Trong Chiến dịch Tây Bắc, nghệ thuật nghi binh, giữ bí mật được tổ chức bài bản, khoa học. Nghệ thuật này được phát triển và nâng tầm trong các trận đánh, các chiến dịch sau này, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Khác với một số chiến dịch trước, trong Chiến dịch Tây Bắc, quân ta tiến công mở màn bằng những trận đánh nhỏ tiêu diệt những vị trí vành ngoài ở Nghĩa Lộ, như: Sài Lương, Bản Trại, Ca Vịnh, Ba Khe... và tiêu diệt các đồn bốt: Đồng Bồ, Khe Địa, Vạn Yên... Chính đòn nghi binh này đã làm cho địch chủ quan, phán đoán sai hướng tiến công chính, không có kế sách đối phó rõ ràng.
Theo kế hoạch tác chiến, đợt 1 chiến dịch bắt đầu từ ngày 14-10-1952, các mũi tiến công nhanh chóng thọc sâu, chia cắt địch. Trước khi ta nổ súng đánh vào Pú Chạng vài giờ, tướng Raoul Salan, Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương vẫn đinh ninh quân ta sẽ tiến công vào đồng bằng. Chúng bố trí 29 trong số 32 tiểu đoàn cơ động để phòng thủ hai bờ Nam, Bắc sông Hồng và sẵn sàng đón đợi chủ lực ta tiến đánh.
Theo tài liệu mật của Bộ Quốc phòng Pháp (lưu tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam): Ngày 15-10-1952, tướng Raoul Salan đang ở Sài Gòn thảo gấp chỉ thị mật gửi cho De Linares đang chỉ huy quân Pháp tại Hà Nội, chỉ rõ: "Nghĩa Lộ và Sơn La đang bị uy hiếp nặng nề... nhưng các yếu tố nắm được chưa cho phép chúng ta có chủ trương. Phải đợi cho Việt Minh lộ rõ ý định của họ". Chỉ đến khi Phân khu Nghĩa Lộ bị quân ta tiêu diệt (ngày 17-10-1952), Bộ chỉ huy quân Pháp mới biết chắc chắn hướng tiến công mùa khô của các đại đoàn chủ lực Việt Minh là Tây Bắc chứ không phải là vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Quân Pháp cho Tiểu đoàn dù số 6 đổ quân xuống Tú Lệ để cứu nguy, nhưng đã quá muộn. Bộ đội ta đã vây chặt Pú Chạng, Nghĩa Lộ và tiêu diệt đối phương.
Quân Pháp rút khỏi Nà Sản, năm 1952. Ảnh tư liệu
Khi trả lời báo chí về sự thất bại nhanh chóng ở Nghĩa Lộ, tướng Raoul Salan biện minh: "Ông Giáp đã bất ngờ tập trung Đại đoàn 308 vào Nghĩa Lộ. Các hướng khác: Sầm Nưa, Mường Hét, Mường Hum... chỉ là nghi binh. Nghĩa Lộ đã không đứng vững được thì các vị trí khác ở phía Tây sông Đà sẽ tiếp tục trở thành những mồi ngon cho đối phương" (theo cuốn "Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu", NXB Quân đội nhân dân, năm 2004).
Không chỉ nghi binh, bảo đảm bí mật hướng tiến công chiến lược mà trong quá trình diễn ra chiến dịch, ta vẫn tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp nghi binh, làm cho địch bất ngờ về hướng tiến công chủ yếu của ta trong đợt 2 (từ ngày 17 đến 22-11-1952). Trong khi địch lầm tưởng ta sẽ đánh lên Lai Châu và vội điều lên đây hai tiểu đoàn tăng cường, thì các trung đoàn chủ lực của ta bí mật vượt sông Đà tiến công tiêu diệt địch ở Mộc Châu, mở toang cánh cửa vào Sơn La.
Phân tích nghệ thuật nghi binh lừa địch trong Chiến dịch Tây Bắc, Thiếu tướng, PGS, TS Vũ Quang Đạo, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự cho rằng: Trong đợt 3 (từ 30-11 đến 10-12-1952), ta tiến đánh Nà Sản, nhưng quân Pháp tăng cường binh, hỏa lực, không quân kháng cự mạnh mẽ. Xác định nếu tiếp tục tiến công sẽ gặp bất lợi nên quân ta chủ động kết thúc chiến dịch. Để rút quân bí mật, an toàn, tránh bị thương vong, Bộ chỉ huy chiến dịch đã hết sức chủ động, linh hoạt tiến hành nhiều biện pháp nghi binh có hiệu quả nhằm đánh lừa địch. Ta để lại một lực lượng cùng với địa phương tích cực củng cố các vùng mới giải phóng, đồng thời tiếp tục bao vây, uy hiếp địch ở Nà Sản. Quân Pháp cho rằng ta vẫn tiếp tục tiến công Nà Sản nên chúng một mặt ráo riết củng cố công sự để đối phó với ta ở đây, mặt khác vội vã điều quân cơ động lên củng cố Sầm Nưa (Lào), đề phòng mặt sông Mã. Trong khi đó, ta khéo léo, bí mật đưa một lực lượng sang hoạt động rầm rộ ở khu vực sông Mã, kết hợp với việc rút quân về Liên khu 4, tổ chức tiến công một số vị trí địch nhằm khuếch trương thắng lợi và thu hút sự chú ý của địch. Một bộ phận khác, theo yêu cầu của phía bạn Lào, tiến sang đánh địch ở Phong Xa Lỳ, Mường Khoa nhằm đánh lạc hướng chú ý của địch. “Có thể nói, đây là một bất ngờ lớn đối với địch, đồng thời là một thành công lớn của ta trong việc kết thúc chiến dịch”, Thiếu tướng, PGS, TS Vũ Quang Đạo nhấn mạnh.
Giữ bí mật tuyệt đối
Chiến dịch Tây Bắc cho thấy sự kết hợp có hiệu quả cao giữa hoạt động nghi binh, lừa địch với công tác phòng gian, giữ bí mật tại mặt trận. Đại tá Nguyễn Hữu Tài, nguyên Chính trị viên phó Tiểu đoàn 16, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312, nguyên Phó cục trưởng Cục Quân huấn (Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam) kể lại: Mở đầu đợt tiến công thứ hai, Đại đoàn 312 có nhiệm vụ tiêu diệt hai cứ điểm Ba Lay và bản Hoa trên tuyến phòng thủ hữu ngạn sông Đà của địch. Tiểu đoàn 16, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312 được lệnh cấp tốc đi trước, vượt sông Đà để tiếp cận mục tiêu. Giữa tháng 11-1952, mưa lớn, nước sông Đà dâng cao, chảy cuồn cuộn. Lực lượng công binh của Đại đoàn 312 dầm mình dưới làn nước lạnh để bắc cầu phao cho bộ đội qua sông, nhưng không thành công. Một quyết định đưa ra là cho bộ đội bơi qua sông để kịp thời gian nổ súng theo kế hoạch. Hơn 100 cán bộ, chiến sĩ tình nguyện tập hợp thành một đại đội, chia nhau chặt chuối rừng cùng tre nứa làm bè mảng, để quần áo và vũ khí, lương thực lên bè. Cứ 3 người một tổ vượt sông, do đảng viên, cán bộ làm tổ trưởng, sẵn sàng cứu giúp nhau nếu bị nạn.
Đêm 17-11-1952, toàn đơn vị vượt sông an toàn và nhanh chóng cơ động. Trên đường hành quân, tổ trinh sát đi đầu bắt được một binh sĩ địch đào ngũ nên khai thác được tình hình địch và yêu cầu hắn dẫn đường. Đơn vị đã hoàn thành triển khai bao vây địch ở cứ điểm Ba Lay trước lúc trời sáng, nằm im để các lực lượng khác cùng bí mật vào tiếp cận. Khi ta nổ súng tiến công, địch rất bất ngờ. Trước sức tiến công mãnh liệt của ta, chúng buộc phải đầu hàng. Quân ta hoàn toàn làm chủ cứ điểm Ba Lay, bắt tù binh, thu toàn bộ vũ khí.
Trước đó, vào tháng 8-1952, Đại đội 85 (Đoàn Trinh sát 426 thuộc Bộ Tổng Tham mưu) gồm 90 cán bộ, chiến sĩ nhận lệnh hành quân từ Đại Từ (Thái Nguyên) tiến sâu vào địa bàn Tây Bắc. Địa điểm hoạt động chính của Đại đội 85 là theo trục Đường 41 (nay là Đường 6) từ Cò Nòi (Mai Sơn, Sơn La) đến tỉnh lỵ Sơn La. Đầu tháng 9-1952, Đại đội 85 bí mật hành quân vượt qua các đồn địch, vượt sông Đà, qua đồn Tạ Khoa, Bản Chẹn, Pom Bau (Yên Châu) đến điểm tập kết Cò Nòi an toàn. Đi tới đâu, Đại đội 85 cũng được nhân dân địa phương bảo vệ, giữ bí mật, tiếp tế lương thực, thực phẩm. Đặc biệt, hơn hai tháng hoạt động ở địa bàn Cò Nòi, Nà Sản (nơi trung tâm, địch đặt sở chỉ huy), trong khi đại bộ phận nhân dân bị địch tập trung về quanh đồn để khống chế, nhưng cán bộ, chiến sĩ Đại đội 85 vẫn được nhân dân cung cấp lương thực, thực phẩm và bảo vệ, giữ bí mật tuyệt đối để làm nhiệm vụ cho đến ngày kết thúc chiến dịch.
Chiến dịch Tây Bắc diễn ra trên một địa bàn rộng mà ở đó cơ sở chính trị còn mỏng và yếu; trình độ nhận thức của người dân, đặc biệt là của đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế; các tổ chức, phần tử phản động trà trộn vào trong dân ngấm ngầm thu thập tin tức, chống phá cách mạng quyết liệt. Đại tá Nguyễn Quốc Thịnh, nguyên Trợ lý tác huấn Trung đoàn 88, Đại đoàn 308, nguyên Phó giám đốc Học viện Khoa học Quân sự, vẫn nhớ như in những ngày tháng lịch sử ấy. Ông kể: "Trước khi diễn ra chiến dịch, đơn vị tăng cường huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật; đồng thời, bộ đội được quán triệt “10 điều kỷ luật”, nhất là kỷ luật dân vận, bởi có làm tốt công tác dân vận mới tạo niềm tin cho nhân dân và xây dựng cơ sở chính trị. Có mạng lưới cơ sở chính trị vững chắc, rộng khắp, theo cách mạng thì sẽ góp phần phòng gian, giữ bí mật được tốt hơn”.
Có thể khẳng định, trong Chiến dịch Tây Bắc, nghệ thuật nghi binh, giữ bí mật được tổ chức bài bản, khoa học. Nghệ thuật này được phát triển và nâng tầm trong các trận đánh, các chiến dịch sau này, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Theo TTXVN