Nghiệp đoàn xe ôm phường Thới Hòa: “Mái nhà” chung cho những lao động khó khăn

Cập nhật: 20-05-2024 | 09:37:25

Năm 2016, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP.Bến Cát thành lập Nghiệp đoàn Xe ôm phường Thới Hòa với 14 thành viên để chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho những lao động tự do. Đến nay, nghiệp đoàn này có hơn 40 thành viên, là chỗ dựa tinh thần cho những lao động có hoàn cảnh khó khăn đang hành nghề xe ôm ở các phường Thới Hòa, Mỹ Phước, An Điền...

 Các thành viên Nghiệp đoàn Xe ôm phường Thới Hòa thường xuyên sinh hoạt, duy trì tốt các hoạt động đề ra hàng thán

Chỗ dựa tinh thần

Ông Trần Văn Nhẫn (60 tuổi) quê tỉnh Cà Mau, có thâm niên hành nghề xe ôm hơn 10 năm ở Khu công nghiệp Mỹ Phước 1, hiện đang giữ chức Chủ tịch Nghiệp đoàn Xe ôm phường Thới Hòa, chia sẻ: “Về tổ chức thì nghiệp đoàn cũng giống công đoàn cơ sở tại các công ty. Chúng tôi được LĐLĐ TP.Bến Cát quan tâm, chăm lo, bảo vệ pháp luật. Vào dịp lễ, tết, anh em trong nghiệp đoàn được LĐLĐ tặng quà, thăm hỏi, động viên. Các hoạt động của nghiệp đoàn cũng được LĐLĐ thành phố theo dõi, định hướng để hoạt động đi vào nề nếp. Các đoàn viên nghiệp đoàn cũng đóng đoàn phí hàng tháng, nhưng chúng tôi được giữ lại mua sắm đồng phục và tổ chức một số hoạt động khác”.

Anh Nguyễn Văn Sáu, Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn Xe ôm phường Thới Hòa, tâm sự: “Trước năm 2016, khi chưa có nghiệp đoàn, việc chạy xe ôm ở khu vực Mỹ Phước, Thới Hòa cũng thường xảy ra chuyện anh em tranh giành khu nơi đông khách để chạy, mối lái, rồi lời qua tiếng lại, có khi xảy ra ẩu đả. Nói chung cũng vì miếng cơm manh áo. Từ ngày có nghiệp đoàn, chúng tôi chia khu vực để chạy, xoay tua địa điểm hành nghề để ai cũng có thu nhập, nuôi vợ con. Trên các trục đường, các ngã ba, ngã tư trung tâm, chúng tôi có gắn số điện thoại của nghiệp đoàn để người dân khi cần là được anh em trong nghiệp đoàn hỗ trợ ngay, lượng khách từ đó cũng ổn định hơn”.

Theo các thành viên trong Nghiệp đoàn Xe ôm phường Thới Hòa, điều khiến họ yên tâm nhất từ khi vào nghiệp đoàn là được tổ chức Công đoàn TP.Bến Cát đứng ra hỗ trợ pháp luật, định hướng nghề nghiệp, có nơi để sinh hoạt. Bên cạnh hỗ trợ của LĐLĐ thành phố, các tổ chức khác như Hội Chữ thập đỏ, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên thành phố, chính quyền các địa phương cũng quan tâm, chia sẻ.

Anh Nhẫn cho rằng: “Với anh em nghiệp đoàn, khi đã vào tổ chức, khoác lên mình chiếc áo đồng phục của nghiệp đoàn thì họ đã nâng cao ý thức, có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội hơn. Đó là tuân thủ nghiêm Luật Giao thông đường bộ khi ra đường, ăn nói với khách hàng phải có chừng mực, lễ phép”.

Xây dựng hình ảnh đẹp

Hiện nay, các thành viên của nghiệp đoàn đã mở rộng sang các xã, phường khác của thành phố chứ không bó hẹp tại phường Thới Hòa như lúc mới thành lập. Nghiệp đoàn ngày càng lớn mạnh thì những người đứng đầu tổ chức như anh Nhẫn phải làm gương, xây dựng hình ảnh đẹp cho anh em trong nghiệp đoàn noi theo.

“Anh em trong nghiệp đoàn nhiều người có hoàn cảnh rất khó khăn, như bản thân tôi mỗi tháng phải đóng tiền trọ, nuôi vợ bị tai nạn và đứa cháu ăn học. Mỗi tháng chỉ có thu nhập vài triệu, có lúc rất túng thiếu, nên anh em trong nghiệp đoàn phải thương yêu và đùm bọc lấy nhau. Có ngày ế ẩm, còn không có tiền đổ xăng chứ lấy đâu tiền đi chợ. Vậy nên, mỗi khi nhận được tin nhắn trong nhóm Zalo của anh em nào đó kêu khó, kêu khổ, anh em khác có khách liền nhường nhau một hai cuốc để chia sẻ với nhau”, anh Nhẫn nói.

Trên những cung đường đêm hôm kiếm sống, các anh còn chứng kiến nhiều vụ người đi đường không may bị hư xe, hết xăng, say xỉn nằm bên lề đường mà không có người trợ giúp. Vậy là mới đây, các thành viên trong nghiệp đoàn họp bàn, đứng ra thành lập Đội xe ôm cứu nạn do anh Nguyễn Văn Toàn, quê tỉnh Tây Ninh, chủ một tiệm sửa xe nhỏ ở phường Mỹ Phước làm đội trưởng. Hoạt động của đội là khi hành nghề nếu phát hiện trường hợp cần hỗ trợ như hư xe, tai nạn cần đưa đi cấp cứu, say xỉn cần đưa về nhà là giúp ngay. Anh Toàn cho biết đội đã xử lý hơn 100 vụ, phần lớn là hư xe vào đêm khuya. Có khi nhận điện thoại cầu cứu lúc 2 hoặc 3 giờ sáng, anh em sẵn sàng lên đường, không ngại khó, ngại khổ...

Ông Lê Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch LĐLĐ TP.Bến Cát, cho biết từ mô hình Nghiệp đoàn Xe ôm phường Thới Hòa, thời gian tới, LĐLĐ thành phố tiếp tục thành lập các mô hình nghiệp đoàn khác như nghiệp đoàn bán vé số, nghiệp đoàn thợ hồ... để những lao động tự do tại thành phố được quan tâm, chăm lo tốt hơn. Về nhân sự cho những nhóm lao động tự do tại địa phương, đơn vị đã chọn xong, chỉ chờ ngày ra mắt tới đây.

 QUANG TÁM - HỮU TẤN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=811
Quay lên trên