Nghị quyết quan trọng nhất giúp kinh tế tư nhân bứt phá
Theo dõi Báo Bình Dương trên

Trong suốt gần 40 năm Đổi mới, khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, đóng góp lớn vào GDP, giải quyết việc làm, thúc đẩy tăng trưởng, đổi mới sáng tạo và hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, chưa bao giờ vai trò của khu vực kinh tế tư nhân được khẳng định mạnh mẽ như trong Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4-5-2025 của Bộ Chính trị, khi lần đầu tiên "kinh tế tư nhân được xác định là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân".

Đây là bước tiến đột phá về tư duy phát triển. Từ vị trí bị xem nhẹ, thậm chí còn mang nặng định kiến trong nhiều năm trước, kinh tế tư nhân nay được đặt ngang hàng với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, cùng giữ vai trò nòng cốt trong xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập sâu rộng. Không chỉ thừa nhận, Nghị quyết còn trân trọng, nuôi dưỡng tinh thần kinh doanh, khẳng định vai trò của doanh nhân là những người "chiến sĩ trên mặt trận kinh tế".
Tư duy đột phá này không chỉ thể hiện sự trưởng thành về nhận thức trong Đảng, mà còn là cam kết chính trị mạnh mẽ gửi tới cộng đồng doanh nghiệp, hộ kinh doanh và toàn thể nhân dân: Nhà nước sẽ là kiến tạo, doanh nghiệp là trung tâm, phát triển kinh tế tư nhân là chiến lược lâu dài chứ không phải biện pháp tình thế.
Có thể nói, đây là văn kiện đặc biệt quan trọng, nếu không nói là quan trọng nhất từ trước tới nay dành cho kinh tế tư nhân.
Những mục tiêu truyền cảm hứng
Nghị quyết 68 đặt ra những mục tiêu vừa cụ thể, vừa truyền cảm hứng, thể hiện tầm nhìn chiến lược đến năm 2030 và xa hơn là năm 2045. Chỉ riêng mục tiêu nâng số lượng doanh nghiệp lên 2 triệu vào năm 2030 – gấp đôi hiện nay – cùng với việc phấn đấu để khu vực tư nhân đóng góp tới 58% GDP, chiếm 40% thu ngân sách nhà nước và tạo việc làm cho 85% lực lượng lao động, đã cho thấy niềm tin mạnh mẽ mà Đảng dành cho khu vực kinh tế tư nhân.

Đặc biệt, việc đặt ra mục tiêu có ít nhất 20 doanh nghiệp tư nhân lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu vào năm 2030, và phát triển lên 3 triệu doanh nghiệp vào năm 2045, thể hiện rõ khát vọng đưa kinh tế tư nhân Việt Nam vươn ra biển lớn, hội nhập sâu vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu.
Quan trọng hơn, những mục tiêu ấy không chỉ là những con số định lượng, mà còn là thông điệp khơi dậy tinh thần tự hào dân tộc, khát vọng làm giàu chính đáng, ý chí đổi mới và tinh thần dấn thân của doanh nhân, doanh nghiệp và mỗi người dân Việt Nam.
Tháo gỡ tận gốc các điểm nghẽn
Để thực hiện được mục tiêu đầy khát vọng ấy, Nghị quyết 68 không chỉ dừng ở những lời kêu gọi hay khẩu hiệu, mà đi vào tận gốc rễ của vấn đề: cải cách thể chế. Một loạt những giải pháp mạnh mẽ được đưa ra, từ cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, số hóa toàn bộ quy trình, đến bảo vệ quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh bình đẳng và thực thi hợp đồng.
Nghị quyết yêu cầu chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, từ tư duy "xin – cho" sang tư duy phục vụ; khẳng định doanh nghiệp được quyền tự do kinh doanh mọi ngành nghề mà pháp luật không cấm, và mọi hạn chế nếu có chỉ được đặt ra vì những lý do thật sự cần thiết và phải được quy định rõ ràng trong luật. Điều này, nếu thực hiện nghiêm túc, sẽ là bước đột phá làm thay đổi căn bản môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Không dừng lại ở cải cách hành chính, Nghị quyết còn đưa ra các chính sách cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đất đai, vốn, nhân lực chất lượng cao, khuyến khích chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững và kết nối chuỗi giá trị toàn cầu. Đặc biệt, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh – vốn là lực lượng đông đảo nhất – cũng được thiết kế cơ chế hỗ trợ riêng biệt, từ miễn thuế, cho đến cung cấp nền tảng số miễn phí và tư vấn pháp lý.
Những giải pháp ấy chính là chìa khóa tháo gỡ các điểm nghẽn thể chế – nguyên nhân sâu xa kìm hãm sự phát triển của khu vực tư nhân suốt nhiều năm qua. Và hơn thế, chúng là biểu hiện rõ ràng của một tư duy mới: không còn xem kinh tế tư nhân như đối tượng điều tiết, mà như một đối tác đồng hành, một lực lượng chiến lược trong công cuộc phát triển quốc gia.
Tạo lập và củng cố niềm tin
Một trong những điểm sáng đặc biệt của Nghị quyết 68 là việc nhấn mạnh đến yếu tố niềm tin – thứ tài sản vô hình nhưng vô cùng thiết yếu để kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ và bền vững. Nghị quyết khẳng định vai trò của Nhà nước trong việc tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch, ổn định, dễ dự đoán và đạt chuẩn quốc tế. Đó là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp yên tâm đầu tư dài hạn, đổi mới sáng tạo và mở rộng quy mô hoạt động.
Lần đầu tiên, một nghị quyết của Bộ Chính trị nêu rõ việc bảo đảm quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng và thực thi hợp đồng – không chỉ trên giấy, mà phải được thể chế hóa bằng pháp luật cụ thể và bảo vệ hữu hiệu trong thực tế. Việc xóa bỏ các rào cản pháp lý, tư duy "quản không được thì cấm" và cơ chế "xin – cho" sẽ giải phóng tinh thần doanh nhân, khơi thông nguồn lực xã hội, thúc đẩy sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Chính từ những đột phá đó, Nghị quyết 68 không chỉ là định hướng chiến lược phát triển kinh tế tư nhân, mà còn là nền tảng tạo dựng niềm tin vững chắc cho người dân và doanh nghiệp – để họ tin rằng khởi nghiệp là con đường chính đáng, làm giàu là điều được khuyến khích, đổi mới sáng tạo là đòn bẩy của phát triển, và pháp luật là chỗ dựa an toàn cho mọi nỗ lực cống hiến.

Khơi thông các nguồn lực
Nghị quyết 68 đưa ra các giải pháp cụ thể để bảo đảm doanh nghiệp tư nhân tiếp cận công bằng các nguồn lực phát triển. Về đất đai, đẩy mạnh minh bạch hóa, giao dịch điện tử và giảm thời gian thủ tục. Về vốn, mở rộng kênh huy động qua tín dụng xanh, thị trường chứng khoán, quỹ đầu tư và gọi vốn cộng đồng. Về nhân lực, thúc đẩy đào tạo gắn với thực tiễn, bồi dưỡng giám đốc điều hành, kỹ năng số và ngoại ngữ, đáp ứng đòi hỏi chuyển đổi số.
Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
Nghị quyết dành nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo như miễn, giảm thuế, khấu trừ chi phí R&D, lập quỹ phát triển công nghệ và sandbox công nghệ. Đây là cú hích mạnh để kinh tế tư nhân thoát khỏi vai trò thụ động, trở thành chủ sở hữu công nghệ và mô hình kinh doanh tiên phong. Chuyển đổi số, nếu được đầu tư đúng tầm, sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh.
Mở rộng không gian phát triển
Nghị quyết khuyến khích sự kết nối giữa doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước và FDI, hình thành chuỗi cung ứng nội địa bền vững. Đồng thời, chương trình "Go Global" cho thấy tầm nhìn đưa doanh nghiệp Việt vươn ra quốc tế, không chỉ đóng vai trò nội địa mà còn tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Hỗ trợ thực chất doanh nghiệp nhỏ và hộ kinh doanh
Nghị quyết quan tâm đặc biệt đến doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh – lực lượng chiếm đa số. Xóa bỏ thuế khoán, cung cấp phần mềm kế toán miễn phí, đơn giản hóa quản lý tài chính và đào tạo quản trị là những giải pháp thực chất để hỗ trợ họ chuyển đổi sang doanh nghiệp bài bản, minh bạch hơn. Chính sách tài chính bao trùm cũng tiếp thêm cơ hội cho phụ nữ, thanh niên, đồng bào dân tộc vươn lên.

Doanh nhân: Đối tác phát triển cùng Đảng và đất nước
Nghị quyết khẳng định doanh nhân là lực lượng chủ lực kiến tạo kinh tế. Họ không chỉ được bảo vệ và hỗ trợ, mà còn được khuyến khích tham gia phản biện chính sách, đóng góp vào quá trình hoạch định và thực thi chiến lược phát triển. Đây là bước tiến lớn trong nhận thức, đặt niềm tin vào trí tuệ, đạo đức và khát vọng cống hiến của đội ngũ doanh nhân.
Niềm tin – Nguồn lực – Khát vọng
Nghị quyết 68 là bước ngoặt lớn trong tư duy phát triển kinh tế tư nhân, không chỉ mở ra không gian mới mà còn tạo dựng niềm tin mạnh mẽ. Khi tư nhân được nhìn nhận là động lực trung tâm, được bảo vệ quyền tự do kinh doanh, được hỗ trợ đổi mới và hội nhập, thì mỗi doanh nhân, mỗi người dân đều có thể tin rằng: thành công của họ là thành công của quốc gia.
Nếu được triển khai hiệu quả, Nghị quyết này sẽ là chất xúc tác đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên phát triển mới – kỷ nguyên của sáng tạo, hội nhập và thịnh vượng, trong đó kinh tế tư nhân đóng vai trò dẫn dắt với tinh thần chủ động, tự cường và đầy khát vọng.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng
Theo chinhphu.vn