Nghiên cứu mô hình phát triển công nghiệp xanh và đô thị của Nhật

Cập nhật: 01-04-2024 | 08:16:59

Nằm trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Tỉnh ủy Bình Dương và Hội đồng Lý luận Trung ương thực hiện Đề án “Tổng kết mô hình phát triển của tỉnh Bình Dương trong công cuộc đổi mới của đất nước và tầm nhìn định hướng đến năm 2050”, từ ngày 28-3, đoàn công tác của Hội đồng Lý luận Trung ương và tỉnh Bình Dương do GS-TS. Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương làm trưởng đoàn đã đến Nhật Bản để nghiên cứu, khảo sát thực tế phục vụ việc thực hiện đề án. Tham gia đoàn công tác về phía tỉnh Bình Dương có TS. Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Hiệu trưởng trường Chính trị tỉnh; bà Trương Thị Bích Hạnh, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cùng lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.

Nghiên cứu phát triển xanh

Ngay sau khi đặt chân đến Nhật Bản, đoàn công tác đã khẩn trương làm việc và khảo sát thực tế tại một số đơn vị ở tỉnh Yamaguchi, trong đó có Công ty Tokuyama chuyên sản xuất nhiên liệu, vật liệu bán dẫn và sản phẩm từ soda, sản xuất nhựa công nghiệp và vật liệu xanh… Tiếp đó, đoàn đã tham dự tọa đàm “Tìm hiểu về mô hình, kinh nghiệm phát triển của địa phương cấp tỉnh của Nhật Bản - tỉnh Yamaguchi” được tổ chức tại Ủy ban tỉnh Yamaguchi.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, GS-TS. Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương bày tỏ cảm ơn chân thành và đánh giá cao mối quan hệ giữa tỉnh Yamaguchi và tỉnh Bình Dương. “Chúng tôi rất kỳ vọng mối quan hệ giữa tỉnh Yamaguchi và Bình Dương sẽ trở thành hình mẫu về mối quan hệ không chỉ gắn bó mật thiết, tình cảm mà còn là mối quan hệ mang lại hiệu quả tích cực. Xin chúc mối quan hệ đó tiếp tục phát triển không chỉ đóng góp vào sự phát triển của hai địa phương mà còn đóng góp tích cực vào mối quan hệ tốt đẹp về kinh tế, văn hóa, chính trị, an ninh giữa Việt Nam và Nhật Bản”, GS-TS. Tạ Ngọc Tấn phát biểu.

Các đại biểu tham dự tọa đàm tại Yamaguchi, Nhật Bản

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã được nghe giới thiệu khái quát về tỉnh Yamaguchi, một tỉnh có thế mạnh về phát triển công nghiệp, nhất là các ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế tạo và các ngành sản xuất phụ tùng xe ô tô. Tỉnh Yamaguchi cũng là nơi tập trung rất nhiều những doanh nghiệp vừa và nhỏ, phù hợp với mô hình phát triển kinh tế của Việt Nam nói chung và chủ trương kêu gọi thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản của tỉnh Bình Dương nói riêng.

Mô hình phát triển triển đô thị TOD, nghĩa là lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cường để từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông phân tán…

Các đại biểu cũng đã nghe ông Muraoka Tsugumasa, Thống đốc tỉnh Yamaguchi, thuyết trình về các chủ đề mang tính toàn cầu hiện nay, như: “Những thách thức của ngành công nghiệp hướng tới trung hòa carbon” hay “Những nỗ lực thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn và pin lưu trữ”. Theo ông Muraoka Tsugumasa, mục tiêu cơ bản là tăng trưởng và phát triển ngành công nghiệp của tỉnh dựa trên mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Theo đó tỉnh thực hiện 5 nội dung: Chuyển đổi cơ cấu cung cầu năng lượng; đẩy mạnh, đổi mới và tạo ra các ngành công nghiệp tăng trưởng; tích cực chuyển đổi kinh doanh, phát triển kinh doanh mới; hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp, viện trường và tài chính công; đẩy mạnh kết hợp chính sách trung ương.

Phát biểu tại tọa đàm, TS. Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Hiệu trưởng trường Chính trị tỉnh, đánh giá cao những sáng kiến cũng như giải pháp của tỉnh Yamaguchi nói riêng và Nhật Bản nói chung trong ứng phó với biến đổi khí hậu và xu hướng trung hòa carbon trong phát triển công nghiệp. Ông Nguyễn Hoàng Thao cho biết Bình Dương là tỉnh phát triển công nghiệp nên cũng đối mặt với khí thải carbon, chất thải nguy hại, nước thải… Do vậy, sau 25 năm phát triển tỉnh đã rút ra nhiều bài học sâu sắc về phát triển đi đôi với bảo vệ môi trường. Từ đó, tỉnh đã có chủ trương phát triển công nghiệp xanh, trung hòa carbon. Hiện tỉnh đã dành 16.000 ha thành lập khu công nghiệp xanh để thu hút các nhà đầu tư phát triển xanh, sạch…

Khảo sát mô hình phát triển đô thị

Trong chương trình nghiên cứu và làm việc tại Nhật Bản, đoàn công tác đã có buổi khảo sát và làm việc với Tập đoàn Tokyu. Được hình thành từ Công ty Meguro Kamata Dentetsu (thành lập từ năm 1922), Tokyu là một trong những tập đoàn kinh tế lớn và lâu đời của Nhật Bản, hoạt động trong nhiều lĩnh vực như đường sắt, giao thông vận tải, hệ thống bán lẻ, văn hóa, giáo dục… trong đó, nổi bật nhất là lĩnh vực phát triển đô thị.

Tại buổi làm việc, đoàn công tác đã được nghe giới thiệu về mô hình phát triển đô thị của Tokyu qua những dự án tiêu biểu của tập đoàn. Những dự án được hình thành với mục tiêu rõ ràng cùng giải pháp tối ưu khi thực hiện. Đó là các khu đô thị được phát triển theo mô hình TOD, như: Khu vực chung quanh Ga Shibuya với mục tiêu phát triển là đô thị này sẽ trở thành nơi “muốn thăm nhất khi đến đất nước Nhật Bản”; đó là khu khu vực chung quanh Ga Futako Tamagawa với mục tiêu phát triển hướng đến sự hài hòa giữa đô thị và thiên nhiên. Hay khu vực xung quanh Ga Tama Plaza, Tokyu hợp tác với các chủ đất tư nhân để phát triển đô thị và khu vực chung quanh Ga Minami Machida là phát triển theo mô hình hợp tác công - tư giữa chính quyền và Công ty Tokyu...

Sau khi nghiên cứu, trao đổi với lãnh đạo Tập đoàn Tokyu, đoàn công tác đã khảo sát thực tế các dự án phát triển đô thị TOD của tập đoàn tại Tokyo, đồng thời tìm hiểu những giải pháp phát triển đô thị tối ưu và vượt trội mà Tập đoàn Tokyu thực hiện thành công trong thời gian qua tại xứ sở mặt trời mọc.

TRÍ DŨNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=497
Quay lên trên