Nghề mộc vững vàng phát triển

Cập nhật: 17-12-2019 | 08:23:36

TP.Thủ Dầu Một (Bình Dương) được coi là cái nôi nghề mộc của Nam bộ từ thế kỷ 16. Hơn bốn trăm năm lưu giữ và bảo tồn, hiện nay nghề điêu khắc mộc vẫn vững vàng duy trì và phát triển.

 Thợ điêu khắc gỗ ở phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một đang thực hiện công việc của mình.Ảnh: PHÙNG HIẾU

 Về lại làng Phú Văn

Thời Pháp thuộc, nghề điêu khắc gỗ ngày càng phát triển cực thịnh ở Bình Dương, đã khắc họa phần nào thị hiếu thẩm mỹ của cư dân trong vùng cũng như cả nước và hình thành nên một bộ môn nghệ thuật độc đáo của Bình Dương. Năm 1891, Bình Dương đã có trường mỹ nghệ thực hành (còn gọi là trường bách nghệ- nay là trường Cao đẳng Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương) dạy các nghề mộc, chạm và trang trí, sơn mài. Đây là nền tảng cho ngành điêu khắc phát triển từ nghề dân gian sang chính quy.

Dấu tích làng Phú Văn (phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một) chỉ còn trong ký ức của những bậc cao niên. Dọc trên đường Lê Hồng Phong đi qua phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một hướng về sông Sài Gòn mọi người dễ thấy những gốc gỗ nằm phơi mình trong nắng gió - bằng chứng cho thấy nghề điêu khắc gỗ trứ danh của xứ Nam bộ vẫn còn được lưu truyền.

Lớp thợ làm mộc hiện nay ở làng mộc Phú Văn hầu hết là học trò của nghệ nhân Châu Văn Chí (đã qua đời), mà dân trong làng quen gọi với tên thân mật: Nghệ nhân Chín Chí. Ông Út Phụng, nghệ nhân mộc ở phường Phú Thọ, chia sẻ cách đây chừng 30 năm cả làng Phú Văn hầu như nhà nào cũng làm mộc. Mỗi khi có dịp ghé về thăm, du khách dễ dàng nghe tiếng dùi đục lóc cóc vang lên ở hai bên đường dẫn vào làng; có đến hàng trăm cơ sở làm mộc như vậy hoạt động sầm uất, náo nhiệt khách tới lui. Nghệ nhân làm mộc cao niên ở đây đều thuộc lòng câu ca dao: “Cầm dùi đục đập lên đầu chàng. Hỏi làm thợ mộc tiền ngàn để đâu?”, cũng đủ cho thấy nghề làm mộc có giá như thế nào.

Trước đây, làng mộc Phú Văn cho thợ thầy đi khắp nơi điêu khắc trang trí các công trình kiến trúc đình, chùa, nhà cổ, các sản phẩm mỹ thuật như tủ thờ, bàn ghế, tranh, tượng tôn giáo… Chính ở các vùng đất này đã sản sinh ra những nghệ nhân, thợ chạm khắc gỗ tài hoa, tạo nên nhiều sản phẩm có giá trị thẩm mỹ cao.

Ông Chín Bể - có hơn 30 năm làm nghề mộc, tâm tình ngày trước học nghề rất cực. Ông mất hết 3 năm học chạm mộc bàn ghế tủ, 4 năm học điêu khắc tượng mới tạm đủ tự tin lên làm thợ chính. “Trước đây học trò nghề mộc sau khi học hết nghề thầy thường ở lại làm công cho thầy đôi ba năm. Trước là trả ơn cho thầy, sau là tích lũy thêm kinh nghiệm, vốn liếng để mở cơ sở làm ăn riêng. Thanh niên trai tráng học được nghề mộc coi như có đủ vốn liếng lận lưng để cưới vợ sinh con, lập thân lập nghiệp”, ông Bể chia sẻ.

Chất lượng dần được nâng cao

Hiện ở các phường Phú Thọ, Chánh Nghĩa (TP.Thủ Dầu Một) còn vài chục cơ sở điêu khắc mộc thủ công. Theo xu hướng thị trường, các cơ sở này không còn tập trung lại một chỗ; nhiều nghệ nhân làm mộc phất lên, mở doanh nghiệp đi theo con đường sản xuất đồ gỗ xuất khẩu, số ít còn lại vẫn bám víu với nghề điêu khắc mộc truyền thống.

Nổi tiếng nhất ở phường Phú Thọ là cơ sở làm mộc của ông Mai Thanh Sang. Cơ sở của ông cung cấp phần lớn tượng Phật cho chùa Bà Thiên Hậu. Cở sở của ông còn sản xuất hàng chục loại sản phẩm mộc khác từ bàn ghế, đến tượng phong thủy: long lân quy phụng, phước lộc thọ, thiềm thừ, lộc bình... Hiện toàn phường Phú Thọ còn vài cơ sở điêu khắc gỗ nhưng nhịp gõ lóc cóc vẫn vang lên đều tại mỗi cơ sở, nhất là trong những ngày cận kề tết cổ truyền.

Ông Út Phụng cho hay, lượng đơn hàng tăng mạnh vào tháng cuối năm, nên cơ sở của ông phải làm luôn ngày chủ nhật để kịp giao cho khách hàng. Cơ sở chuyên làm mộc theo kiểu truyền thống. Chính vì thế mỗi sản phẩm ra đời là “độc bản” không có cái thứ hai nên giá trị rất cao, được giới ưa chuộng đồ gỗ truyền thống săn tìm. Theo ông Sang, lượng đơn hàng trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 của cơ sở tăng 30-40% so với ngày thường; cơ sở phải tuyển thêm nhân công để làm kịp đơn hàng. Làm thợ mộc giỏi sống khỏe, bởi lương thợ chính hiện nay ở mức 15 triệu đồng/tháng, còn thợ phụ thu nhập cũng ở mức 10-12 triệu đồng/tháng.

Nghề mộc Bình Dương ngày nay đã tiếp thu nhiều tinh hoa từ các làng mộc từ phía Bắc, miền Trung... Sự giao thao văn hóa giữa các vùng miền đã giúp nghề điêu khắc gỗ của tỉnh lên tầm cao mới. Nói như nghệ nhân Út Phụng, số cơ sở mộc ít đi nhưng trình độ tay nghề của thợ mộc ngày càng cao, sản phẩm ngày càng chất lượng về mặt thẩm mỹ. Mẫu mã sản phẩm điêu khắc gỗ của Bình Dương khá đa dạng và phong phú được các nghệ nhân sáng tạo, tiếp thu hoặc bảo lưu các phong cách cổ điển. Sản phẩm điêu khắc, gỗ mỹ thuật của tỉnh hiện cung cấp cho thị trường trong nước, phần lớn là sản phẩm mỹ nghệ phục vụ du khách mua làm kỷ niệm.

Trong dòng chảy thị trường, nghề mộc tại Bình Dương không bị mất đi, đáng mừng một số cơ sở mộc đã mạnh dạn lập doanh nghiệp đi theo con đường xuất khẩu phục vụ thị trường nước ngoài, góp phần đưa Bình Dương trở thành trung tâm xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất của cả nước. Phần còn lại của nghề mộc truyền thống trong tỉnh vẫn giữ những nét tinh hoa của nghề chạm khắc mộc của bậc tiền nhân để lại.

Nét văn hóa từ chiếc tủ thờ, tràng kỷ... vẫn còn im đậm trong tâm trí người Việt, qua đó giúp nghề điêu khắc mộc vẫn có thị trường riêng cho mình. Trong quá trình hội nhập, nghề điêu khắc gỗ trong tỉnh vẫn lưu giữ những nét tinh túy của làng mộc Thủ Dầu Một hàng trăm năm về trước. Với lớp nghệ nhân đi sau như ông Mai Thanh Sang vẫn sống khỏe, sống tốt với nghề, với doanh thu cả tỷ đồng mỗi năm.

“Làm mộc giàu vậy, tiền để đâu cho hết?. Thì để lo cho vợ con; hai đứa con gái chắc không theo nghề tui rồi. Các con cần học hành bài bản hơn, phải giỏi hơn cha ông...để theo kịp thời đại công nghiệp 4.0. Còn nghề mộc truyền thống, sức hút vẫn còn bởi đó là nét văn hóa đặc trưng của phương Đông, của tâm hồn người Việt. Còn người yêu sản phẩm điêu khắc gỗ là còn nghề”, ông Sang tâm tình.

 Khoảng 50 năm về trước, hơn 20 nghệ nhân làm mộc Thủ Dầu Một đã làm nên Bức tượng Phật nằm bằng gỗ to nhất nước với chiều dài 6,3m, chiều cao 5m tại chùa Niệm Phật (nay thuộc xã An Sơn, TX Thuận An). Pho tượng này được làm gỗ nguyên khối, thể hiện trình độ rất cao của nghệ nhân làm mộc Bình Dương. Tại phường Lái Thiêu cũng có miếu thờ Mộc tổ. Ngôi miếu được xây dựng vào năm 1944, do các nhà doanh nghiệp ngành mộc đứng ra vận động trong giới nghề thành lập. Hiện ngôi miếu tọa lạc tại Khu phố Long Thới, phường Lái Thiêu, TX.Thuận An.

Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có trên 100 cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ. Việc Bình Dương trở thành thủ phủ gỗ của cả nước, kéo theo hàng trăm doanh nghiệp, nghệ nhân, thợ lành nghề cả nước về tìm kiếm cơ hội.

 PHÙNG HIẾU 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1364
Quay lên trên