Lễ đặt đá xây dựng chùa Hội An vừa diễn ra trang nghiêm và long trọng tại trung tâm Thành phố mới Bình Dương - thành phố của tương lai được người dân tin tưởng và đặt nhiều kỳ vọng. Tên gọi ngôi chùa là Hội An cũng mang nhiều ý nghĩa, hàm ý quy tụ sự an lành của cuộc sống để phát triển, vươn lên không ngừng của một thành phố trẻ, năng động. Đây là một trong những sự kiện có giá trị lịch sử của Phật giáo tỉnh Bình Dương mùa xuân này...
Chùa Hội An sẽ đi vào lịch sử
Ở Việt Nam lịch sử đã chứng minh, sự phát triển của Phật giáo luôn đồng hành và gắn liền với sự phát triển của dân tộc. Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo Bình Dương nói riêng cũng bao hàm tính chất đó.
Quang cảnh động thổ xây dựng chùa Hội An
Trước đây, khi vùng đất Thủ Dầu Một còn sơ khai, cùng với đoàn người di dân định cư lập nghiệp còn có những vị hòa thượng nhiều tâm huyết tạo dựng mái chùa để làm nơi sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng cho bà con bản địa. Từ đó mà cuộc sống người dân an lành, ngày càng phát triển. Chùa Hội Khánh là một minh chứng điển hình về tính lịch sử của một ngôi chùa được xây dựng trên vùng đất mới. Cái tên Hội Khánh mang ý nghĩa về sự quy tụ niềm vui và hạnh phúc. Trải qua gần 300 năm, chùa Hội Khánh đã thật sự hội tụ được những điều tốt đẹp của một ngôi chùa lịch sử gắn với tinh thần yêu nước, quy tụ những bậc hòa thượng tôn túc, những giá trị tâm linh thiêng liêng trong đời sống tinh thần của cộng đồng cư dân. Ngày nay, vùng đất Thủ Dầu Một đã và đang phát triển, ngày càng sầm uất hơn. Chùa Hội Khánh vừa mang nét tâm linh vừa mang đậm giá trị lịch sử Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung.
Đúng với ý nghĩa, cái gì đầu tiên cũng đều mang những giá trị lịch sử. Chùa Hội An là ngôi chùa đầu tiên được xây dựng tại trung tâm Thành phố mới Bình Dương. Tuy sắc thái của cụm từ “vùng đất mới” xưa và nay không giống nhau, nhưng đều có chung tính chất về sự hình thành từ nền tảng của cái mới bắt đầu. Một thành phố mới, quy tụ những cái mới quả thật không thể thiếu vắng hình ảnh một ngôi chùa hiền hòa: “Mái chùa che chở hồn dân tộc, nếp sống muôn đời của tổ tông”.
“An cư mới lạc nghiệp”, người Việt khi mở mang vùng đất mới, điều đầu tiên là luôn mong cầu cho vùng đất ấy được bình an. “Chùa Hội An với ý nghĩa là nơi hội tụ của sự bình an, không chỉ có giá trị riêng cho Phật giáo mà còn mong sự phát triển ở một thành phố tương lai của tỉnh nhà”, Thượng tọa Thích Huệ Thông - Phó Trưởng ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo, nói.
Kiến trúc chùa mang đặc thù Nam bộ
Với ý nghĩa như vậy, chùa Hội An được xây dựng giữ nguyên kiến trúc đặt thù của những ngôi chùa ở Nam bộ, theo lối trùng thềm. Không gian kiến trúc tổng thể bao gồm: Tiền điện, chánh điện, hậu tổ, giảng đường, đông lang và tây lang. Tuy nhiên, chùa Hội An cũng sẽ có sự phá cách khi kết cấu gồm 1 trệt, 1 lầu. Lý giải điều này, Thượng tọa Thích Huệ Thông cho biết do quỹ đất khiêm tốn và đòi hỏi một ngôi chùa được xây dựng phải xứng tầm vóc với một thành phố mới nên chùa được nâng lên thành 1 trệt, 1 lầu. Bao quanh khuôn viên chùa là hệ thống cây xanh tạo bóng mát cho người dân thưởng ngoạn, nghỉ ngơi khi đến đây. Đặc biệt, phía trước chùa còn có 2 ngôi tháp 13 tầng đối xứng mang hình dáng, biểu tượng của kiến trúc đặc trưng của Phật giáo. Kinh phí xây dựng công trình dự kiến là 35 tỷ đồng. Ngôi chùa quy mô, hoàng tráng nhưng vẫn giữ nét hiền hòa, an lành, gần gũi với mọi người dân.
Cạnh chùa Hội An, còn có chùa Bà Thiên Hậu cũng vừa mới đặt đá xây dựng với kinh phí trên 15 tỷ đồng. Tất cả tạo nên quần thể kiến trúc tôn giáo bề thế, quy mô. Nơi đây sẽ là một địa điểm sinh hoạt tâm linh, thưởng ngoạn đầy ý nghĩa của cư dân thành phố và các quận, huyện xung quanh. Hình bóng của những ngôi chùa thể hiện sự an lành, hạnh phúc trong quá trình phát triển của một thành phố tương lai.
NGỌC TRINH