Sau một thời gian thực hiện quyết liệt các biện pháp kiềm chế lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã và đang có dấu hiệu giảm liên tiếp trong 2 tháng qua. Trao đổi, đánh giá về tình hình CPI đang có chiều hướng giảm mạnh với phóng viên Báo Bình Dương, Tiến sĩ Mai Hữu Tín, đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Bình Dương cho rằng, đây là tín hiệu rất tích cực từ Nghị quyết 11 của Chính phủ khi các biện pháp kiềm chế lạm phát đã bắt đầu phát huy tác dụng...
- Như vậy, các nhóm biện pháp đã bắt đầu có tác động, ông có thể phân tích cụ thể những tác động cơ bản của từng nhóm biện pháp bao gồm cắt giảm đầu tư công, chi thường xuyên; tài khóa; tiền tệ?
- Mục tiêu chung của tất cả các nhóm biện pháp trên là giống nhau, đều hướng đến kiềm chế lạm phát đang phi mã của nền kinh tế. Khi Chính phủ không tung tiền ra thì đầu tư giảm, tiêu dùng giảm, dẫn đến lạm phát giảm. Thế nhưng, trong thực hiện thì cho tới giờ này chúng tôi chỉ thấy các biện pháp tiền tệ được triển khai rất quyết liệt. Đầu tư từ ngân sách Nhà nước trong quý I-2011 vẫn tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2010.Lạm phát được kiềm chế sẽ tháo gỡ khó khăn cho DN trong sản xuất – kinh doanh. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất dây dẫn điện ô tô tại Công ty TNHH Yazaki Edis Việt Nam
- Theo nhìn nhận từ một số chuyên gia kinh tế, cho rằng đã tới lúc cần phải nới lỏng việc thắt chặt tiền tệ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), một số ý kiến khác cho rằng vẫn chưa phải là thời điểm chín muồi để nới lỏng. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
- Đúng là DN đang gặp khó, rất khó. Nhiều DN, tôi cho là không biết có vượt qua nổi giai đoạn khó khăn này hay không. Nhưng nếu vì lẽ đó mà nới lỏng chính sách tiền tệ ngay thì lạm phát sẽ tiếp tục tăng và cái khó sẽ lại càng lớn hơn cho cả DN và người dân.
- Nói DN gặp khó khi Chính phủ thực hiện các chính sách kiềm chế lạm phát, theo ông, đâu là những khó khăn cơ bản của DN trong bối cảnh hiện nay?
- Theo tôi, khó khăn đầu tiên và lớn nhất là thiếu vốn. Với lãi suất cho vay trên 20% như hiện nay, nếu DN có vay được thì chi phí đầu vào cũng rất cao dẫn đến giá thành cao trong khi khó tăng được giá bán nên lợi nhuận giảm. Thực tế đã có DN đang bán hàng dưới giá thành. Nhu cầu thị trường giảm nên khó bán hàng hơn. Áp lực tăng lương cho người lao động cũng lớn hơn.
- Với diễn biến tình hình của nền kinh tế hiện nay, bức tranh kinh tế năm 2011 theo ông sẽ thế nào; lạm phát ở mức nào thì được cho là đã kiềm chế tốt; tăng trưởng sẽ ở mức bao nhiêu phần trăm và hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN nói chung sẽ như thế nào?
- Theo chỉ tiêu Quốc hội đề ra, lạm phát năm nay cần được kiểm soát ở mức 7% trong khi tăng trưởng kinh tế phải đạt 7 - 7,5%. Trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5 vừa qua, Chính phủ đã đề ra mục tiêu chung cho năm 2011; trong đó phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP ở mức 6%, kiềm chế tăng chỉ số CPI ở mức khoảng 15%. Như vậy, tăng trưởng năm 2011 sẽ thấp hơn so với dự kiến nhưng điều này dễ hiểu và chấp nhận được. Theo tôi nếu tăng được 5% đã là tốt. Lạm phát trong điều kiện bình thường không nên quá 5% và cho năm nay nếu dưới 15% có thể gọi là thành công. Còn đối với đoạt động sản xuất - kinh doanh của DN chắc chắn sẽ còn khó khăn cho đến hết năm. Điều đáng lo nhất theo tôi là việc làm cho người lao động. DN có thể giảm quy mô hoặc thậm chí đóng cửa chờ qua giai đoạn khó khăn nhưng người lao động mất việc thì hậu quả sẽ rất khó lường...
- Xin cám ơn ông!
THÀNH SƠN (thực hiện)