Nghị định số 47/2010/NĐ-CP Quy định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm pháp luật lao động: Người lao động sẽ được bảo vệ khi tham gia đình, lãn công hợp pháp

Cập nhật: 02-07-2010 | 00:00:00

  Chủ sử dụng lao động không bảo đảm các điều kiện về an toàn vệ sinh lao động sẽ bị phạtNghị định số 47/2010/NĐ-CP (thay thế Nghị định số 113/2004/NĐ-CP) của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật lao động, có hiệu lực thi hành từ ngày 25-6-2010. Vừa qua, phóng viên Báo Bình Dương đã trao đổi với ông Nguyễn Kim Khánh, Phó chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh xung quanh một số điểm mới của nghị định này.

Một trong những điểm mới của Nghị định số 47 so với Nghị định số 113/2004/NĐ-CP đó là: mức phạt tiền tối đa đối với các hành vi vi phạm sẽ tăng từ 20 triệu đồng (theo quy định cũ) tăng lên 30 triệu đồng trong nghị định mới. Cụ thể, đối với các hành vi cản trở việc thực hiện quyền đình công hoặc kích động, lôi kéo, ép buộc người lao động (NLĐ) đình công hay hành vi trù dập, trả thù đối với NLĐ tham gia đình công, người lãnh đạo đình công... có mức phạt tối đa là 30 triệu đồng. Bên cạnh đó, nghị định này cũng quy định rõ trách nhiệm của NLĐ trong vi phạm những quy định về giải quyết tranh chấp lao động như: phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 2 triệu đồng đối với NLĐ có hành vi tham gia đình công sau khi có quyết định hoãn hoặc ngừng đình công của Thủ tướng Chính phủ; có hành vi làm tổn hại máy, thiết bị, tài sản của DN hoặc có hành vi xâm phạm trật tự, an toàn công cộng trong khi đình công, lợi dụng đình công để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Đối với các vi phạm quy định về việc làm, nghị định nêu rõ, phạt tiền từ 300.000 đồng đến 3 triệu đồng đối với người sử dụng lao động (NSDLĐ) không công bố danh sách NLĐ bị thôi việc hay không trao đổi với BCH Công đoàn cơ sở hoặc BCH Công đoàn lâm thời khi cho NLĐ  thôi việc... Hành vi không thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết tại trụ sở về nhu cầu tuyển dụng lao động ít nhất 7 ngày trước khi nhận hồ sơ đăng ký dự tuyển của  NLĐ cũng sẽ bị xử phạt theo mức trên. Hành vi vi phạm quy định về hợp đồng lao động sẽ bị phạt từ 500.000 đồng đến 3 triệu đồng đối với hành vi không giao bản hợp đồng cho NLĐ; không giao kết bản hợp đồng với lao động được thuê mướn. Hành vi vi phạm quy định về tiêu chuẩn an toàn lao động, vệ sinh lao động sẽ bị phạt từ 5 - 10 triệu đồng, vi phạm về quy định bảo đảm sức khỏe lao động sẽ tùy tính chất, mức độ và số lượng lao động do DN sử dụng mà bị phạt từ 300.000 đồng đến 20 triệu đồng. Hành vi xúc phạm nhân phẩm (chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự) của NSDLĐ theo quy định cũ chỉ bị phạt 5 - 10 triệu đồng thì nay tăng lên từ 15 - 20 triệu đồng. Quy định theo hướng tăng mức phạt đối với trường hợp tổ chức, cá nhân có một trong những hành vi: không trả hoặc trả không đầy đủ tiền trợ cấp mất việc làm cho NLĐ; thu phí giới thiệu việc làm cao hơn mức quy định... sẽ bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 30 triệu đồng (tùy theo số  NLĐ bị vi phạm). Vi phạm quy định về tiền lương, tiền thưởng nghị định này quy định rõ, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 3 triệu đồng đối với NSDLĐ không thực hiện các nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động theo quy định của pháp luật hoặc khấu trừ tiền lương của NLĐ mà không thảo luận với BCH Công đoàn cơ sở, BCH Công đoàn lâm thời.

Theo quy định cũ thì các vi phạm này chỉ bị phạt tới 500.000 đồng. Mức phạt mới cũng sẽ tăng từ 1 - 5 triệu đồng lên 2 -10 triệu đồng đối với NSDLĐ có một trong những hành vi: không trả lương đầy đủ, đúng thời hạn cho NLĐ; trả chậm lương nhưng không đền bù; không trả lương cho NLĐ trong thời gian nghỉ việc để điều trị vì tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; không đăng ký thang lương, bảng lương với cơ quan quản lý Nhà nước về lao động cấp tỉnh; không công bố công khai thang lương, bảng lương, định mức lao động, quy chế thưởng trong DN. Trường hợp NSDLĐ khấu trừ tiền lương của NLĐ nhưng không cho NLĐ biết lý do hoặc khấu trừ quá 30% tiền lương hàng tháng của NLĐ; không trả đủ tiền lương cho NLĐ trong những trường hợp phải ngừng việc do lỗi của NSDLĐ... sẽ bị phạt mức tối đa đến 30 triệu đồng, cao gấp 3 lần so với quy định cũ (chỉ phạt tới 10 triệu đồng). Đặc biệt, nghị định còn điều chỉnh tăng mức phạt đối với các vi phạm những quy định về lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam như: phạt tiền từ 15 - 20 triệu đồng đối với các hành vi NLĐ nước ngoài không đủ 18 tuổi, không có đủ sức khỏe phù hơp với yêu cầu công việc, có tiền án về tội vi phạm an ninh quốc gia thuộc diện đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang chấp hành hình án phạt.., NLĐ  không có giấy phép lao động do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp, trừ các trường hợp không phải cấp phép, tuyển dụng lao động nước ngoài quá tỷ lệ quy định; phạt từ 20 - 30 triệu đồng đối với NSDLĐ nước ngoài vào làm việc tại DN mà không thông báo tuyển dụng, không thông báo với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Ngoài ra, một số hành vi vi phạm của DN, NSDLĐ tùy theo mức độ vi phạm sẽ được cơ quan thẩm quyền cho truyền tải, thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, đây được xem là điểm nhấn nổi bật của nghị định này, việc thông báo công khai sẽ là chế tài có đủ sức răn đe đối với các hành vi vi phạm pháp luật lao động.

MINH DUY (ghi)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên