Nghị quyết “tam nông” và sự thay đổi ngoạn mục bộ mặt nông thôn ở Bình Dương

Cập nhật: 15-08-2022 | 08:26:32

Ngày 16-6-2022, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết 19 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (NN-ND-NT) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết số 19-NQ/TW đã nêu bật những thành tựu to lớn của toàn Đảng, toàn dân ta sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW. Trong đó, tại Bình Dương, từ chủ trương đúng và trúng, đã làm thay đổi ngoạn mục bộ mặt NN-ND-NT, tạo nền tảng vững chắc để bước sang giai đoạn phát triển mới.

Bài 1: Hiện đại hóa nông nghiệp

Nghị quyết 26-NQ/TW (hay còn gọi là Nghị quyết “tam nông”) đã được vận dụng một cách sáng tạo vào đặc thù của Bình Dương - một tỉnh phát triển mạnh về công nghiệp, từ đó phát huy được thế mạnh vốn có để đưa nông nghiệp tỉnh nhà phát triển. Mặc dù nông nghiệp chỉ chiếm 3,15% trong cơ cấu kinh tế, nhưng Bình Dương lại là một trong những tỉnh, thành đi đầu trong việc áp dụng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn.

Từ chủ trương đúng và trúng

Nghị quyết “tam nông” là một chủ trương hết sức đúng đắn, đã được Đảng bộ và chính quyền tỉnh Bình Dương vận dụng và đề ra nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo phát triển NN-ND-NT theo đúng định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, Tỉnh ủy đã ban hành chương trình hành động về việc thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/ TW nhằm cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu, định hướng trong phát triển NN-ND-NT; đồng thời đề ra các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, lộ trình triển khai thực hiện và phân công nhiệm vụ thực hiện nghị quyết tại địa phương.

Để nghị quyết đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả cao, Bình Dương đã huy động sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị. Các cấp, các ngành đã phối hợp triển khai thực hiện nghị quyết của Trung ương, các chương trình của Tỉnh ủy về phát triển NN-ND-NT. Trên cơ sở đó, các đơn vị xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện một cách đồng bộ và có hiệu quả, đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về xây dựng nông thôn mới.

Bình Dương xác định phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao; trong đó xác định rõ tầm quan trọng của khoa học công nghệ đối với sự phát triển của nông nghiệp. Bình Dương đã ban hành nhiều kế hoạch, đề án cơ cấu lại ngành trồng trọt theo hướng phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật ưu việt, như công nghệ sinh học, công nghệ nhà kín, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ cảm biến, tự động hóa… vào sản xuất nhằm chuyển trọng tâm từ mục tiêu sản lượng sang chất lượng và hiệu quả.

Thu hoạch chuối tại Khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái, huyện Phú Giáo

Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết sau 15 năm thực hiện nghị quyết “tam nông”, nền nông nghiệp Bình Dương phát triển theo hướng toàn diện, hiện đại, cơ cấu kinh tế nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị và hiệu quả cao. Hiện Bình Dương có tổng số trang trại nông nghiệp đứng thứ 2 Đông Nam bộ và thứ 5 cả nước. Năng lực trong lĩnh vực chăn nuôi công nghệ cao được đánh giá thuộc nhóm hàng đầu cả nước…

Bên cạnh hiện đại hóa quy trình trồng trọt, lĩnh vực chăn nuôi cũng có bước chuyển dịch mạnh mẽ, nhiều mô hình trang trại tập trung ứng dụng công nghệ cao, liên kết theo chuỗi, bảo đảm an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường được thành lập, tạo nên chuỗi cung ứng có giá trị kinh tế cao. Nói đến nông nghiệp công nghệ cao phải nhắc đến Khu nông nghiệp công nghệ cao (Unifarm) ở An Thái (huyện Phú Giáo) được hình thành từ năm 2008. Đây là một mô hình kinh tế xanh điển hình, mở ra nhiều cơ hội cho bà con nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao chất lượng để tham gia thị trường xuất khẩu…

Nhớ lại những ngày đầu mới thành lập Khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái, ông Phạm Quốc Liêm, Tổng Giám đốc Công ty Unifarm kể: “Năm 2008, khi nhận được sự đồng thuận của UBND tỉnh về việc thành lập khu nông nghiệp công nghệ cao làm kiểu mẫu để định hướng làm gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp của Bình Dương, Ban lãnh đạo công ty hết sức phấn khởi kèm theo đó là sự lo lắng. Khi ấy với nguồn nhân lực từ lãnh đạo tới anh em kỹ thuật vỏn vẹn chỉ có 10 con người. Các thành viên của công ty phải đi đến một số quốc gia, nơi có những mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tương đồng với Bình Dương để có cơ sở hoạch định chiến lược lâu dài”.

Từ một công ty nhỏ, ít ai biết đến, đến nay Unifarm đã phát triển mạnh mẽ với số lượng nhân công, chuyên gia, kỹ sư lên đến gần 200 người. Unifarm trở thành tên tuổi quen thuộc đối với hệ thống siêu thị trong nước và các nhà buôn quốc tế. Ông Liêm phấn khởi nhận định, nguồn khách hàng đã ổn định và không ngừng tăng trưởng, chính là điều kiện cần và đủ để công ty quyết định đa dạng hóa sản phẩm trái cây cung cấp cho thị trường.

Vận dụng sáng tạo Nghị quyết “tam nông”

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, đề ra mục tiêu, phấn đấu đến năm 2025, sẽ đưa giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,5 - 3%/năm; tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 30%; diện tích đất trồng nông sản thực phẩm được chứng nhận đạt tiêu chuẩn GAP chiếm 20%.

Theo ông Phạm Văn Bông, bên cạnh những kết quả đạt được, nghị quyết “tam nông” trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn. Đó là với tốc độ tăng trưởng của tỉnh đã đẩy chi phí các nguồn lực nông nghiệp gia tăng nhanh chóng, nhất là chi phí nhân công, chi phí đất đai luôn ở mức cao. Trong khi đó vẫn còn nhiều nông hộ bỏ vụ canh tác gây lãng phí tài nguyên. Cùng với đó là vấn đề ô nhiễm môi trường do hoạt động công nghiệp và sinh hoạt đô thị cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng canh tác và nuôi trồng của địa phương. Tổ chức sản xuất, liên kết 4 nhà ‘Nhà nước - doanh nghiệp - nhà nông - nhà khoa học” tuy đã đạt được những thành tựu nhưng vẫn chưa xứng tầm với tiềm năng về vốn, khoa học kỹ thuật, thị trường tiêu thụ của tỉnh. Việc thu hút doanh nghiệp tham gia sơ chế, chế biến nông sản là một hạn chế trong xây dựng liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh...

Vì vậy, để đạt mục tiêu nghị quyết đề ra, cần có những giải pháp căn cơ để hướng đến ngành nông nghiệp phát triển bền vững. Cụ thể, cần đổi mới tổ chức sản xuất, kinh doanh, hoàn thiện quan hệ sản xuất; quy hoạch và xây dựng hệ thống hạ tầng kinh tế - kỹ thuật cho vùng nguyên liệu; thúc đẩy chyển đổi số nông nghiệp, phát triển thương mại điện tử; xây dựng nông thôn kiểu mẫu gắn liền với mô hình làng thông minh. Cuối cùng là phát triển thị trường trong và ngoài nước bảo đảm đầu ra ổn định cho nông dân.

Theo ông Phạm Văn Bông, bước sang giai đoạn mới, ngành nông nghiệp Bình Dương tiếp tục phát huy nền tảng đã có, vận dụng sáng tạo hơn nữa nghị quyết “tam nông” gắn liền với định hướng mới của Đề án thành phố thông minh - vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã đề ra. Trên cơ sở Nghị quyết số 19-NQ/TW về NN-ND-NT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nông nghiệp Bình Dương sẽ bức phá, chuyển đổi từ mô hình sản xuất nhỏ lẻ, gia công, sang sản xuất chuyên nghiệp, tiên tiến, ứng dụng công nghệ, phát huy tiềm lực, đẩy mạnh khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, từng bước làm chủ công nghệ, thị trường, đi lên trong chuỗi giá trị, đưa nông nghiệp, nông thôn lên tầm cao mới. (Còn tiếp)

Đến nay, diện tích ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt trên địa bàn tỉnh khoảng 5.763,5 ha với các loại cây trồng có giá trị như rau, nấm, cây ăn trái, hoa lan, cây cảnh. Bình Dương hiện đã có 4 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Tân Hiệp và Phước Sang (huyện Phú Giáo), phường Vĩnh Tân (TX.Tân Uyên), xã An Thái (huyện Phú Giáo) và khu Tiến Hùng (huyện Bắc Tân Uyên).

THU THẢO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=691
Quay lên trên