Đối với những người lao động xa quê, câu tục ngữ “Bán anh em xa, mua láng giềng gần” đã thể hiện đầy đủ ý nghĩa của nó. Với hơn 1 triệu lao động từ khắp mọi miền đất nước tìm đến Bình Dương làm việc, những “xóm trọ công nhân” là nơi sẻ chia và lan tỏa tình cảm “láng giềng” của những người con xa xứ.
Tại xóm trọ số 24, khu phố Bình Hòa, phường Lái Thiêu, TP.Thuận An, ban ngày những người lớn tuổi cùng trông nom con cháu, gặp gỡ trò chuyện thân tình và sẵn sàng giúp đỡ nhau những lúc khó khăn
Có những “người dì”, “người mẹ”…
Nhắc đến “hàng xóm”, chị Mai Thị Liên, công nhân tại Khu công nghiệp Nam Tân Uyên, luôn nhớ về “dì Tám” cùng dãy nhà trọ. Liên kể: “Có những hôm hàng nhiều, công ty yêu cầu tăng ca đột xuất, dì Tám thấy quá 5 giờ chiều mà gia đình tôi chưa ai về tới nơi là điện hỏi thăm: “Hôm nay lại tăng ca hả? Có ai đi rước thằng Khang chưa? Chưa thì dì đi rước giúp cho”. Thế là dì đến trường đón bé Khang, đứa con trai 7 tuổi của tôi về phòng trọ rồi trông coi giúp luôn. Khi 2 vợ chồng về đến phòng thì con trai cũng đã được dì cho ăn uống, tắm rửa tươm tất. Dì Tám như là người mẹ, người dì ruột thịt trong nhà, tôi thấy mình quá may mắn khi có được hàng xóm tốt bụng như vậy”.
Cũng như chị Liên, gia đình chị Vũ Thị Hồng, công nhân tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore I cũng thường hay tăng ca. Những lúc như thế, 2 vợ chồng chỉ biết nhờ các chị trong xóm trọ đón con giúp. “Ở xóm trọ của tôi, mọi người đoàn kết, đùm bọc, giúp đỡ nhau như người cùng gia đình”.
Để “mục sở thị” những gì chị Hồng giới thiệu, tôi ghé qua xóm trọ chị Hồng đang ở tại số 24, khu phố Bình Hòa, phường Lái Thiêu, TP.Thuận An. Với hơn 40 phòng trọ, tập trung người lao động ở nhiều vùng miền khác nhau, nhưng ở nơi này họ tìm thấy sự quan tâm, chia sẻ, đồng cảm. Mỗi sáng, khi người trẻ đi làm, người lớn tuổi là các mẹ, các bà ở nhà chăm cháu, lo cơm nước, họ gặp nhau nói chuyện rôm rả. Những câu chuyện về quê hương, về gia đình, về những ước mơ... đã giúp họ cảm thấy ấm lòng hơn. Chiều đến, ai tăng ca hay bận việc chỉ cần “alo” 1 tiếng là hàng xóm sẽ giúp đón con. Thỉnh thoảng, nhiều gia đình lại cùng nhau mở tiệc cuối tuần. Nhiều người đã gắn bó ở xóm trọ này trên 10 năm nên không chỉ là hàng xóm mà đã trở thành những người bạn, là anh chị em, cùng nhau san sẻ niềm vui, nỗi buồn, cùng nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
Chia sẻ yêu thương
Mỗi người con xa xứ khi đến đất Bình Dương, chung sống dưới một mái nhà nơi xóm trọ, đều không ít lần nhận được sự giúp đỡ lẫn nhau. Anh Lý Thanh Tài, công nhân Công ty TNHH PBNC đã nhận được rất nhiều tình cảm yêu thương từ đất và người Bình Dương và của những người bạn, các anh, chị hàng xóm tại xóm trọ ở khu phố Đồng An 1, phường Bình Hòa, TP.Thuận An.
Anh Tài nói: “Xóm trọ của tôi có nhiều anh chị thật đáng mến. Tôi nhớ có lần đi làm về, trời mưa tầm tã, vội vàng chạy vào phòng và nghĩ thầm trong bụng chắc đồ phơi lúc sáng đã ướt hết rồi, ai dè đâu về tới nơi thấy đồ vẫn khô ráo, móc cẩn thận chỗ cũ. Hỏi ra mới biết, chị hàng xóm thấy mưa đã thu đồ vô giúp. Tôi thật sự rất cảm kích trước hành động của chị. Ở xóm trọ này còn có mấy anh chị phòng kế bên cứ nấu chè là cho chén chè, có cái bánh cũng chia cho tôi. Nhận được tình cảm ấm áp đó, tôi nhớ hoài, nó giúp tôi vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê”.
Cuộc sống xa quê còn nhiều khó khăn, nhưng những hàng xóm, láng giềng nơi xóm trọ luôn quan tâm, chia sẻ với nhau từng hạt gạo, nắm muối, hay bằng những hành động nho nhỏ như những câu chuyện kể trên. Cùng xa quê, cùng làm công nhân, cùng những khó khăn trong cuộc sống đã giúp mọi người dễ dàng thấu hiểu và đồng cảm với nhau. Xóm trọ không chỉ là nơi để ở, mà còn là nơi họ tìm thấy tình yêu thương, sự sẻ chia, là ngôi nhà thứ hai của công nhân xa quê. Nơi đây, họ đã cùng nhau san sẻ, giúp đỡ, tạo nên cộng đồng gắn kết vì một Bình Dương văn minh, phát triển.
NGỌC NHƯ