Theo nhiều tài liệu ghi chép lại, làng nghề Chuôn Ngọ (Hà Tây cũ) ở phía nam Hà Nội là cái nôi của nghề khảm xà cừ Việt Nam. Trước đây, hầu hết các sản phẩm khảm trai được sử dụng trong triều đình phục vụ tầng lớp hoàng gia và quý tộc (quan lại) và trong các nhà giàu, có địa vị. Trên bước đường xuôi phương Nam của các bậc tiền hiền, nghề cẩn ốc xà cừ cũng có mặt tại Bình Dương từ rất sớm.
Anh Nguyễn Văn Anh bên tác phẩm cẩn ốc tâm đắc của mình. Ảnh: PHÙNG HIẾU
Chuyện từ chiếc hộp trang sức
Cơ duyên đã đưa chúng tôi gặp anh Trần Hùng Hòa, chủ một quán cà phê ở phường Lái Thiêu, TX.Thuận An. Anh Hòa là người chuyên sưu tầm đồ cổ. Trong số vật dụng mà anh sưu tầm được có chiếc hộp đựng trang sức cẩn ốc xà cừ lóng lánh rất bắt mắt. Anh cho biết hiện có rất nhiều người thích sưu tầm đồ cổ cẩn ốc xà cừ. Câu chuyện từ chiếc hộp đựng trang sức khiến chúng tôi liên tưởng ngay tới làng nghề truyền thống Tương Bình Hiệp (TP.Thủ Dầu Một) - cái nôi nghề sơn mài trứ danh Nam kỳ lục tỉnh.
Theo nghệ nhân Tư Bốn, nghề cẩn ốc xà cừ và sơn mài có mối quan hệ mật thiết với nhau. Ốc xà cừ chính là một trong những chất liệu để làm nên những tuyệt tác sơn mài của làng nghề truyền thống Tương Bình Hiệp. Nói cẩn ốc xừ cừ là nói đến nghề khảm vỏ ốc, vỏ trai, vỏ sò lên các bức tranh, vật dụng gia đình như tủ thờ, bàn ghế, hộp đựng trang sức... Do giá trị của vỏ ốc xà cừ cao, thuộc dạng quý hiếm nên người ta gọi chung nghề khảm vỏ ốc, trai, sò... là cẩn ốc xà cừ.
Vỏ trai được ưa chuộng là loại vỏ trai của trai ngọc môi vàng (Pinctada maxima), thường có kích thước lớn, mặt trong có lớp xà cừ dày màu óng ánh. Làng nghề cổ truyền thì có những tên riêng cho những thứ ốc như “trai cửu khổng” (tức bào ngư), “diệp xù”, “trai cánh”, “trai Nông Cống”. Người thợ khảm trai dùng những mảnh vỏ trai để khảm (gắn) lên các đồ vật. Các công đoạn cần phải thực hiện khá tỉ mỉ: Vẽ mẫu tranh, mài, cưa, đục mảnh, khảm lên tranh rồi lại mài nhẵn và đánh bóng. Bước đầu tiên là chẻ vỏ thành mảnh rồi rọc theo thớ.
Nói đến cẩn ốc, nghệ nhân Năm Tịnh say sưa nói: “Mảnh vỏ ốc cắt xong thì đem ngâm nước rồi hơ đèn nóng để uốn phẳng vì vỏ ốc vốn cong. Trong khi đó mặt, vật dụng muốn khảm (thường là mặt gỗ) phải khoét lõm để nhận lấy mảnh vỏ ốc. Người thợ dùng sơn để gắn, gắn xong thì đem mài. Trước tiên người thợ mài bằng giấy ráp cát to, tiếp theo là cát mịn rồi lại đánh bằng vôi bột; bước cuối cùng là đánh bằng lá ngái rồi xoa bột gạo lên”.
Hiện nay, nghề cẩn ốc xà cừ tại Bình Dương rất phong phú với nhiều nghệ nhân xuất thân từ các làng nghề khảm xà cừ như Phú Xuyên (Hà Nội), Địa Linh (Huế), Gò Công (Tiền Giang), Tương Bình Hiệp (Bình Dương)... Đa số các nghệ nhân mang nghề cẩn xà cừ về Bình Dương sau năm 1975. Đây là thời điểm ăn nên làm ra của nghề cẩn ốc xà cừ, nghệ nhân làm nghề có của ăn của để, học trò nườm nượp tới xin học việc. Nhưng hiện nay, do thị hiếu tiêu dùng thay đổi, nên nghề cẩn ốc xà cừ đang gặp không ít khó khăn.
Còn đó những người đam mê với nghề
Theo các chuyên gia, dưới thời Lý, Trần, Lê, Mạc, sản phẩm mỹ nghệ xà cừ chỉ dành riêng cho vua, quan sử dụng, làm tặng phẩm ngoại giao. Sang thế kỷ XVII, nghề khảm xà cừ ở Huế cũng được các chúa Nguyễn mang từ vùng đất tổ vào, sau đó tiếp thu thêm kỹ thuật, mỹ thuật mới lạ của vùng đất phương Nam. Nghề khảm xà cừ ở Huế được Lê Quý Đôn ghi lại trong sách Phủ biên tạp lục: “Tại xứ Thuận Hóa, người ta dùng xà cừ khảm vào bàn ghế, hộp quả, rương hòm, chuôi kiếm…”.
Dấu ấn Huế - triều Nguyễn còn lưu lại trên các vật phẩm thủ công mỹ nghệ cung đình tiêu biểu như: Chân dung Vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương do Trần Bá Ôn (ở thôn Ngọc, Chuyên Mỹ, Hà Đông) dâng tặng. Ngoài ra, còn có các vật phẩm khảm xà cừ do các quan địa phương đặt nghệ nhân làm riêng dâng tặng hoàng gia vào các dịp lễ. Có ai ngờ được, một nghề chuyên phục vụ cho bậc vương giả, quý tộc, người nghệ nhân cẩn ốc được tôn vinh, cung kính một thời nay đang lâm vào tình trạng khó khăn.
Nghệ nhân Năm Tịnh cho hay, sơn mài và khảm ốc của làng nghề truyền thống Tương Bình Hiệp đã qua thời hoàng kim. Hiện tại, ở Tương Bình Hiệp vẫn còn duy trì nghề cẩn ốc nhưng lượng khách hàng đã giảm mạnh, sản phẩm sơn mài với chất liệu vỏ ốc, vỏ trai... ít người tìm đến. Tuy vậy, một số cơ sở vẫn truyền nghề cẩn ốc cho thợ như là cách để giữ nghề và chờ thời cơ để nghề cẩn ốc “tái sinh”. |
Chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Anh, thợ cẩn ốc xà cừ từ làng Thôn Nội (Hà Tây cũ, nay thuộc Hà Nội). Cơ sở của anh nằm trên đường Cách Mạng Tháng Tám, phường An Thạnh, TX.Thuận An. Anh đã có hơn 20 năm làm nghề cẩn ốc xà cừ tại Bình Dương từ lúc nghề còn “thịnh” cho đến “suy” như hiện nay. Anh tâm tình, để hoàn thành một sản phẩm cẩn ốc cho bàn ghế hay tủ thường anh phải mất tới 9 - 10 ngày công, bởi khâu xử lý vỏ ốc, khảm, nạm phải được làm tỉ mỉ, nếu không sẽ làm hỏng tác phẩm, tuy vậy tiền công chỉ tầm 1 - 2 triệu đồng vì đa số khách hàng bình dân chỉ chấp nhận làm hàng chợ. Thi thoảng anh mới nhận được hàng cao cấp giá vài chục triệu đồng cho một cái tủ thờ.
Nghề bạc là vậy nhưng khi nói về nghề anh Anh vẫn còn hừng hực ngọn lửa đam mê: “Một trong những nét đẹp độc đáo của tủ thờ là những miếng ốc xà cừ qua thời gian đã lên nước, bóng lộn, bắt ánh sáng cực nhạy. Dù trong bóng tối, cái tủ thờ cẩn ốc vẫn toát lên vẻ uy nghi với những ánh sắc xanh xanh đỏ đỏ lấp lánh (tùy loại ốc)”. Nghề đang mai một nhưng không làm anh nhụt chí. Để duy trì những ngày không có khách hàng, anh kiêm luôn “nghề” buôn bán đồ gỗ cũ.
Theo thạc sĩ - họa sĩ Thái Kim Điền, Chủ tịch Hội Sơn mài và Điêu khắc Bình Dương, vừa qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng tỉnh phối hợp với Hội Điêu khắc - Sơn mài Bình Dương và TP.Thủ Dầu Một đã tổ chức triển lãm “Sơn mài Bình Dương - Dấu ấn trăm năm”. Đến đây, khách tham quan được chứng kiến sự khéo léo của nghệ nhân qua một vài công đoạn như vẻ, khắc, cẩn ốc.... Tham quan triển lãm, cho thấy nhiều người vẫn còn “nặng tình” với nghệ thuật cẩn ốc xà cừ thông qua các tác phẩm sơn mài được trưng bày tại đây.
Nghệ nhân Tư Bốn cho hay, Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp hiện còn lưu giữ hàng trăm tác phẩm tranh ảnh sơn mài kết hợp với chất liệu ốc xà cừ như là một sự nhắc nhở các nghệ nhân phải cố công giữ cho bằng được nghề truyền thống mà các bậc tiền hiền đi trước để lại.
Trong nỗi lo nghề cẩn ốc bị mai một, chúng tôi nhận được một tin vui là Công ty TNHH Đăng Trọng (TP.Thủ Dầu Một) vẫn “đang ăn nên làm ra” với nghề cẩn ốc. Doanh nghiệp này chỉ có 6 thợ và nghệ nhân từ làng Phú Xuyên (Hà Nội) nhận gia công cẩn ốc trong cả nước. Có một sản phẩm của công ty đang rất được thị trường châu Âu ưa chuộng là ván MDF cẩn ốc xà cừ - một vật liệu mới lạ sáng tạo ứng dụng cho xây dựng và trang trí nội thất.
Theo đà phát triển, nhiều nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh đang dần bị mai một, thậm chí là “biến mất” nếu bản thân nghề truyền thống không thay đổi kịp thời theo thị hiếu tiêu dùng của khách hàng. Nếu tìm được hướng đi đúng, nghề từng một thời phục vụ cho các bậc đế vương này sẽ trở lại với giá trị vốn có của mình.
Theo các nhà khoa học, xà cừ do các tế bào biểu mô thuộc phần áo của một số loài động vật thân mềm tiết ra. Trong các loài động vật thân mềm này thì xà cừ được tích tụ liên tục ở mặt trong của mai hay vỏ của chúng, như là một phương thức để làm trơn vỏ cũng như là cách thức để chống lại các sinh vật ký sinh và các mảnh cát sỏi vụn gây nguy hiểm cho cơ thể. Lớp xà cừ óng ánh bên trong này được nhiều nền văn hóa đánh giá cao và thường được sử dụng trong chế tác đồ trang sức hay lớp khảm trên bề mặt các đồ gỗ.
PHÙNG HIẾU