Nghệ nhân Đức Cang: Tâm huyết với đờn ca tài tử

Cập nhật: 15-04-2015 | 10:11:34

Màn nhung sân khấu khép lại, dư âm còn đọng lại trong giới mộ điệu cải lương là tên tuổi của những diễn viên, nghệ sĩ. Thế nhưng, để những giọng ca ấy được chắp cánh, còn phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của những ngón đờn điêu luyện của các nghệ nhân đàn. Nghệ nhân Đức Cang (ảnh) là một trong những người vẫn âm thầm khổ luyện để bộ môn tài tử Việt Nam tiếp tục được bảo tồn và phát triển.

Về Lái Thiêu hỏi thăm nghệ nhân Đức Cang chơi tài tử, rất nhiều người biết đến ông và bày tỏ sự ngưỡng mộ. “Chú ấy hiền và tận tâm với nghề, đặc biệt là chú có ngón đờn điêu luyện, ngọt ngào, nghe rất sướng…”, đó là nhận xét của người dân đầu tiên mà tôi gặp khi hỏi thăm về nghệ nhân Đức Cang.

Tò mò trước sự mộ điệu đó, chúng tôi đã tìm gặp ông để tận tai được thưởng thức những cung đàn điêu luyện ấy. Và quả đúng như những gì mà khán giả yêu mến, những bản nhạc cải lương quen thuộc bỗng trở nên ngọt ngào, da diết, cuốn hút hơn dưới đôi tay của nghệ nhân Đức Cang. Người nghe như cảm nhận được ngón đàn xuất phát từ tâm, từ máu thịt và từ con tim của ông.

Đức Cang bén duyên với đờn ca tài tử từ khi chỉ là một cậu bé 11, 12 tuổi. Bấy giờ, ban ngày đi bán cà rem phụ gia đình, ban đêm hễ ở đâu có văn nghệ là Đức Cang tìm đến. Có hôm mãi nghe quá, về rất khuya nên sáng hôm sau ngủ gục trên thùng cà rem… Cứ thế, các làn điệu tài tử cải lương đã dần ngấm vào máu thịt ông. Rồi đến một ngày, như không còn kìm lòng được nữa, Đức Cang bắt đầu tập tành hát. May mắn sở hữu chất giọng ngọt ngào, ông được nhiều người để ý đến và được mời tham gia các chương trình văn nghệ. “Những năm khó khăn, tôi đi ở đợ cho người ta. Trong nhà có cậu chủ đang học đàn ghita, nên tôi có dịp tiếp xúc với đàn. Tuy học lỏm nhưng năng khiếu của tôi còn hơn cả cậu chủ học chính thức”, nghệ nhân Đức Cang chia sẻ.

Đến năm 18 tuổi, Đức Cang được thầy Chín Lựa dẫn dắt vào nghề nhạc lễ, hát bội, hát chầu. “Một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy”, ông luôn kính trọng người thầy của mình, người đã giúp ông biết nhiều nhạc cụ như: Kìm, guita, cò, trống, kèn… và món nào ông cũng chơi rất tốt. Những năm 1977 - 1978, Đức Cang cùng thầy và một người bạn đồng môn làm mưa làm gió trên sân khấu liên hoan đờn ca tài tử toàn quốc được tổ chức tại Cần Thơ. Năm đó, ông thành công lớn trong việc đưa nhạc lễ lên sân khấu để biểu diễn. Chính cái mới lạ này đã mang về 3 huy chương vàng danh dự cho bộ môn tài tử tại Bình Dương.

Trong lúc trò chuyện cùng chúng tôi, nghệ nhân Đức Cang vẫn hy vọng sẽ tìm được người học trò tâm huyết để truyền nghề, mong không phụ lòng với tổ nghiệp, với những người đã từng yêu mến ông và trên hết là góp phần bảo tồn, phát triển đờn ca tài tử - một di sản văn hóa vô giá của phương Nam nói riêng và của Việt Nam nói chung.

 SONG ANH 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=829
Quay lên trên