“Ngọn đèn trong bão lửa…”

Cập nhật: 26-04-2019 | 08:39:41

 “Cuộc đời má là khúc ca bi tráng như một “ngọn đèn” rực sáng trong đêm, trong bão lửa. Chính “Ngọn đèn” ấy đã thắp lên trong tôi nguồn cảm xúc vừa ngọt ngào nhưng cũng lắng đọng, vừa nồng ấm nhưng cũng ray rứt không nguôi”. Người má đã đi vào truyện ký “Ngọn đèn trong bão lửa” của tác giả Phạm Xuân Trường chính là má Sáu Ngẫu (tên thật là Huỳnh Thị Sáu) ở TX.Thuận An. Một bà má Nam bộ bình dị nhưng rất vẻ vang, kiên cường, đặc biệt là cả cuộc đời má đã dành cho cách mạng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Lời tri ân…

Tôi có dịp gặp anh Phạm Xuân Trường, tác giả cuốn truyện ký “Ngọn đèn trong bão lửa” tại nhà anh Huỳnh Văn Đức (con trai má Sáu Ngẫu) ở phường An Thạnh, TX.Thuận An. Như lời tác giả kể: “Tôi chưa được một lần gặp má mà chỉ nhìn thấy trong di ảnh và nghe nhiều người kể lại. Qua những lời kể quá đỗi tự hào ấy, má Sáu Ngẫu chính là một phụ nữ đặc trưng, tiêu biểu của bà má Nam bộ. Một trí thức tài trí, thông minh, một chiến sĩ cách mạng kiên trung quả cảm. Và với tôi, hình ảnh má gắn liền với hình ảnh trong đêm tối, ngọn đèn cháy sáng trong vườn cây, suốt 30 năm và sáng mãi không bao giờ tắt. Chính “ngọn đèn” ấy đã thắp lên nguồn cảm xúc ngọt ngào, nhưng cũng lắng đọng, vừa nồng ấm nhưng cũng day dứt không nguôi để quyển truyện ký “Ngọn đèn trong bão lửa” sau bao khó khăn, vất vả tìm kiếm thông tin, thu thập tài liệu, chắt lọc, gọt giũa… đã chính thức ra đời. Có thể chưa trọn vẹn nhưng đây chính là lời tri ân, là nén nhang tôi xin kính dâng với má Sáu Ngẫu, cùng những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất non sông này”.

Không riêng tác giả Phạm Xuân Trường, mà khi nói về má Sáu Ngẫu, ký ức của những người cùng thời đều có chung nhận xét: Má Sáu Ngẫu là người nhẹ nhàng, thông minh, hi sinh cả hạnh phúc riêng mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ông Lê Quốc Duy (tên thường gọi Ba Duy), nguyên Bí thư Huyện ủy Lái Thiêu, sau nhiều lần tai biến, phải ngồi xe lăn, nhưng đầu óc ông còn khá minh mẫn. Ông Lê Quốc Duy kể, học xong lớp 4 trường làng, gia đình nghèo không có tiền học tiếp nên ông nghỉ ở nhà phụ việc với ba mẹ. Hàng ngày, ông gánh củi ra chợ Búng bán mua gạo tiếp tế hậu cần cho cách mạng. Từ đó, ông biết má Sáu Ngẫu (ông gọi là chị) là cơ sở của đồng chí Năm Thuận, Bí thư Đảng ủy Lái Thiêu lúc bấy giờ. Đến năm 1973, ông nhận nhiệm vụ về công tác tại Lái Thiêu. Lúc này, má Sáu Ngẫu làm nhiệm vụ giao liên trên cứ, vận động các nhà tư sản không phá rừng; đồng thời ba của ông Lê Quốc Duy đưa tài liệu mật và truyền đơn cho má Sáu Ngẫu.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu và phu nhân thắp hương
tưởng nhớ má Sáu Ngẫu

Câu chuyện về má Sáu Ngẫu càng dâng trào khi đến thời khắc lịch sử của ngày 30-4-1975. Thời điểm này, mỗi ngày địch lại tăng cường thêm lực lượng cho Lái Thiêu. Lính từ Sài Gòn, Bình Dương, Phú Lợi đổ về. Lái Thiêu vốn là một quận lỵ sầm uất với những vườn cây ăn trái nổi tiếng khắp miền, nay trở nên ồn ào, chật chội. Lính về, tai họa đổ xuống đầu người dân. Đổ tiền, đổ lính vào những tuyến tử thủ, chỉ huy quân ngụy Sài Gòn hy vọng chặn đứng được các mũi tiến công của ta, có thể kéo dài thêm sự tồn tại của chính quyền tay sai Sài Gòn.

Riêng với má Sáu Ngẫu, theo lời kể của chị Huỳnh Thị Kim Ngân (con gái má Sáu Ngẫu) thì trong hai ngày 28 và 29-4, má đứng ngồi không yên. Má liên tục thúc giục đội du kích bám sát tình hình chiến sự ở phía Bến Cát và đường 13. Má tiếp tục xem xét kỹ tấm bản đồ thành đô Sài Gòn và cửa ngõ phía bắc, chuẩn bị cẩn thận những ý kiến tham mưu tác chiến của mình. Tấm bản đồ ghi lại vị trí đặc biệt các căn cứ lớn của địch, hệ thống giao thông và các lớp hỏa lực vòng ngoài từ khu vực nội thành đến cửa ngõ phía bắc và toàn bộ tuyến phòng thủ của địch ở TX.Thủ Dầu Một.

Tối 29-4-1975, linh cảm cho má biết giờ phút thực hiện ước mơ và tâm nguyện của chồng đã đến. Ngọn đèn dầu được thắp sáng từ lúc trời chưa tối. Và giờ “G” đã đến, khoảng 19 giờ tối ngày 29-4, đội quân tiên phong của Trung đoàn 27, Sư đoàn 320B đã đến nhà má...

Các cựu chiến binh Trung đoàn 27 viếng mộ má Sáu

Bà má “tham mưu”

Vẫn như mọi năm, dịp 30-4 năm nay, Ban liên lạc truyền thống Trung đoàn 27 tại TP.Hồ Chí Minh và miền Đông Nam bộ lại tổ chức họp mặt truyền thống tại nhà của má Sáu Ngẫu. Ngôi mộ má Sáu Ngẫu, nơi có cây đa do Thượng tướng, viện sĩ, tiến sĩ khoa học quân sự Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trồng lưu niệm đang tỏa bóng mát.

“Ngọn đèn trong bão lửa” thuộc thể loại truyện ký là tâm huyết với rất nhiều công sức, thời gian sưu tầm tư liệu, hình ảnh của tác giả Phạm Xuân Trường, Trưởng Chi nhánh Nhà xuất bản Quân đội nhân dân tại TP.Hồ Chí Minh. Cuốn sách như một lời tri ân sâu sắc đối với bà má miền Đông Nam bộ, hay còn gọi với biệt danh “Bà má Tham mưu” đã đóng góp sức lực, trí tuệ cho cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ, đi đến thắng lợi cuối cùng thống nhất non sông. Với lối viết dung dị, mộc mạc, tác giả Phạm Xuân Trường đã khắc họa rõ nét chân dung của má Sáu Ngẫu đầy giá trị nhân văn, nhân bản của người phụ nữ Việt Nam với phẩm chất “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.

Thắp nén nhang trên mộ má Sáu Ngẫu, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27 ngậm ngùi: “Mấy mươi năm qua, năm nào tôi cũng về đây họp mặt và thắp nén hương tưởng nhớ má Sáu Ngẫu. Nhưng mỗi lần trở lại nơi này đều mang đến cho tôi những cảm xúc khác nhau. Và năm nay, càng ý nghĩa hơn khi cuốn sách viết về má được ra mắt tại Bình Dương” .

Theo lời Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, trong thời khắc lịch sử ngày 30-4, nếu không có tấm bản đồ thành đô Sài Gòn và những thông tin má Sáu cung cấp kịp thời, có lẽ đến hôm nay, lịch sử anh hùng của Trung đoàn 27 đã phải viết lại. Vì vậy, dịp 30-4 hàng năm, các cựu chiến binh Trung đoàn 27 vẫn vượt hàng ngàn cây số từ mọi miền của Tổ quốc về đây để cùng nhau ôn lại kỷ niệm xưa và dâng hương tưởng nhớ má Sáu Ngẫu, bà má miền Nam có công với nước và với trung đoàn.

Hình ảnh chiếc đèn dầu và câu chuyện tấm bản đồ của má dù đã diễn ra cách đây 44 năm, nhưng với vị tướng một đời trận mạc như ông, vẫn nhớ như in từ cử chỉ, lời nói, hành động, đặc biệt là trí tuệ đáng kính của má. Nhờ có tấm bản đồ thành đô Sài Gòn cùng những chỉ dẫn tường tận của má Sáu đã giúp đơn vị ông hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Buổi họp mặt của những người lính Trung đoàn 27 diễn ra xúc động bùi ngùi. Những người lính trẻ hừng hực khí thế xung phong trong trận đánh cuối cùng năm xưa giờ đã trở thành những cụ ông, cụ bà tuổi 70, 80. Họ vẫn sôi nổi, nhiệt huyết, cùng nhau ôn lại ký ức hào hùng về một thời tuổi trẻ, về những kỷ niệm đẹp của Trung đoàn 27 anh hùng. Họ động viên nhau giữ vững khí tiết của người cộng sản, phẩm chất cao đẹp của “bộ đội Cụ Hồ” trong cuộc sống đời thường để làm chỗ dựa, tấm gương sáng cho con cháu noi theo...

 “Má Sáu được giao và hoàn thành tốt nhiệm vụ cơ sở mật. Không ai có thể liệt kê hết nhiệm vụ cơ sở mật gồm những gì, nhưng nhiệm vụ hàng đầu và xuyên suốt là “nắm bắt và cung cấp tình hình tổ chức, hoạt động bố phòng của địch, kịp thời báo cáo với tổ chức để xây dựng phương án tác chiến phù hợp. Có thể hiểu đơn giản, cơ sở bí mật không chỉ là tai mắt của cách mạng mà còn là một cán bộ tham mưu tác chiến...”

(ông Lê Quốc Duy, nguyên Bí thư Huyện ủy Lái Thiêu)

 

THU THẢO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=712
Quay lên trên