Ngòi bút là vũ khí

Cập nhật: 24-06-2010 | 00:00:00

“Le Paria”, báo tiếng Pháp, lúc đầu mỗi tháng ra một số, về sau mỗi tháng ra hai số. Số 1 ra 1-4-1922 với phụ đề “Diễn đàn các dân tộc thuộc địa”, đến tháng 1-1924 đổi tên thành “Diễn đàn của vô sản thuộc địa”. Trụ sở đặt tại 16 phố Jacques Callet, sau chuyển đến số 3 phố Marché des Patriarches ở Paris. 

 Tiếng nói đấu tranh chung

Vào khoảng trung tuần tháng 1-1922, nhằm xây dựng một “diễn đàn” của nhân dân các nước thuộc địa và tạo ra một thứ vũ khí đấu tranh, Nguyễn Ái Quốc và Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Thuộc địa đã thống nhất quyết định thành lập “Hội Hợp tác Người cùng khổ” và ra báo Người cùng khổ. Bấy giờ báo Người cùng khổ in 3 thứ tiếng: Pháp, Ả-rập và Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên nhân dân của nhiều nước thuộc địa khác nhau có một tổ chức và một tiếng nói đấu tranh chung. Ngay số đầu tiên, Người cùng khổ đã tuyên bố: “Báo Người cùng khổ là vũ khí để chiến đấu, sứ mạng của nó đã rõ ràng: Giải phóng con người”. Tờ báo do nhà cách mạng, nhà báo Nguyễn Ái Quốc làm chủ nhiệm, kiêm chủ bút. Nguyễn Ái Quốc chính là “linh hồn” của Người cùng khổ. Có những số báo Nguyễn Ái Quốc viết tới 3 - 4 bài. Đồng thời, hầu hết các “công đoạn làm báo” như: viết tin bài; biên tập; trình bày; minh họa, vẽ tranh châm biếm, viết mẫu chữ, đưa bài sang nhà in, sửa bài... cho đến việc vận chuyển báo từ nhà in về tòa soạn và phát hành báo... Nguyễn Ái Quốc đều đảm nhiệm và trải qua.

Báo mỗi kỳ in 5.000 bản, phát hành ở Pháp và các thuộc địa ở Pháp. Ở Việt Nam, báo “Người cùng khổ” được các thủy thủ quốc tế bí mật chuyển về. Giữa năm 1923, Nguyễn Ái Quốc sang Liên Xô, báo ra không được đều. Tháng 4-1926, đình bản sau số 38.

Nhà báo là chiến sĩ...

Tháng 6-1925, Bác Hồ sáng lập báo Thanh niên, để chuẩn bị về tư tưởng, lý luận và tổ chức cho sự thành lập Đảng ta. Tờ Thanh niên có ý nghĩa như tờ “Tia lửa” do Lê-nin sáng lập để chuẩn bị cho sự ra đời một đảng kiểu mới của giai cấp công nhân. Trong 88 số báo Thanh niên đã vạch rõ định hướng cách mạng Việt Nam là: đánh đổ thực dân Pháp và phong kiến tay sai, giành độc lập và tự do, tiến lên cách mạng vô sản, xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa Cộng sản ở Việt Nam. Báo Thanh niên là một trong những tờ báo đầu tiên viết theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, mở đầu thời kỳ hình thành nền báo chí vô sản ở Việt Nam. Những bài Bác viết trong tờ báo này và những tờ báo khác do Bác sáng lập như Công nông, Lính Kách mệnh là vũ khí sắc bén trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào giai cấp công nhân và nhân dân lao động nước ta, xúc tiến chuẩn bị về tư tưởng, chính trị và tổ chức để thành lập Đảng ta.

Một sự kiện đáng ghi nhớ trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam, ngày 11-5-1951, Bác Hồ sáng lập báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ năm 1951-1969, Bác Hồ đã viết cho báo Nhân Dân 1.205 bài với 23 bút danh khác nhau (theo thống kê của báo Nhân Dân).

Trong tác phẩm “Hồ Chí Minh, Toàn tập”, tập 9, NXB Sự thật, Hà Nội, 1980, trang  524, Bác Hồ khẳng định, nhà báo là những chiến sĩ cách mạng, thực hành chức năng xã hội, hướng dẫn tư tưởng và hành động cho người đọc, người nghe. Họ cần được trang bị kiến thức rộng, lý luận khoa học, chính xác, tư tưởng rõ ràng, nghiệp vụ tinh thông. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ lịch cách mạng để động viên quần chúng đoàn kết, đấu tranh... cho độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội và hòa bình thế giới.

MINH Ý

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên