Nghiệp đoàn, “mái nhà chung” của lao động tự do

Cập nhật: 09-09-2024 | 08:11:21

Chỉ trong thời gian ngắn, có hàng chục nghiệp đoàn được thành lập với tổng số đoàn viên công đoàn (ĐVCĐ) lên đến gần 1.000 người hoạt động ở nhiều ngành nghề. Những người lao động tự do tin rằng khi chính thức tham gia tổ chức công đoàn, họ sẽ được chăm lo tốt hơn về đời sống, việc làm, thu nhập.

Giúp nhau việc làm, thu nhập

Trong tháng 8-2024, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) các huyện, thành phố đã thành lập và ra mắt 7 nghiệp đoàn, với gần 600 ĐVCĐ. Điển hình như LĐLĐ TP.Thủ Dầu Một ra mắt 3 nghiệp đoàn, gồm các ngành, nghề như: Nghiệp đoàn xe ôm, thợ xây, thẩm mỹ, với tổng số hơn 200 ĐVCĐ. LĐLĐ TP.Dĩ An thành lập 2 nghiệp đoàn nghề giữ trẻ tại phường Dĩ An với số ĐVCĐ hơn 200 người. LĐLĐ TP.Thuận An ra mắt Nghiệp đoàn Vé số phường An Thạnh; LĐLĐ huyện Phú Giáo thành lập Nghiệp đoàn Xe dịch vụ...

Ông Đoàn Nam Lê Thiện, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP.Dĩ An, cho biết hiện trên địa bàn thành phố có nhiều lao động tự do như thợ xây, xe ôm, làm đẹp, bán vé số đã gửi đơn tham gia nghiệp đoàn. Địa phương đang xem xét, kết nạp và thành lập thêm nhiều nghiệp đoàn trong thời gian tới.

Ông Trần Văn Nhẫn (ngoài cùng bên phải), Chủ tịch Nghiệp đoàn Xe ôm phường Thới Hòa, là người nhiệt tình với công việc, có nhiều đóng góp xây dựng nghiệp đoàn vững mạnh

Theo ông Thiện, người lao động tự do đa phần có hoàn cảnh tương đối khó khăn, khi vào nghiệp đoàn và chính thức trở thành ĐVCĐ, họ được các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương xem xét hỗ trợ nhiều mặt trong cuộc sống. Với những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, được xét duyệt tặng thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ nhu yếu phẩm, quà lễ, tết... Vào nghiệp đoàn, người lao động tự do có nơi để sinh hoạt định kỳ, hỗ trợ nhau về nghề nghiệp, việc làm.

Chị Phạm Thúy Hằng, thành viên Nghiệp đoàn Vé số phường An Thạnh, chia sẻ ngày trước có khi vì cạnh tranh khách mà những người hành nghề như chị ở khu vực không nhìn mặt nhau. Từ khi được sinh hoạt trong nghiệp đoàn, mọi người biết đến nhau, sinh hoạt trên nhóm nên quan tâm, chia sẻ cho nhau từ công việc đến hoàn cảnh. “Có hôm đến gần 16 giờ mà trên tay vẫn còn nhiều vé số, tôi lên nhóm nhờ giúp đỡ là các chị, em tập họp lại giúp một tay nên bán hết rất nhanh”, chị Hằng cho biết.

Các Nghiệp đoàn Thợ xây, thẩm mỹ, xe ôm trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một tuy mới thành lập nhưng đã có nhiều hoạt động đem lại niềm tin cho ĐVCĐ. Theo anh Phạm Bá Như, thợ xây ở phường Phú Cường, trong quá trình làm việc, anh em thường gặp một số khó khăn khi thi công, vậy là đăng lên nhóm Zalo “cầu cứu”. Có chuyện vui, chuyện buồn gì cùng chia sẻ qua nhóm như đại gia đình. “Hôm nào thất nghiệp, công trình hết việc cũng lên nhóm nhờ giúp đỡ, nhờ đó mà công việc đều hơn trước, thu nhập cũng cao hơn”, anh Như cho biết thêm.

Xây dựng nghiệp đoàn vững mạnh

Tại TP.Bến Cát, Nghiệp đoàn Xe ôm phường Thới Hòa được thành lập từ năm 2016 với 40 thành viên và cũng là nghiệp đoàn được thành lập đầu tiên trong tỉnh. Đến nay, nghiệp đoàn này không chỉ hoạt động tốt, nề nếp mà còn để lại nhiều ấn tượng tốt trong lòng người dân địa phương.

Nghiệp đoàn Vé số phường An Thạnh vừa được ra mắt đầu tháng 8-2024 với 60 ĐVCĐ

Đó là trong quá trình hành nghề, họ mặc đồng phục, ăn nói lễ phép, không tùy tiện tăng giá lúc chở khách. Cùng với đó, các thành viên trong nghiệp đoàn còn thành lập Đội xe ôm cứu nạn, giúp người hư hỏng phương tiện, tai nạn, say xỉn, ốm đau trên mọi cung đường...

Theo ông Lê Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch LĐLĐ TP.Bến Cát, người sáng lập Nghiệp đoàn Xe ôm phường Thới Hòa, địa phương luôn quan tâm, chăm lo vật chất cho những anh em có hoàn cảnh khó khăn. Phối hợp với các ban ngành, xã, phường để có nguồn lực hỗ trợ nhiều hơn.

Địa phương thường xuyên theo dõi, định hướng nghề nghiệp, góp ý để anh em trong nghiệp đoàn hoạt động tốt hơn; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn về pháp luật, sức khỏe, hạnh phúc gia đình... “Để nghiệp đoàn hoạt động thành công thì vai trò Chủ tịch nghiệp đoàn rất quan trọng; phải chọn người có lòng vị tha và nhiệt tình với công việc”, ông Bình nói thêm.

Ông Trần Văn Nhẫn, người nhiều năm giữ chức Chủ tịch Nghiệp đoàn Xe ôm phường Thới Hòa, cho biết hầu hết đời sống anh em trong nghiệp đoàn khó khăn. Ông thuộc lòng hoàn cảnh từng người nên thường xuyên sinh hoạt, phổ biến để mọi người hiểu và thông cảm cho nhau.

Theo ông Nhẫn “Khi đã có tiếng nói chung, chúng tôi đi đến thống nhất xoay tua địa bàn hoạt động, để tất cả mọi người đều có thu nhập. Hôm nào ế quá không có khách, chỉ cần lên nhóm Zalo thông báo là sẽ có người nhường cho vài “cuốc”. Anh em trong nghiệp đoàn đoàn kết, thường xuyên quan tâm, thăm hỏi ốm đau, chia sẻ cho nhau niềm vui buồn mỗi ngày”.

Từ những chia sẻ trên, có thể thấy nghiệp đoàn là chỗ dựa tinh thần, tạo ra thu nhập, việc làm, là “mái nhà” chung cho người lao động tự do nếu tất cả ĐVCĐ trong nghiệp đoàn cùng cố gắng làm tốt công việc của mình.

QUANG TÁM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=520
Quay lên trên