Chúng tôi tìm đến Cơ sở Bảo trợ xã hội nuôi dưỡng trẻ mồ côi và khuyết tật Hướng Dương (Cơ sở Hướng Dương) ở phường Mỹ Phước, TX.Bến Cát vào một ngày đầu tháng 3 dưới cái nắng gay gắt đặc trưng của Nam bộ. Đó là một ngôi nhà nhỏ nằm ẩn sâu trong một con hẻm, nếu không để ý kỹ sẽ rất khó để tìm thấy. Nhiều năm qua, nơi đây đã trở thành ngôi nhà ấm áp, là điểm tựa vững chãi để những đứa trẻ “đặc biệt” tự tin vượt lên số phận.
Hai chị em Thư và Đạt được các cô ở mái ấm Hướng Dương chỉ dạy những nét chữ đầu tiên
Những đứa trẻ “đặc biệt”
Vừa dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng, cô Vũ Thị Phương Thảo, quản lý tại Cơ sở Hướng Dương vừa cho biết, hiện nay các bé lớn đã đến trường học trực tiếp sau quãng thời gian dài ở nhà học online nên có hơi yên tĩnh và vắng một tí. Hiện tại, ở đây có 30 em, độ tuổi từ 5 - 18, trong đó có 24 trẻ mồ côi và 6 trẻ khuyết tật. Tất cả trẻ em ở đây đều có những hoàn cảnh đặc biệt. Có em thì mồ côi cha, mồ côi mẹ hoặc mồ côi cả cha lẫn mẹ. Có em thì bị khiếm khuyết một phần cơ thể. Cũng có những em gia đình có hoàn cảnh quá mức khó khăn nên gửi vào đây nhờ nuôi giúp.
Đi ngang một phòng học, tôi vô tình nghe thấy giọng tập đọc bi bô của một bé gái. Hỏi ra mới biết bé là Huỳnh Huyền Trang, quê ở tỉnh Bình Định, năm nay mới 5 tuổi. Tuy tuổi còn nhỏ nhưng Trang đã có “thâm niên” hơn 1 năm ở tại cơ sở này. Huyền Trang sớm phải chịu cảnh mồ côi mẹ khi mẹ bỏ đi không liên lạc được, còn cha thì sức khỏe yếu do bị tai nạn lao động. Năm 2021, em được mọi người đón về ngôi nhà này ở tới bây giờ. Khi thấy cô Thảo bước tới, Huyền Trang nhanh nhẹn đưa tập vở ra khoe thành quả của cả buổi sáng miệt mài. Nhưng khi thấy người lạ, ánh mắt Trang như thu lại, rụt rè và ít nói hẳn. Phải mất một lúc trò chuyện, làm quen, Huyền Trang mới chịu chia sẻ với chúng tôi: “Con chuẩn bị được vào lớp 1 rồi nên con phải cố gắng thật nhiều. Con cũng muốn học giỏi như mấy anh chị ở đây. Có học giỏi sau này mới làm cô giáo được”.
Em Huỳnh Huyền Trang nắn nót tập viết
Cô Thảo chỉ vào hai đứa bé đang ngồi tập viết cùng nhau ở phía sau và cho biết, đó là hai chị em Võ Anh Thư (12 tuổi) và Võ Tấn Đạt (11 tuổi), mới vào đây chưa lâu. Hai chị em theo cha mẹ từ tỉnh Cà Mau lên ở trọ tại huyện Bàu Bàng. Nhưng đợt dịch Covid-19 thứ tư vừa qua, mẹ các em mất do bị nhiễm bệnh, cha hai em cũng mất sau đó vài tháng do bệnh hiểm nghèo, ông bà hai bên già yếu không đủ điều kiện để nuôi. “Hai đứa vừa mới vào chưa quen nên chúng tôi hơi vất vả, suốt ngày hai bé khóc la đòi về, thu mình lại không chịu chơi với mấy anh chị. Sau một vài tháng, đến nay các bé đã quen dần và đã hòa đồng tốt hơn”.
Do hoàn cảnh nên dù năm nay đã 11 và 12 tuổi nhưng cả Đạt và Thư mới bắt đầu học chương trình lớp 1. Có mái tóc dài đen mượt với gương mặt tròn, đôi mắt sáng và nụ cười dễ mến, Anh Thư tâm sự: “Cha mẹ mất rồi nên nhiều khi con với em cũng buồn và nhớ lắm. Nhưng vào đây có mấy cô, mấy anh chị đều yêu thương và giúp đỡ chị em con nhiều nên chúng con cũng vơi bớt được phần nào. Vào đây chúng con còn được đi học để biết đọc, biết viết”.
30 cuộc đời với 30 hoàn cảnh khác nhau, đến từ các tỉnh, thành khác nhau nhưng tất cả trẻ em ở Cơ sở Bảo trợ xã hội nuôi dưỡng trẻ mồ côi và khuyết tật Hướng Dương đều sẽ được lớn lên và trưởng thành nhờ tình yêu thương của thầy cô ở đây. Có thể không bằng tình thương của cha mẹ ruột nhưng tất cả sẽ góp phần nào xoa dịu những mất mát, thiệt thòi mà các em gánh chịu. Nó sẽ tiếp thêm niềm tin cho các em về cuộc sống tươi đẹp hơn ở phía trước.
Ươm những mầm xanh
Cơ sở Hướng Dương nằm dưới chân dốc một con hẻm nhỏ ở khu phố 2, phường Mỹ Phước. Với không gian khá mát mẻ và yên tĩnh. Đây vừa là lớp học vừa là nhà của không biết bao nhiêu thế hệ trẻ khuyết tật, mồ côi. Cơ sở Hướng Dương hôm nay là một tập thể đoàn kết, gắn bó với nhau như người một nhà.
Thầy Nguyễn Thế Vinh, Giám đốc Cơ sở Hướng Dương, tâm sự: “Bản thân tôi cũng là một người khuyết tật nên khi nhìn thấy các em tôi như thấy được tuổi thơ của mình trong đấy. Sự đồng cảm đã thôi thúc tôi phải làm gì đó để có thể bảo vệ các em. Biết bao em đã trưởng thành từ nơi đây và gặt hái được nhiều thành công trong cuộc sống. Để có được Cơ sở Hướng Dương như ngày hôm nay, chúng tôi đã trải qua không biết bao nhiêu vất vả và khó khăn”.
Dù là một cơ sở bảo trợ xã hội nhưng đời sống vật chất, tinh thần của các em ở đây được các thầy cô chăm lo khá đầy đủ. Ngoài giờ học chính quy ở trường, các em còn được phụ đạo thêm các môn toán, lý, hóa, tiếng Anh do chính thầy Vinh và 5 thầy cô bộ môn giảng dạy. Điều làm chúng tôi khá bất ngờ chính là cơ sở còn có giáo viên nước ngoài tới trực tiếp giảng dạy kèm thêm tiếng Anh cho các em. Bên cạnh đó, các em còn được dạy ý thức lao động từ những việc nhỏ nhất trong nhà như dọn dẹp, trồng rau… đến kỹ năng sống và cách làm người.
Cứ như vậy, ròng rã hơn 10 năm qua, hễ có ai giới thiệu hoặc biết được những hoàn cảnh khó khăn thì thầy Vinh lại lặn lội khắp các nẻo đường từ Nam ra Bắc, đi tới nơi để xác minh hoàn cảnh và đón các em về Cơ sở Hướng Dương. Hơn một thập kỷ qua, từ mái ấm Hướng Dương đã có rất nhiều bạn đậu vào những trường đại học danh giá với số điểm cao, thậm chí là đạt được học bổng để đi du học nước ngoài.
Hơn 4 năm gắn bó với nơi đây, cô Vũ Thị Phương Thảo, chia sẻ: “Tôi đến với Cơ sở Hướng Dương như một cái duyên vậy. Từ lâu các bé đã xem chúng tôi như là mẹ, là cha. Mỗi lần có tâm sự gì các bé đều chủ động tìm tới tôi hoặc các cô khác để tâm sự, nhờ các cô đưa ra lời khuyên để các em có thể đưa ra những quyết định đúng đắn. Đến bây giờ, tôi vẫn không hối hận khi đến với đại gia đình Hướng Dương”.
Được sống dưới ngôi nhà tràn đầy tình cảm ấm áp, dù đã trưởng thành, rời mái ấm Hướng Dương để đi học hay đi làm và gặt hái được những thành công nhất định, nhưng các em vẫn luôn nhớ và quay về thăm thầy cô mỗi khi có dịp. Đó cũng là động lực giúp các thầy cô ở Cơ sở Hướng Dương tiếp tục sứ mệnh trở thành những người cha, người mẹ đỡ đầu cho các em nhỏ bất hạnh trên mọi miền đất nước.
Dù là một cơ sở bảo trợ xã hội nhưng đời sống vật chất, tinh thần của các em ở đây được các thầy cô chăm lo khá đầy đủ. Ngoài giờ học chính quy ở trường, các em còn được phụ đạo thêm các môn toán, lý, hóa, tiếng Anh do chính thầy Vinh và 5 thầy cô bộ môn giảng dạy. |
HỒNG PHƯƠNG