Nghịch lý ngân hàng thừa tiền, doanh nghiệp thiếu vốn!

Cập nhật: 23-08-2012 | 00:00:00

Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang tạo nhiều điều kiện thuận lợi để các ngân hàng (NH) thương mại đẩy mạnh cho vay từ nay đến cuối năm, đặc biệt ở các lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNVVN) và tín dụng theo các chương trình kinh tế ưu tiên lãi suất (LS) thấp từ 12 - 13%/năm. Tuy vậy, đến nay không phải DN nào cũng có thể tiếp cận được nguồn vốn từ NH.

Bài 1: Ngân hàng thừa tiền, vì sao?

Bài 2: Doanh nghiệp khó vay được vốn từ ngân hàng

Khó tiếp cận vốn vay rẻ

Hơn 2 tháng trôi qua, kể từ ngày NHNN quy định hạ LS huy động xuống còn 9%/năm, xu thế lãi vay trên thị trường đã giảm mạnh, từ mức 24%/năm xuống phổ biến còn khoảng 15 -18%/năm. Tính đến cuối tháng 6 vừa qua, đã có 97.220 khách hàng được vay vốn theo các chương trình kinh tế và chủ trương của Chính phủ. Tuy nhiên, theo phản ánh từ một số DN, thực tế lãi vay tuy có giảm, nhưng mức giảm là chưa nhiều. Bởi trước đây ở mức trên 20%/năm, nay còn 17 - 18%/năm là vẫn còn cao.  

Các DN, đặc biệt là DNVVN khó đáp ứng được các điều kiện của phía NH để được vay vốn giá rẻ. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất của một DN sơn mài

Nói về vấn đề này, đại diện Công ty TNHH SX-TM-DV trang trí nội thất M.H (xã Bình Hòa, TX.Thuận An), cho biết các DN tiếp nhận thông tin giảm LS huy động từ đó kéo giảm LS cho vay thì mừng, nhưng thực tế không phải như vậy. “DN chúng tôi hiện vẫn khó tiếp cận được nguồn vốn vay rẻ và vẫn phải vay với LS 18%/năm (trước đây là 21%/năm). NH nơi tôi đang vay cho biết phải cân đối nguồn tiền mới có thể giảm LS. Mặt khác, NHNN chỉ khuyến khích chứ không bắt buộc các NH thương mại giảm lãi vay, do vậy họ cứ đủng đỉnh neo mức lãi cao. Với khoản vay 2 tỷ đồng, lãi vay gần 40 triệu đồng/tháng, thật sự là áp lực lớn đối với DN chúng tôi”, vị này cho biết. Đồng quan điểm này, ông Huỳnh Văn Nút, chủ DNTN sơn mài mỹ nghệ Mười Nút (xã Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một) băn khoăn, DN sơn mài đi vay là để đầu tư cho sản xuất, trong khi lãi vay chỉ giảm vài ba phần trăm. Mức lãi này vẫn còn rất cao đối với các DN sản xuất, kinh doanh những mặt hàng thuộc lĩnh vực ngành nghề truyền thống.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Bình Dương (BIFA) Nguyễn Thị Kim Loan cũng cho biết, đến nay 70% DN trong ngành này vẫn chật vật với bài toán vốn. Nhiều DN rơi vào tình trạng sản xuất đình đốn, hàng hóa không tiêu thụ được, nhưng lãi vay gần 20%/năm vẫn phải trả. Nhiều DN thiếu vốn đầu tư cho sản xuất phải chạy đôn chạy đáo tìm nguồn vốn giá rẻ từ NH, nhưng hầu hết không tiếp cận được nguồn vốn này. Bà Nguyễn Thị Kim Loan cho rằng, nguyên nhân khiến DN thiếu vốn là do sức cầu giảm, việc tiêu thụ hàng hóa gặp nhiều khó khăn, hàng tồn kho nhiều khiến vòng quay vốn chậm... Đó cũng chính là những nguyên nhân khiến DN không thể tiếp cận được vốn vay giá rẻ từ NH.

Các thành viên Câu lạc bộ Nữ doanh nhân Bình Dương cũng xác nhận, tình trạng khát vốn đang diễn ra với không ít thành viên trong câu lạc bộ. Trong đó, DN bất động sản đang là đối tượng chịu nhiều căng thẳng nhất về vốn. Một giám đốc Công ty TNHH Đầu tư - Xây dựng - Thương mại ở xã Vĩnh Phú, TX.Thuận An, cho hay đơn vị của bà đang đầu tư xây dựng nhà dự án. Do khó khăn về tài chính nên khả năng tiếp tục phát triển dự án của DN bị hạn chế, nhưng khi “gõ cửa” Vietcombank để vay vốn thì bị NH này từ chối. DN tiếp tục chuyển hồ sơ đến Eximbank đề nghị vay 30 tỷ đồng và đã 2 tháng trôi qua với nhiều lần đi lại bổ sung hồ sơ, nhưng không biết đến bao giờ DN mới được vay!

Vuột mất cơ hội kinh doanh

Hiện các DN, nhất là các DNVVN trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn trong việc duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do các DN khó tiếp cận vốn NH. Thực tế cho thấy, khi DN muốn vay vốn, NH sẽ dựa trên nhiều tiêu chí để thẩm định trước khi cho vay. DN có vốn lớn, tài sản lớn thì dễ dàng tiếp cận vốn vay; còn DN nhỏ, năng lực hạn chế muốn vay với LS cao cũng khó, nên thường để vuột mất cơ hội kinh doanh!

Chủ DNTN sơn mài mỹ nghệ Mười Nút, cho biết do không còn tài sản thế chấp NH để vay vốn đầu tư, nên dù có đơn đặt hàng DN cũng không dám nhận. Đối tác đặt hàng sơn mài thường chỉ ứng trước 30% hợp đồng, trong khi đó DN phải thanh toán ngay 100% tiền mua nguyên liệu và lương công nhân trước khi ra thành phẩm. Chỉ vì khả năng tài chính hạn hẹp, khách hàng đến đặt hàng đành chỉ sang DN khác. Trước tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, Chủ DNTN sơn mài mỹ nghệ Mười Nút rất mong địa phương quan tâm đầu tư vốn cho các DN thuộc ngành nghề truyền thống thông qua hình thức hỗ trợ DN bằng nguồn quỹ địa phương với LS ưu đãi dưới 12%/năm. Có như vậy thì DN mới có thể phát triển sản xuất.

Đại diện Công ty TNHH SX-TM-DV trang trí nội thất M.H cũng bức xúc, công ty có hợp đồng trị giá 30 tỷ đồng, nhưng khi đề nghị phía NH cho vay tài trợ xuất khẩu thì NH từ chối vì DN không còn tài sản bảo đảm và NH cũng không nhận thế chấp L/C. Để có vốn đầu tư cho lô hàng, DN chạy khắp nơi tìm vốn để hoàn thành đơn hàng. Khi hàng chuẩn bị xuống cảng thì phía NH mới đồng ý cho vay thì còn ý nghĩa gì nữa! Nếu DN không chủ động nguồn vốn thì xem như đã vuột mất cơ hội kinh doanh. “Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, chúng tôi cũng không trách, nhưng rất mong phía các NH cần tìm hiểu rõ từng khoản vay của DN để có thể mạnh dạn giải quyết kịp thời, giúp DN không vuột mất cơ hội làm ăn”, vị này bức xúc.

“DN thuộc ngành truyền thống có tỷ suất lợi nhuận không cao, nên mức lãi vay dù có hạ xuống mức 15%/năm thì DN cũng không kham nổi. Do đó, NHNN cần nghiên cứu, triển khai cho vay với DN thuộc lĩnh vực này với mức LS thật ưu đãi. Về lâu dài nên phân chia đối tượng vay theo ngành, lĩnh vực, tình hình hoạt động thực tế của từng DN. Có như vậy thì những DN thuộc ngành nghề truyền thống mới có cơ hội tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ để duy trì sản xuất, tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động và giữ được nghề truyền thống...”.

(Ông Lê Bá Linh, Giám đốc Công ty Sơn mài mỹ nghệ Tư Bốn)

 Thanh Hồng

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên