Nghèo nàn bữa cơm sinh viên...

Cập nhật: 07-04-2010 | 00:00:00

Giá cả đắt đỏ nên người có thu nhập thấp hay những người còn phụ thuộc vào sự “tài trợ” của ba mẹ như sinh viên (SV) sống xa nhà phải “thắt lưng buộc bụng” trong từng bữa ăn của mình. Dạo quanh các trường cao đẳng, đại học ở Bình Dương, việc ăn uống của các em hầu như là chuyện... ít ai để ý! Bữa cơm rất đạm bạc và chủ yếu là “ăn lấy no” ...

Một bữa cơm của SV trường Đại học Thủ Dầu Một

“Mua lẻ” thức ăn

Dịch vụ ăn uống mọc lên phục vụ cho SV rất nhiều quanh các trường. Giá cả cũng rất SV và tất nhiên, chất lượng cũng “đi theo” giá cả. Hiện nay, ăn sáng ở quán với những thức ăn... thông thường như mì, bún, phở... giá bình dân nhất cũng từ 15.000 - 20.000 đồng/tô. Nhưng với SV, giá sẽ... bình dân hơn nữa. Khoảng 8.000 - 12.000 đồng/tô. Cơm trưa văn phòng vài chục ngàn đồng/suất thì cơm sinh viên cũng chỉ 10.000- 12.000 đồng/suất. Nhưng đó là giá cả và quán phục vụ cho SV “kha khá một chút”. Hầu hết SV nghèo ở trọ chọn dịch vụ “không thể rẻ hơn được nữa”.

Trước cổng trường Đại học Thủ Dầu Một mỗi sáng có rất nhiều điểm bán thức ăn dạo. Họ bán theo kiểu... lưu động và SV trước khi vào lớp tranh thủ mua ít thức ăn sáng. Ở đây có cơm chiên, bánh mì, bánh ướt với... giá 5.000 đồng/suất. Những em tiết kiệm hơn nữa thì: “Dì ơi, bán cho con 3.000 đồng xôi”. Trước các cổng trường khác cũng tương tự như thế. Tôi hỏi một SV đang mua bánh mì ở gần trường Đại học Bình Dương là “có khi nào em ăn sáng, uống cà phê trước khi vào lớp?”. Em này cho biết, thỉnh thoảng có đi ăn sáng ở quán nhưng là khi có... bạn trai mời đi. Còn không thì cứ xôi, bánh mì chứ lấy tiền đâu ra mà ăn sáng “kiểu sang” hả chị?

Tôi đến phòng trọ ở ký túc xá của các SV năm nhất khoa Giáo dục Mầm non trường Đại học Thủ Dầu Một khi các em đang chuẩn bị ăn trưa. Bạn Vũ Thị Bích Huệ (nhà ở Lạc An, Tân Uyên) nói: “Tụi em ăn uống rất tiết kiệm. Để an toàn nên trường không cho nấu ăn trong ký túc xá. Tụi em mua thức ăn về phòng cùng ăn chung để tiết kiệm. Nếu mua nguyên hộp cơm thì 10.000 đồng/hộp nên tụi em mua... cơm lẻ. Nghĩa là mua mấy bịch cơm trắng (3.000 đồng/phần); mấy bịch canh (1.000 đồng/phần) và mấy ngàn đồng thức ăn mặn. Mua như thế tính ra chưa tới 10.000 đồng/phần mà khi ăn lại đông, vui nữa”. Bích Huệ cũng cho biết thêm: “Khoa em học không phải đóng học phí. Mỗi kỳ học tụi em còn được học bổng tính theo thành tích học tập nhưng nhà ai cũng khó khăn nên tụi em phải tiết kiệm. Như em mỗi tháng ba mẹ cho 500.000 đồng để tiêu vặt và ăn uống nên phải tự... co kéo mới đủ nếu không muốn chưa hết tháng phải về nhà xin tiền thêm”. Tôi cũng gặp rất nhiều bạn SV nhà đông anh em, kinh tế khó khăn nên họ biết tiết kiệm để ba mẹ ở nhà đỡ vất vả vì phải lo con ăn học trong 3 - 4 năm trời.

Các bạn SV của lớp 10E khoa Sư phạm Mầm non cũng chọn cách “mua lẻ” này để tiết kiệm. Yến Vy cho biết, các em thường đi chợ nhưng chỉ để “mua rau ăn mì gói” chứ không nấu nướng gì. Bữa trưa và tối cũng chỉ mua cơm, canh. Thức ăn mặn có khi... góp từ mọi thành viên trong phòng bởi các em thường về thăm nhà và được mẹ chuẩn bị cho một vài món kho để mang theo ăn dần. Tính ra có bữa mỗi người tốn có mấy ngàn đồng. Ăn uống với các em là “không quan trọng lắm”. Chỉ cần thấy “no là được”. Các em đang học bài và đến bữa lại... bỏ sách vở qua một bên để lấy bàn học làm bàn ăn. Ăn uống rất đạm bạc với một ít cơm, canh và thức ăn mặn là trứng, cá kho của một em trong phòng mới về thăm nhà ở Phú Giáo mang xuống. Một SV nói vui: “Hôm nay tụi em ăn uống vậy là ngon lắm rồi đó. Ngày thường không ăn được như thế đâu. Mỗi bữa chỉ có cơm, canh và thêm một món mặn gì đó là xong bữa”.

Tự nấu ăn để tiết kiệm!

Chuyện tự nấu ăn là của SV thuê nhà trọ chứ không phải SV nội trú. Bởi để an toàn, hầu hết các Ban quản lý ký túc xá cấm SV nấu cơm trong phòng. Nhiều vị phụ huynh muốn con vẫn giữ được sức khỏe, ăn uống đầy đủ hơn nên đã thuê phòng trọ cho con và khuyến khích con mình tự nấu ăn.

Nói đến chuyện ăn uống của SV lâu nay người ta hay gắn liền với chuyện thiếu chất, không đủ no... Cơm bụi không còn là sự lựa chọn phổ biến của các SV 9X bây giờ nữa. Thay vào đó, nhiều người biết tự sắm cho mình một bộ đồ nấu ăn khi bước chân vào cổng trường đại học. Bạn Phạm Thị Bích Ngân, SV lớp 09KT01 - ĐH Bình Dương cho biết: “Theo em, bữa ăn phải đầy đủ chất dinh dưỡng bởi thế nên tự nấu ăn để vừa được đổi món, vừa an toàn vệ sinh thực phẩm”.

Không chỉ nữ SV tự nấu nướng cho bữa ăn của mình, điều ấy cũng đã được các bạn nam duy trì thường xuyên. Nguyễn Duy Sơn, SV lớp 10XH01 cho biết từ khi vào nhập học năm 1 đã được mẹ mua cho một bộ đồ nấu ăn mới toanh. Chính nhờ đầy đủ “đồ nghề” mà Sơn và 2 bạn ở trọ cùng có những bữa ăn tươm tất.

Nhưng số SV tự lo cho bản thân mình như trên cũng không nhiều. Dọc theo khu K8, phường Hiệp Thành, nơi được xem là SV ở tập trung nhất ở Bình Dương hiện nay vẫn nhan nhản các quán cà phê, quán nhậu, karaoke, bi da... Chính vì thế mà bữa ăn của SV bị “teo tóp” đi nhiều bởi SV để dành tiền cho các... dịch vụ này nữa! Nguyễn Bảo Duy, SV lớp kế toán trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương “vui vẻ” cho biết: “SV thì ăn gì mà chả được. Bọn em ăn uống cho đủ bữa thôi chứ quan trọng gì. Bữa cơm chỉ cần có ít canh, cá là được. Nếu thấy đói thì cứ làm thêm mì gói với quả trứng là xong”...

Đến thăm và cùng các bạn SV “sống lại” thời SV khó khăn mà mình cũng đã từng trải qua bỗng thấy đúng là chuyện ăn ít được các cô cử, cậu cử tương lai chú ý thật. Với họ vẫn “vui là chính”, học hành mới là chuyện quan trọng! Tuy nhiên, với tình hình... bão giá và tất cả các loại thực phẩm đều đắt đỏ này, gia đình, nhà trường cần quan tâm hơn, giúp các em có một bữa ăn đầy đủ chất hơn để lo cho việc học...

Q.NHƯ - K.VINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên