“Nghiến răng” cắt lúa nuôi... bò!

Cập nhật: 07-07-2010 | 00:00:00

Lúa chưa chín hẳn, họ đã vội gặt hái. Người dân xã Đức Tùng (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) nằm cạnh sông La lý giải: “Không nước tưới, lúa để ngoài đồng cũng chết. Chẳng bằng cắt về nuôi bò!”. Nghĩa là trong những ngày cao điểm của hạn hán này, ngày ngày, nông dân bốn xã của huyện Đức Thọ vẫn “nghiến răng” ra đồng để cắt lúa non mang về làm lương thực cho bò!

Phận lúa

 

Chẳng người nông dân nào vui khi tự tay cắt những bông lúa sau một vụ mùa chờ đợi để làm lương thực cho bò. Mà không thu cũng không được. Lúa ngậm đòng, trổ bông, cho hạt nhưng nhánh cứ chọc thẳng lên trời, chẳng lom khom trĩu nặng như lưng mẹ. Ấy là lúa hỏng- hạt lúa chẳng có gạo, thường được gọi là lúa lép. Loại này chỉ đáng làm trấu. Hoặc, cứ để ngoài đồng, đến mùa thì đốt, cày lật xuống làm phân bón cho một vụ mùa mới.

  Những diện tích lúa này ở Đức Tùng đang được cắt để nuôi bò.

 

Hàng chục nông dân có mặt trên cánh đồng phía ngoài đê của thôn An Tùng, xã Đức Tùng hì hục cắt lúa. Mùa gặt chẳng có cơm đồng: Sáng, người dân lầm lũi ra đồng gặt đến trưa thì về. Chiều muộn lại ra. Sự tồn tại của lúa- hạt ngọc trời ban lúc này được xem chẳng khác gì cây cỏ héo. Chẳng thấy ai nâng niu, chiều chuộng. Lúa gặt xong cứ chất đống chất bãi. Thi thoảng lão nông nhặt một bó to bằng nắm tay nhét vào miệng con bò đứng cạnh, thấy mà xót!

 

Chị Nguyễn Thị Lan, người dân địa phương cười như mếu: “Chờ đợi cả vụ để rồi ri đây! Tiền học hành sách vở con cái nằm đây cả. Bây giờ gặt về cho bò ăn, ngó buồn không chú?”.

 

Mấy năm trước - theo cách tính của chị Lan thì bốn sào rộng của gia đình mỗi vụ mang về năm tạ thóc. Sản lượng tuy chỉ bằng 1/2 vụ đông xuân nhưng bà con không lấy đó làm buồn. Vụ đông xuân đủ ăn, vụ này góp phần trang trải. Số lúa gặt hôm nay vốn được tái sinh từ gốc rạ của vụ Đông Xuân thu hoạch cách đây gần bốn tháng.

 

Ngừng tay hái, lão nông Đào Văn Đường thở hắt: “Năm nay nắng gắt. Vào thời điểm lúa cần nước nhất thì mất điện luân phiên. Nước không được tưới vào đồng, nông dân ngửa cổ chờ mưa. Sông La chưa thiếu nước, chỉ thiếu điện chạy máy bơm. Hạn từ trời cũng có. Hạn do thiếu điện cũng có”.

 

Cách cánh đồng thôn An Tùng không xa là đám ruộng trong đê. Vào những ngày nắng hạn, lúa dọc miền trung đang chết đỏ đồng thì ở đây lúa vẫn xanh mơn mởn. Ở Đức Thọ, lúa trong đê là lúa cấy, được HTX tăng cường, bơm tưới thường xuyên nên tốt, chẳng bù cho đám ruộng ngoài đê.

 

“Giá như ruộng ở đây được bơm một hai đợt thì hay. Còn đằng này...”, chị Lan nói chưa dứt lời, ông Sỹ, hàng xóm chị Lan đã nói chêm: “Lúa tái sinh phải chăm sóc mới có gạo. Không có nước, thì làm sao bỏ phân? Lúa thiếu đạm, thiếu nước tưới, nếu để chờ đến khi chín cũng có thể thu được vài yến. Nhưng từ đây đến đó chắc gì đã có mưa? Thôi thì cắt, mang về cho bò chứ để không ngoài đồng lúa sẽ chết héo, thành rơm rạ. Người mất ăn đã đành, lúc đó, thậm chí trâu bò cũng không còn cái để ăn”.

 

Trăm tội vì trời?

 

Chủ tịch UBND xã Đức Tùng, ông Nguyễn Ngọc Thơ biết rõ tình cảnh “dở khóc dở cười” mà nông dân trong xã đang gặp phải. Bởi cách đây chưa lâu, xã đã có “lệnh cấm” nông dân cắt lúa nuôi bò. Ấy vậy mà khi được hỏi, ông cứ ấp a ấp úng bảo rằng “làm gì có chuyện đó”.

 

Đến khi mời được ông rời văn phòng ủy ban ra ruộng để “mục sở thị” cảnh gặt hái của dân, ông Thơ mới thừa nhận: “Huyện có chủ trương xóa bỏ lúa “chét” (lúa tái sinh), nhưng dân không nghe. Đến khi gặp hạn mới sinh ra cơ sự”.

 

Hỏi thêm về chủ trương này, ông Nguyễn Ngọc Thơ giải thích đại ý rằng: Số ruộng ngoài đê bao đời nay đã có số phận khá đặc biệt. Đó là vào vụ hè thu, lũ tiểu mãn về sớm, nước ngập trắng đồng. Để tránh thất bát, nông dân tính chuyện “ăn chắc” là không tổ chức cày cấy vụ hè thu. Họ dưỡng gốc rạ vụ đông xuân, gặp thời tiết tốt, lúa có cớ phát triển, nảy cành, trỗ bông. Sản lượng không nhiều, nhưng được gặt sớm, có ăn.

 

Trong khi đó, theo nhận định và phân tích của phòng NN&PTNT của huyện Đức Thọ thì làm vậy là không hiệu quả, không thu được sản phẩm xã hội. Huyện kêu gọi người dân xóa bỏ lúa “chét” để cấy vụ hè thu. Vì dù sao, vụ hè thu tại địa phương vẫn được xem là lúa chính vụ.

 

Chuyển thắc mắc của người dân: Không cấp nước tưới trong vụ này, khiến nảy sinh tình trạng hạn hán đại trà phải chăng cũng là chủ trương của huyện”, ông Thơ cười xòa: “Làm gì có chuyện đó. Đợt này nắng gắt, mất điện luân phiên. Hơn nữa số diện tích 45 ha ruộng tái sinh của xã lại nằm ở chân ruộng cao nên HTX không bơm tưới lên được. Dân không nghe thì vận động, làm từ từ chứ ai nỡ cắt nước để trả đũa đâu.”

 

Cứ cho là mất điện, không tưới được nước. Nhưng lịch mất điện cũng đã ghi rõ là cắt luân phiên. Về lý, những hôm có điện, nước phải được tưới lên đồng. Thành ra câu trả lời này xem chừng cũng không ổn lắm.

 

Dân có cái lý của dân

 

Thôi thì ruộng đằng nào cũng đã khát, đang trên đường cháy. Vậy lệnh cấm cắt lúa để cho bò ăn của xã sao không được thực hiện? - Câu hỏi này lại làm ông Thơ vò đầu bứt tai: “Xã cấm rồi mà dân không nghe, nên cứ để họ cắt. Vì dù sao dân cũng có lý của họ”.

Cứ băn khoăn về chủ trương của huyện, tôi đành hỏi gắng: “Về cây lúa chét, huyện bảo bỏ, dân nói không. Quan điểm của xã trong trường hợp này như thế nào?”

 

 

Sau hồi suy nghĩ, ông Nguyễn Ngọc Thơ xin được nói thật rằng: “Thiệt tình cũng không ổn lắm. Ý xã là nên xóa một phần thôi. Số diện tích nằm trong vùng sâu ngập thì nên xóa để cấy. Số ruộng cao nên để người dân trồng tái sinh, hoặc chuyển đổi sang trồng hoa màu, chứ chuyển hết thì không an toàn”.

 

Tưởng chỉ có Đức Tùng mới có tình cảnh người dân cắt lúa nuôi bò. Nhưng hóa ra không phải.

 

Nỗi đau này đang trãi dài theo con sông La, đoạn qua huyện Đức Thọ. Bởi theo ông Đức, cán bộ phòng NN&PTNT huyện Đức Thọ thì “Ngoài Đức Tùng, nông dân giữ lúa “chét” ở ba xã ven sông khác của huyện cũng đang lâm vào tình cảnh tương tự”.

 

Nghĩa là trong những ngày cao điểm của hạn hán này, ngày ngày, nông dân bốn xã của huyện Đức Thọ vẫn “nghiến răng” ra đồng để cắt lúa non mang về làm lương thực cho bò!

 

THEO NHÂN DÂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=437
Quay lên trên