Câu lạc bộ Tuồng cổ Dĩ An là một trong số ít đơn vị nòng cốt trong bảo tồn nghệ thuật hát bội ở tỉnh Bình Dương. Để duy trì hoạt động và có những đóng góp xã hội như thế, sẽ thiếu sót nếu không nhắc đến người nữ chủ nhiệm tâm huyết: Nghệ nhân (NN) Kiều Hạnh. Bằng khả năng và điều kiện của bản thân, bà đã cố gắng tìm được “đất sống” cho hát bội, một bộ môn nghệ thuật độc đáo.
Nghệ nhân Kiều Hạnh trong trang phục hát bội do chính bà thiết kế Ảnh: T.PHONG |
Sinh trưởng trong gia đình có truyền thống hát bội, mười một tuổi, người nữ NN này đã có vai diễn đầu tiên. Sau vai diễn mang tính thử nghiệm thành công ấy, gia đình đã định hướng cho bà kế tục sự nghiệp của mình. Đến nay, NN Kiều Hạnh đã có trên 40 năm gắn bó xuyên suốt với hát bội. Đời lưu diễn của một diễn viên hát bội là những tháng ngày “ăn quán ngủ đình”. Bà tâm sự: “Đi diễn mà tìm được chỗ ở đã là một hạnh phúc. Có khi phải ngủ ngoài mái hiên, tưới dầu lên cả ổ kiến để trải chiếu ngủ. Khổ vậy mà lại diễn được nhiều suất. Có lẽ nghề hát bội là phải vất vả”. Hình ảnh cô đào Kiều Hạnh nổi danh tài sắc khi về hát ở Bến Tre đã qua nhưng nó làm cô cảm thấy ấm lòng khi nghĩ về thời hoàng kim của sân khấu hát bội. Không còn trẻ để diễn những vai đào thương, đào mùi nhưng NN Kiều Hạnh vẫn oai hùng trong hình tượng những nữ tướng “chọc trời khuấy nước” hay độc diễn với tài năng vũ đạo, ca ngâm mới lạ như ngày nào.
Nghệ thuật truyền thống và hát bội với NN Kiều Hạnh là một duyên nghiệp. Sự chật vật, thiếu thốn về vật chất có lúc tưởng chừng phải bỏ nghề nhưng niềm đam mê với vốn quý của cha ông đã giữ bà tiếp tục gắn bó với hát bội. Dù nó không mang lại cho bản thân nguồn thu nhập đáng kể nhưng khi có lời mời thì dù xa xôi, cách trở mấy NN Kiều Hạnh cũng đến phục vụ công chúng. Đầu năm nay, bà đã về tận Sóc Trăng để biểu diễn tăng cường. Ngoài thời gian làm công tác chuyên môn, NN Kiều Hạnh còn thiết kế phục trang tuồng cổ như áo mão, cân đai... để có thêm thu nhập. Bà chia sẻ: “Đây có lẽ là sở đoản mà tổ nghiệp đã ưu ái cho tôi”.
Sân khấu hát bội đã vắng người thưởng thức. Dù vậy, NN Kiều Hạnh vẫn cố gắng tìm được “đất sống” cho nghiệp hát bội mà gần trọn đời bà gìn giữ. Câu lạc bộ Tuồng cổ Dĩ An vẫn tham gia biểu diễn tại các đình trong và ngoài tỉnh vào lễ hội Kỳ yên hàng năm. Thù lao cho mỗi suất diễn không cao nhưng nó đã tạo niềm vui, niềm phấn khởi rất lớn cho các thành viên khi được sống với niềm đam mê. Tuy không được như thời tiếng trống chầu còn độc tôn trên sân khấu ở Nam bộ nhưng NN Kiều Hạnh vẫn động viên và khuyến khích các thành viên thường xuyên tập dượt, rèn luyện chuyên môn để hát bội vẫn là một loại hình nghệ thuật độc đáo trong lòng người yêu thích. Kinh nghiệm sân khấu cho bà khả năng chỉnh lý các vở diễn cũ, biên soạn những vở mới và đảm nhận cả vai trò “thầy tuồng” cho anh em trong CLB. Đặc biệt, bà luôn tìm kiếm những tài năng trẻ cho hát bội và sẵn sàng đào tạo không lương cho những ai quyết lòng theo bộ môn này.
Giờ đây, NN Kiều Hạnh có thể tự hào gia đình mình đã có bốn đời theo hát bội. Người học trò ruột cũng là con gái bà, chị Kiều Tiên, mới đây đã giành huy chương bạc tại hội thi Tài năng trẻ sân khấu Tuồng chuyên nghiệp toàn quốc năm 2014. Hy vọng những NN tâm huyết như bà sẽ sớm được Nhà nước vinh danh để họ có thêm động lực truyền thụ những tinh hoa nghệ thuật dân tộc lại cho thế hệ trẻ để những di sản của ông cha không mất đi trong cuộc sống đương đại.
TRẦN PHONG