Nhiều bạn đọc là phụ huynh học sinh ở các tỉnh phía Bắc phản ảnh những đợt rét đậm vừa qua khiến học sinh nhiều nơi phải nghỉ học cả tháng. Nhưng cũng có những nơi học sinh phải đi học trong giá rét do nhà trường lo không đảm bảo chương trình...
Theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT Hà Nội, khi nhiệt độ ngoài trời dưới 100C thì học sinh tiểu học, mầm non được nghỉ và dưới 70C thì học sinh THCS được nghỉ. Để các trường chủ động điều chỉnh lịch học đảm bảo sức khỏe học sinh, Sở GD-ĐT Hà Nội cũng hướng dẫn các phòng GD-ĐT tùy tình hình thời tiết thực tế trên địa bàn để cho phép học sinh nghỉ học mà không cần xin phép sở. Việc này áp dụng cho những khu vực của Hà Nội có nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ chung của Hà Nội, theo bản tin thời tiết trên truyền hình.
Đoàn công tác cứu trợ báo Tuổi Trẻ tặng áo ấm cho học trò vùng rét xã Cán Chu Phìn (Mèo Vạc, Hà Giang)
Phụ huynh cho nghỉ, nhà trường bắt học...
Trong hai đợt rét của tháng 1-2011, nhiều phụ huynh ở Hà Nội đã rơi vào cảnh bối rối khi việc chỉ đạo của Sở GD-ĐT và việc thực hiện của nhà trường khác nhau.
Một phụ huynh có con học tại Trường tiểu học Thực nghiệm Hà Nội cho biết có những hôm nhà đài báo nhiệt độ từ 8-130C, cho con nghỉ học thì cô giáo điện thoại báo lớp vẫn học bình thường. Bố mẹ vừa mới tới cơ quan lại phải tất tả về nhà đưa con đến lớp.
Một phụ huynh khác có con học tiểu học cũng cho biết: có hôm VTV1 báo 90C, phải vất vả lắm mới nhờ được người trông con để đi làm nhưng sau đó mới biết trường vẫn học bình thường. Hôm sau rút kinh nghiệm cho con tới trường thì trường lại có biển thông báo ngoài cổng là nghỉ học...
Không tuân thủ chỉ đạo của Bộ GD-ĐT
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, học sinh mầm non, tiểu học được nghỉ học khi nhiệt độ ngoài trời dưới 100C và học sinh THCS được nghỉ học khi nhiệt độ dưới 70C. Tuy nhiên, một số địa phương thuộc vùng núi phía Bắc không tuân thủ chỉ đạo này.
Theo quy định của Sở GD-ĐT Cao Bằng, học sinh mầm non, tiểu học chỉ được nghỉ học khi nhiệt độ dưới 70C. Tại sao Sở GD-ĐT Cao Bằng không làm theo quy định của bộ? Đại diện Sở GD-ĐT Cao Bằng cho biết: vào mùa đông, nhiệt độ ngoài trời ở Cao Bằng thường xuyên ở mức trên dưới 100C. Nếu làm theo quy định của bộ thì học sinh phải nghỉ học quá dài, gây xáo trộn lớn trong việc thực hiện chương trình giáo dục. Hơn nữa khả năng chịu rét của học sinh miền núi tốt hơn học sinh dưới xuôi, nên nhiệt độ dưới 100C trẻ em vẫn có thể đến trường.
Theo một phụ huynh ở huyện Bảo Lạc (Cao Bằng), những ngày qua nhiệt độ ở vùng này rất thấp, trẻ con không có đủ áo ấm nhưng vẫn phải đi học. Bà Trần Thị Chanh, trưởng Phòng GD-ĐT huyện Bảo Lạc, giải thích: “Học sinh đã nghỉ quá lâu, nên khi trời ấm hơn thì các trường cho học sinh đi học”.
Nếu như ở vùng đồng bằng, việc nghỉ học căn cứ vào bản tin thời tiết của đài truyền hình thì ở các vùng sâu, vùng xa không có căn cứ rõ ràng về tình hình thời tiết mà chủ yếu do sự xác nhận thực tế. Vì vậy mới có chuyện hiệu trưởng nhà trường thấy trời ấm lên nhưng phụ huynh và học sinh vẫn thấy quá rét. Theo phụ huynh ở Bảo Lạc, giữa điểm trường chính với điểm lẻ nhiệt độ đã chênh nhau rất nhiều. Vì thế, nếu không sâu sát tình hình, lo chạy theo chương trình hơn lo cho học sinh thì các em sẽ không được đảm bảo sức khỏe.
Quy định dưới 70C học sinh mầm non, tiểu học mới được nghỉ học cũng được áp dụng ở một số địa phương miền núi phía Bắc. Có lãnh đạo sở GD-ĐT giải thích: “Với học sinh miền núi, 9-100C là bình thường”...
Học bù thế nào?
Trả lời câu hỏi này, bà Nguyễn Thị Nghĩa, thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết: “Bộ GD-ĐT đã có văn bản chỉ đạo, các sở GD-ĐT cần bám sát chỉ đạo của bộ để triển khai cho các trường thực hiện”.
Theo văn bản của bộ, các sở GD-ĐT nếu phải cho học sinh nghỉ học kéo dài, ảnh hưởng đến thời gian thực hiện năm học thì phải xây dựng kế hoạch học bù vào các buổi thứ hai, vào ngày nghỉ, có kế hoạch phụ đạo cho học sinh yếu, kém, những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt phải nghỉ dài hơn những học sinh khác.
Ngoài ra, từ nhiều năm nay Bộ GD-ĐT đã để các địa phương chủ động trong việc thực hiện thời gian bắt đầu và kết thúc năm học. Theo đó, năm học có thể bắt đầu sớm một tháng (từ ngày 1-8) và kết thúc muộn (muộn nhất là 30-6).
Theo Tuổi Trẻ