Nghệ sĩ Nguyễn Hùng Việt: “Đục - đẽo” cho đời thêm vui

Cập nhật: 05-08-2015 | 10:42:09
Với đồng nghiệp, thầy Nguyễn Hùng Việt là người nghệ sĩ có nghề, đã dốc hết cuộc đời vì nghệ thuật, dốc tâm cho một làng nghề truyền thống. Trong căn nhà gỗ mộc mạc với khá nhiều tác phẩm được trưng bày, nghệ sĩ Hùng Việt thỏa sức vẫy vùng trong niềm đam mê, trong phong cách riêng của một điêu khắc gia lão luyện. Song, ông vẫn khiêm tốn nói rằng: Mình chỉ “đục, đẽo…” cho đời thêm vui.
 Thầy Nguyễn Hùng Việt, Trưởng khoa điêu khắc trường Mỹ thuật - Văn hóa tỉnh bên tác phẩm “Trả nợ rừng” tham dự triển lãm khu vực tại tỉnh Bình Phước năm 2015

Thầy Nguyễn Hùng Việt là một trong những người già dặn nhất cả về tuổi đời lẫn tuổi nghề tại trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương. Ông đã có hơn 40 năm tiếp cận với mỹ thuật, gần 30 tác phẩm triển lãm trong tỉnh và khu vực (một số được Nhà nước công nhận) và đã dìu dắt không biết bao nhiêu lớp học trò thành danh. Song thầy Nguyễn Hùng Việt ít khi nói nhiều về mình, mà chỉ nói đến sự thành công của học trò. Mà nói cho cùng thì thành công của trò cũng chính là thành công của thầy, bởi có thầy hay thì mới có trò giỏi.

Đến thăm căn nhà gỗ (cũng là phòng triển lãm riêng của thầy Hùng), chúng tôi có ấn tượng với tác phẩm “Ấp chiến lược” được tác giả bố trí trong một không gian trang trọng. Gợi chuyện, chúng tôi biết đây là đứa con tinh thần mà nghệ sĩ Hùng Việt rất hài lòng. Tác phẩm không chỉ đẹp ở từng sắc gỗ tự nhiên được thực hiện một cách công phu, tỉ mỉ. Mà trong đó còn chứa đựng cả tình cảm riêng thiêng liêng. Chính gia đình tác giả cùng bao đồng bào khác đã từng bị dồn vào ấp chiến lược, từng sống, chịu đựng cảnh gian khó và cùng đấu tranh ở đó… Tác phẩm “Ấp chiến lược” đã nhiều lần được Bảo tàng Bình Dương ngỏ ý mua, nhưng tác giả vẫn chưa đồng ý “gả” đi. Ông cho rằng giữ nó lại như là kỷ vật, nhắc nhở con cháu một thời đấu tranh anh dũng của dân tộc.

Là một nhà giáo yêu nghề, thầy Nguyễn Hùng Việt luôn tâm niệm về vai trò của người dìu dắt, người truyền lửa cho thế hệ trẻ có cái nghề, có đam mê thật sự nhằm tiếp tục gìn giữ giá trị truyền thống của dân tộc. Theo thầy Việt, năng khiếu không hẳn là yếu tố quyết định đến sự thành công của một người nghệ sĩ, mà quan trọng nhất vẫn là đam mê. Có đam mê thì ắt hẳn ta sẽ quyết tâm rèn luyện đến cùng để có khiếu. Điển hình như trường hợp của em Vũ Phạm Anh Tuấn, khiếm thính bẩm sinh. Sau 3 năm được thầy chỉ dạy bằng tất cả tấm lòng của người thầy, của một người anh lành nghề, giờ đây, Anh Tuấn không chỉ tự nuôi sống bản thân bằng công việc của một công nhân lành nghề, mà em còn có thể thăng hoa cùng nghệ thuật…

Với kết quả này, thầy Nguyễn Hùng Việt thêm một lần nữa khẳng định với chúng tôi về tay nghề của những người thầy tại trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương. Thầy cũng nhấn mạnh rằng, thành công ấy sẽ không cần các em có năng khiếu ngay từ đầu, mà chỉ cần các em chịu khó học hỏi, rèn luyện với sự hướng dẫn, dìu dắt của các thầy. Như vậy, chắc chắn các em sẽ thành công với nghề trong tương lai. “Các em hãy mạnh dạn đến với trường để cho mình một tương lai. Hãy cùng góp sức với những người đi trước như chúng tôi để gìn giữ bản sắc, làng nghề truyền thống…”. Đó là thông điệp mà thầy Nguyễn Hùng Việt muốn nhờ chúng tôi gửi đến những bạn trẻ đang có ý định theo đuổi nghệ thuật tạo hình điêu khắc.

 SONG ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=759
Quay lên trên