Hành tung bí mật của máy bay vũ trụ Mỹ X-37B khiến có tin đồn trạm không gian Trung Quốc Thiên Cung-1 đã bị Mỹ theo dõi
Máy bay vũ trụ X-37B. Ảnh: USAF
Cuối tuần qua có 2 sự kiện được giữ bí mật đến phút chót thu hút mạnh mẽ sự chú ý của thế giới. Đầu tiên là Trung Quốc phóng tàu vũ trụ Thần Châu 9 vào chiều 16-6 chở 3 nhà phi hành, trong đó có một người thuộc phái đẹp, lên trạm không gian Thiên Cung-1. Cùng ngày, máy bay vũ trụ X-37B của không quân Mỹ (USAF) hạ cánh xuống căn cứ không quân Vandenberg, bang California, sau hơn một năm thực hiện một nhiệm vụ thuộc loại “bí mật quốc gia”.
Dự án tuyệt mật
Dự án X-37B ra đời cách nay 11 năm từ phòng thiết kế Cơ quan Không gian Vũ trụ Mỹ (NASA). Kể từ ngày nó được chuyển giao cho không quân Mỹ dưới thời tổng thống George W. Bush, dự án này là một bí mật gần như tuyệt đối. Mục đích của nó là gì? Ngân sách dành cho nó là bao nhiêu? Không ai biết. Phương châm minh bạch, cởi mở và hợp tác vốn được người Mỹ đề cao không được bộ quốc phòng áp dụng trong trường hợp này. Gary Payton, Phó Tư lệnh USAF, chỉ cho biết mục tiêu của X-37B là thử nghiệm các thiết bị nhằm chế tạo loạt tàu con thoi thế hệ mới.
Chiếc X-37B đã đáp xuống căn cứ Vandenberg lúc 8 giờ 48 phút ngày 17-6 (giờ Mỹ, 19 giờ 48 phút giờ Việt Nam). Chứng cứ duy nhất là băng hình video dài 80 giây do Bộ Chỉ huy căn cứ Vandenberg cung cấp cho báo chí vài giờ sau, trong đó phần đầu là hình ảnh X-37B quay bằng ống kính hồng ngoại.
X-37B này là máy bay vũ trụ thứ 2 mang tên gọi chính thức là tàu quỹ đạo thử nghiệm thứ 2 (OTV-2). Tàu không có người lái, có thể sử dụng nhiều lần, hoạt động bằng năng lượng mặt trời, dài 8,8 m, rộng 4,6m, nặng 5 tấn, trông giống như tàu con thoi Mỹ nhưng nhỏ hơn nhiều. Nó được phóng lên vũ trụ ngày 5-3-2011 từ bãi phóng Cap Canaveral, bang Florida.
Do hãng Boeing sản xuất, chiếc X-37B đầu tiên (OTV-1) được tên lửa Atlas V phóng lên quỹ đạo trái đất ngày 27-4-2010 và trở về trái đất ngày 3-12-2010, sau 225 ngày bay vòng quanh trái đất. Ngày đi, ngày về đều thực hiện ban đêm, không thông báo cho dân chúng biết. Tướng William Shelton, Tư lệnh bộ phận vũ trụ của USAF, chỉ kết luận ngắn gọn “chuyến bay thành công rực rỡ” nhưng không nêu chi tiết.
OTV-2 được phóng lên quỹ đạo trái đất ngày 5-3-2011. Bình thường, nhiệm vụ của nó kéo dài tối đa 270 ngày. Thế nhưng, không biết bởi lý do nào mà chiếc OTV-2 bay hết 469 ngày mới chịu trở về.
Gián điệp đội lốt khoa học?
Chiếc X-37B không hiểu vô tình hay cố ý cứ bay được 170 vòng thì tiến sát Thiên Cung-1 cho nên các nhà thiên văn châu Mỹ và châu Âu theo dõi các vật thể bay trong vũ trụ, nhất là chiếc X-37B, sinh nghi nó rình mò trạm không gian của Trung Quốc phóng lên sau X-37B nửa năm.
Đem nghi vấn này hỏi Bộ Quốc phòng Mỹ thì cơ quan này không xác nhận, cũng không phủ nhận, chỉ tuyên bố “miễn bình luận” vì nhiệm vụ của X-37B thuộc “bí mật quốc gia”. Lời tuyên bố này giống như đổ dầu vào lửa khiến tin đồn bùng lên mạnh mẽ, nhất là từ phía Trung Quốc.
Bắc Kinh không chỉ lo ngại Washington rình mò chương trình không gian của mình. Cách đây 2 năm, hãng tin Mỹ AP dẫn lời nhà nghiên cứu quân sự Triệu Hiểu Trác thuộc Học viện Khoa học Quân sự của Giải phóng quân Trung Quốc: “X-37B có thể dùng như một hệ thống hỗ trợ tác chiến và trở thành bệ phóng vũ khí vũ trụ”.
Theo ông Trại Đức Toàn, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Giải trừ và Kiểm soát vũ khí Trung Quốc, Mỹ “luôn miệng tuyên bố sẽ hạn chế việc phát triển các dự án máy bay vũ trụ nhưng giờ đây việc phóng tàu X-37B cho thấy Mỹ chưa bao giờ muốn như vậy”. Trang tin kỹ thuật Anh The Register.com dẫn nguồn tin Iran cũng cho biết chiếc X-37B là thế hệ đầu tiên của máy bay vũ trụ không người lái của Mỹ.
Đài BBC đem tin đồn trên hỏi tiến sĩ David Baker, chủ biên tạp chí Spaceflight của Hội Liên hành tinh Anh, thì được ông này trả lời: “Chuyện theo dõi nhau trong vũ trụ là một tình huống có khả năng xảy ra nhờ các bộ và nhóm cảm biến ngày càng nhạy bén. Theo chúng tôi nghĩ X-37B có thể dùng nó để quan sát gần trạm không gian của Trung Quốc”.
Do thám Trung Đông và Afghanistan
Theo tiến sĩ Baker, xưa nay Mỹ luôn nghi ngờ mục đích thực sự của chương trình không gian Trung Quốc. Nếu ở các nước khác, chương trình không gian dân sự và quân sự luôn luôn được tách bạch thì ở Trung Quốc không có ranh giới rõ ràng. Bởi vậy, theo ông Baker, nếu có chuyện rình rập thì chẳng phải là tiêu cực hoàn toàn: “Giống như thời chiến tranh lạnh, việc phổ biến hệ thống do thám vũ trụ tạo điều kiện cho sự ra đời của những thỏa hiệp bởi bên này biết rõ bên kia đang làm gì”.
Trạm không gian Thiên Cung. Ảnh: Tân Hoa Xã
Tuy nhiên, lập luận của ông Baker đã bị ông Brian Weeden, cố vấn kỹ thuật của tổ chức phi lợi nhuận Secure World Foundation, bài bác. Theo ông Weeden - từng làm phân tích viên quỹ đạo cho USAF - X-37B đóng vai trò phòng thử nghiệm công nghệ mới, trong đó có các bộ cảm biến mới mà sau này sẽ trang bị cho các vệ tinh gián điệp chính hiệu. Phân tích quỹ đạo bay, ông cho rằng mục tiêu của nó là Trung Đông và Afghanistan chứ không phải Thiên Cung-1: “Nếu quỹ đạo của nó đôi lúc song hành với Thiên Cung-1 thì cũng là ngẫu nhiên mà thôi. Nếu muốn, Mỹ có đầy đủ các phương tiện để do thám Thiên Cung-1”.
Kỳ tới: Thiên Cung - 1 có gì hấp dẫn ?
Theo NLDO