Nghị quyết 11 bước đầu phát huy hiệu quả

Cập nhật: 25-06-2011 | 00:00:00

Dưới áp lực kiềm chế lạm phát, kịch bản tăng trưởng kinh tế (KT) của Chính phủ đề ra trong năm 2011 đã phải thay đổi; mục tiêu tăng trưởng GDP đã được Chính phủ điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới; lạm phát sau những tháng đầu năm tăng với tốc độ phi mã, sau những tác động từ các biện pháp trong Nghị quyết 11 đã có dấu hiệu giảm dần trong 2 tháng qua. Riêng đối với Bình Dương, trong bối cảnh nền KT tuy còn nhiều khó khăn, nhưng vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá... Đây là những nét chính của bức tranh KT trong 6 tháng đầu năm 2011.

Lạm phát đang được kiềm chế

Với các biện pháp quyết liệt từ Nghị quyết 11 của Chính phủ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lần đầu tiên giảm tốc khá mạnh từ tháng 5 với tốc độ tăng ở mức 2,21%. Trong tháng 6 này, CPI cũng đang được các chuyên gia dự báo sẽ tiếp tục giảm tốc trong khoảng 1%.  Tuy nhiên, dù thông tin trên được cho là những tín hiệu tích cực, nhưng mức tăng này vẫn còn khá cao nếu nhìn lại chỉ tiêu CPI hàng tháng trong vài năm qua. CPI tháng 5-2011 tăng 2,21% so với tháng trước; nếu so với tháng 12-2010 tăng 12,07%. Nguyên nhân chủ yếu do giá cả trên thị trường thế giới như: xăng dầu, lương thực, thực phẩm tăng mạnh, gây áp lực giá đối với thị trường trong nước. Việc tăng giá ở nhiều mặt hàng thiết yếu làm tăng chi phí đầu vào sản xuất cũng như tác động đến tâm lý người tiêu dùng, gây phản ứng tăng giá dây chuyền lên nhiều mặt hàng khác và hình thành mặt bằng giá cao hơn trước.

  Sản xuất hàng may mặc tại Công ty Panco VinaTrong báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư trình lên Ủy ban KT của Quốc hội nhìn nhận, lạm phát, tuy đã từng bước được kiềm chế nhờ việc thực hiện các giải pháp của Nghị quyết 11 nhưng vẫn còn ở mức cao. CPI tháng 6-2011 so với tháng 12 năm ngoái đã tăng khoảng 13%, gần gấp đôi so với chỉ tiêu 7% được Quốc hội phê duyệt. Chính phủ đã phải điều chỉnh mức tăng CPI trong năm 2011 lên con số 15%. Theo ông Ayumi Konishi, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam nhận định, lạm phát ở Việt Nam hàng tháng sẽ được hạ thấp nhờ việc thực hiện thành công Nghị quyết 11.

Điểm sáng Bình Dương

Trong bối cảnh nền KT cả nước đang gặp nhiều khó khăn dưới áp lực kiềm chế lạm phát, tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội (KT-XH) của Bình Dương đang được cho là một trong những điểm sáng của cả nước. Trong báo cáo đánh giá tình hình KT-XH, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2011, UBND tỉnh cho biết, trong 6 tháng qua, tình hình KT-XH của tỉnh tiếp tục chuyển biến theo chiều hướng tích cực; các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định KT vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội của Chính phủ đã phát huy hiệu quả. Tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt có trọng tâm theo nghị quyết của Chính phủ, nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh; đề ra kế hoạch và biện pháp cụ thể phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Từ đó đã bảo đảm tốc độ tăng trưởng KT, sản xuất công nghiệp giữ mức tăng khá đạt 52.799 tỷ đồng, tăng 17,5% so với cùng kỳ 2010; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 4 tỷ 105 triệu USD, tăng 19,5% so với cùng kỳ; sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định; tốc độ tăng trưởng tín dụng đúng hướng, thu ngân sách ước đạt 11.000 tỷ đồng...

Có thể nhận thấy, mặc dù việc cắt giảm đầu tư công theo tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng GDP. Bên cạnh đó, việc kiềm chế lạm phát với chính sách thắt chặt tiền tệ, lãi suất ngân hàng đẩy lên rất cao, khiến doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn trong sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, với nội lực của mình, các DN Bình Dương vẫn duy trì sản xuất và tăng trưởng bằng các biện pháp thực hành tiết kiệm giảm chi phí đầu vào, tái cấu trúc DN và mở rộng thị trường xuất khẩu, giữ vững thị trường trong nước. Ông Lê Mạnh Hoạch, Phó Tổng Giám đốc Thái Bình Shoe Group cho biết, sở dĩ tốc độ tăng trưởng KT của địa phương vẫn được duy trì tốt là nhờ Bình Dương hiện đang quy tụ một lực lượng lớn các DN đang sản xuất - kinh doanh, đặc biệt là các DN xuất khẩu. Mặc dù phải đối mặt với những thách thức khó khăn trong năm 2011 nhưng nhiều DN tiếp tục giữ vững được thị trường. Mặt khác, do nền KT thế giới đang phục hồi tốt, cũng tạo điều kiện cho DN mở rộng thị trường. Đây là yếu tố thuận lợi để DN duy trì tốc độ tăng trưởng, góp phần chung vào tăng trưởng KT của địa phương.

Tăng trưởng sẽ chậm lại

Trong dự báo mới nhất về triển vọng KT toàn cầu (Global Economic Prospects), trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2013, tăng trưởng GDP trung bình của Việt Nam có thể đạt 6,7%. Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, dự báo tăng trưởng có thể khả quan, nhưng Chính phủ chỉ đặt mục tiêu cả năm ở mức 6% để bảo đảm ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Trong 6 tháng đầu năm 2011, mức tăng GDP của nền kinh đạt 5,6%, thấp hơn so với mức 6,16% của cùng kỳ 2010 cũng như mục tiêu 7 - 7,5% được Quốc hội phê duyệt. Cũng theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, tình hình KT 6 tháng cuối năm, với áp lực từ các biện pháp kiềm chế lạm phát, sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn sẽ nỗ lực thực hiện các giải pháp để đạt một số mục tiêu đã đề ra, trong đó có việc bảo đảm tăng trưởng GDP ở mức 6%.

Đối với Bình Dương, UBND tỉnh đã đề ra 16 nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2011; đồng thời yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, quyết liệt các nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2011; Nghị quyết 02 và Nghị quyết 11 của Chính phủ. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung, với kết quả đáng khích lệ từ thực hiện các mục tiêu tăng trưởng KT 6 tháng đầu năm 2011, sẽ là tiền đề thuận lợi để thực hiện hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra trong năm 2011 này.

THÀNH SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=260
Quay lên trên