Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở
Cập nhật: 17-03-2014 | 00:00:00
Theo đó, hòa giải ở cơ sở được tiến hành đối với các mâu thuẫn,
tranh chấp, vi phạm pháp luật, như: Khác nhau về quan niệm sống, lối sống, mâu
thuẫn trong việc sử dụng lối đi chung, điện, nước sinh hoạt…; tranh chấp phát
sinh từ quan hệ dân sự; tranh chấp phát sinh từ quan hệ hôn nhân và gia đình;
vi phạm pháp luật mà theo quy định của pháp luật những việc vi phạm đó chưa đến
mức truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc xử lý vi phạm hành chính. Vi phạm pháp luật hình sự khi vụ án không bị khởi tố theo
quy định tại Điều 107 Bộ luật Tố tụng hình sự hoặc vụ án được pháp luật quy định
chỉ khởi tố theo yêu cầu của người bị hại nhưng người bị hại không yêu cầu hoặc
vụ án đã được khởi tố nhưng sau đó có quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ
vụ án và các vụ án này không bị xử lý hành chính; vi phạm pháp luật bị áp dụng
biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc có đủ điều kiện để áp dụng biện
pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính. Bên cạnh đó, nghị định còn quy định các trường hợp không được
hòa giải như: Mâu thuẫn, tranh chấp xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công
cộng; vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình theo quy định phải được cơ quan
có thẩm quyền giải quyết; giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của pháp luật, trái
đạo đức xã hội; tranh chấp về thương mại hoặc lao động thực hiện hòa giải theo
quy định của Luật Thương mại, Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn… Nhằm bảo đảm cho hoạt động hòa giải ở cơ sở được duy trì và
phát huy hiệu quả, công tác hòa giải sẽ được Nhà nước hỗ trợ kinh phí để mua
văn phòng phẩm, tài liệu, tổ chức hội họp; hòa giải viên được chi thù lao theo
vụ, việc. Ngoài ra, hòa giải viên còn được hỗ trợ kinh phí trong trường hợp gặp
tai nạn, rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng trong khi thực hiện hoạt động
hòa giải, bao gồm cả khi đi và về từ nơi ở đến địa điểm thực hiện hòa giải. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25-4-2014 và
thay thế Nghị định số 160/1999/ NĐ-CP ngày 18-10-1999 của Chính phủ quy định
chi tiết một số điều của Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở. SỞ TƯ PHÁP BÌNH DƯƠNG