Nghề nuôi bò sữa: Cần hướng đến quy mô lớn và chuyên nghiệp hơn

Cập nhật: 05-11-2010 | 00:00:00

Trên 95% số bò sữa ở nước ta hiện nay được nuôi phân tán trong các nông hộ với quy mô nhỏ lẻ, tính chuyên nghiệp chưa cao. Nguồn thức ăn trong nước cho chăn nuôi bò sữa còn hạn chế, chưa đáp ứng đủ nhu cầu nên phải nhập khẩu 80% (cả thức ăn tinh và thức ăn thô), chi phí khá cao. Một hộ chăn nuôi đàn bò 10 con, nếu tự trồng cỏ cho bò mỗi năm chỉ chi ra hơn 19 triệu đồng cho tiền cỏ, nếu phải mua cỏ, chi phí hơn 48 triệu đồng/năm.

Cung còn kém xa cầu

Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Phó Tổng Giám đốc Công ty Nutifood, nhìn nhận chiến lược phát triển của ngành sữa Việt Nam là phát triển thị phần đến vùng sâu vùng xa, phục vụ cho số đông người Việt Nam có thu nhập thấp, trẻ em bị suy dinh dưỡng. Tuy nhiên vấn đề ở đây, theo ông Trịnh Quý Phổ, Tổng Thư ký Hiệp hội Sữa Việt Nam, thì lượng sữa tươi sản xuất trong nước mới chỉ thỏa mãn khoảng 22 -25% nhu cầu nguyên liệu, chất lượng lại không ổn định khiến các nhà chế biến gặp nhiều khó khăn. Người nông dân thì chưa hiểu biết thấu đáo về vấn đề quản lý chất lượng sữa tươi tại trang trại.

 

Chăn nuôi bò sữa ở Việt Nam còn rât nhỏ lẻ

Ông Trần Minh Văn, Giám đốc Điều hành Công ty Vinamilk, cho rằng quan hệ giữa nhà chế biến sữa và người chăn nuôi chưa thực sự gắn kết, thiếu tính bền vững và tin tưởng lẫn nhau nên nhà chế biến chưa mạnh dạn đầu tư cho người chăn nuôi, người chăn nuôi chưa tin vào kết quả đánh giá chất lượng sữa của nhà chế biến. Mặt khác, do yêu cầu tiêu dùng sữa tươi trong xã hội rất lớn, nhu cầu thu mua sữa của nhiều nhà máy tăng cao. Việc cạnh tranh không lành mạnh dẫn đến tình trạng chất lượng sữa tươi của một số nhà máy không bảo đảm, người tiêu dùng (NTD) phải sử dụng những sản phẩm kém chất lượng, vô tình gây ảnh hưởng xấu đến lòng tin của NTD đối với sản phẩm sữa trong nước, làm ảnh hưởng đến người chăn nuôi chân chính.

Bài toán quản lý?

Lâu nay giá bán lẻ sữa là một bức xúc lớn của NTD. Phía cơ quan quản lý cho rằng sở dĩ có sự chênh lệch lớn về giá giữa sữa bột trong nước và sữa ngoại nhập là do sản phẩm sữa bột sản xuất trong nước chi phí thấp hơn, quảng cáo ít hơn nên giá thành rẻ hơn. Giá sữa nhập cao một phần cũng vì tâm lý NTD Việt Nam, cho rằng giá đắt mới là hàng chất lượng. Ở giác độ doanh nghiệp phân phối, ý kiến chung lại nghiêng về hướng việc quản lý giá cả thị trường của cơ quan quản lý Nhà nước còn lỏng lẻo. Quá trình thực thi Luật Cạnh tranh đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh chưa thực sự hiệu quả.

Theo thống kê từ Hiệp hội Thức ăn gia súc Việt Nam, nhu cầu sữa tươi nguyên liệu tăng dần từ 500 triệu lít (năm 2010) lên 805 triệu lít (năm 2015). Có nhiều tập đoàn, công ty, hãng sản xuất thu mua sữa tươi nguyên liệu, làm cho mức cầu lớn hơn cung. Vì thế nhiều công ty hướng vào phát triển vùng nguyên liệu nhằm tạo thế đứng vững trong quá trình phát triển. Nhìn chung khả năng cạnh tranh của các sản phẩm sữa Việt Nam không cao do phải phụ thuộc chủ yếu vào nguyên liệu và thiết bị nhập khẩu, chất lượng sữa. Tuy nhiên, tùy theo mặt hàng mà tính cạnh tranh khác nhau. Chẳng hạn như sản phẩm sữa đặc có đường, sữa nước và sữa chua được đánh giá là có khả năng cạnh tranh cao do tỷ lệ sữa tươi trong nước sản xuất ngày càng cao (hiện nay đáp ứng 22% nguyên liệu, dự kiến đến năm 2020, nguồn nguyên liệu sữa tươi đáp ứng từ 38- 40% cho sản xuất).

KHÁNH VÂN - HỒNG NHUNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên