều người thường nghĩ điêu khắc gỗ là nghề khó theo đuổi, nhưng sẽ dễ dàng với những ai có niềm đam mê. Bản thân tôi gắn bó với nghề này cũng từ niềm đam mê và chịu khó học hỏi. Tôi cũng mong muốn được truyền nghề lại cho thế hệ mai sau, đặc biệt là những người có tâm huyết, lòng đam mê và năng khiếu để nghề này không bị mai một, thất truyền”.

(Ông Lê Hoàn Anh Kiệt)

Ông Kiệt đã có hơn 30 năm gắn bó với nghề điêu khắc gỗ. Hiện nay, trung bình mỗi năm ông có thu nhập từ 180-200 triệu đồng từ nghề này. Ông Kiệt cho hay, để gắn bó lâu dài với nghề này phải xuất phát từ cái tâm, đam mê với nghề, khi khách hàng mang gỗ đến đề nghị chế tác hoặc đặt hàng, mình phải tư vấn nhằm tạo ra sản phẩm phù hợp, có giá trị mà không mất đi tính tự nhiên của gốc cây, rễ cây. Khách hàng thường không hiểu nhiều về chuyên môn nghề điêu khắc gỗ nên họ khó có thể chọn dáng hình cụ thể. Mỗi tác phẩm hoàn chỉnh phải trải qua rất nhiều công đoạn, đòi hỏi người thợ phải sáng tạo, cẩn trọng, tỉ mỉ trong từng nét chạm trổ. Mỗi tác phẩm làm ra như chính đứa con tinh thần của mình vậy. Như tác phẩm ông Phật Di Lạc, ông phải mất từ 20 ngày trở lên mới hoàn thành tác phẩm giao cho khách hàng.

Ông Kiệt chia sẻ thêm, nghề điêu khắc gỗ hầu hết các công đoạn đều bằng thủ công. Vì vậy, khi chọn gỗ cũng phải thật tỉ mỉ, ít cong vênh, có độ dẻo, dai, khi khô không nứt và không bị mối, mọt. Bên cạnh đó, người thợ phải có sự khéo léo để các nét đục, chạm phải sắc, hình dáng, chi tiết của bản chạm khắc phải sinh động, có “hồn”... Cái khó trong vẽ trang trí là tác phẩm phải có được cái “hồn”, sắc diện của Phật phải có sự tĩnh tâm, hoan hỉ. Nhìn cùng một bức tượng Phật, người xem phải cảm nhận được cái nghiêm nghị mà bao dung, hiền từ nhưng cứng rắn với cái xấu, cái ác.

 THOẠI PHƯƠNG - HẢI DƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=24
Quay lên trên