Hiện nay, mỗi khi ra đường, không khó để thấy nhiều em học sinh với màu áo trắng điều khiển những chiếc xe phân khối lớn rất điệu nghệ dù theo quy định các em chưa được phép. Thậm chí, có những nhóm học sinh vô tư không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng hai, hàng ba vừa điều khiển xe vừa nô đùa trên đường. Hành vi này của các em không những vi phạm Luật Giao thông đường bộ, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông mà phần nào còn làm xấu đi hình ảnh trong sáng của tuổi học trò.
Không ít những vụ tai nạn thương tâm xảy ra do các em điều khiển xe gắn máy phân khối lớn không làm chủ tay lái, tốc độ. Và các vụ tai nạn đều để lại hệ quả đau lòng và gióng lên hồi chuông báo động trong cộng đồng. Nhiều vụ tai nạn đã cướp đi sinh mạng của các em hoặc để lại những thương tật suốt đời, ảnh hưởng đến tâm lý và khả năng phát triển toàn diện của các em, từ đó thêm gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Đã có nhiều giải pháp được bàn và đưa ra, trong đó chú trọng đến sự phối hợp trong công tác tuyên truyền giữa nhà trường, địa phương và gia đình nhưng xem ra chưa đủ sức răn đe cho những tay lái đang tuổi ăn, tuổi học. Thiết nghĩ, để hạn chế tình trạng điều khiển xe gắn máy phân khối lớn ở lứa tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới này”, bên cạnh tác động của nhà trường và địa phương, vai trò của gia đình là hết sức quan trọng. Cha mẹ hãy là “lá chắn” đầu tiên trong hành vi này của con cái, phải nghiêm, không thỏa hiệp với đòi hỏi của con để bảo vệ sinh mệnh của con mình và cũng là tương lai của đất nước. Qua việc làm cụ thể của mỗi gia đình cũng nhằm tạo nên sự cộng hưởng trong cộng đồng để xây dựng môi trường xã hội an toàn.
ĐÀ BÌNH