Năm 2022, ngành ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã có rất nhiều nỗ lực để triển khai áp dụng nhiều chương trình hỗ trợ tín dụng cho khách hàng, doanh nghiệp (DN) chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi trong các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất nhập khẩu, DN nhỏ và vừa… đã được triển khai phần nào hỗ trợ được DN bước qua những khó khăn lớn trong giai đoạn hậu Covid-19.
Tuy vậy, khó khăn vẫn chưa được đẩy lùi khi trong cả năm 2022, tín dụng toàn hệ thống tăng 14,5%, mức tăng cao nhất 5 năm trở lại đây trong bối cảnh các điều kiện tài chính thắt chặt hơn. Trong đó, “room” tín dụng luôn là vấn đề nóng khiến nhiều DN thấp thỏm, lo âu. Năm 2023, nhiều DN mong muốn sớm được tiếp cận các gói vốn vay để duy trì, bảo đảm sản xuất trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động, nhất là sớm tiếp cận các chương trình hỗ trợ lãi suất vay để có thêm vốn phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, các DN nhỏ và vừa hy vọng sẽ tiếp tục có các gói hỗ trợ tín dụng để có thể tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi, bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong đó có chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh 2% lãi suất khi vay vốn ngân hàng thương mại… Tuy nhiên, một trong những vấn đề lớn nhất hiện nay là các đối tượng này đang khó tiếp cận gói vay hỗ trợ lãi suất 2% do không đủ điều kiện đáp ứng.
Cụ thể, không được giải ngân vì thiếu tài sản thế chấp; không có hóa đơn đỏ theo yêu cầu mà chỉ có hóa đơn bán lẻ, địa phương chưa có quy định về thu nhập thấp nên không biết căn cứ vào đâu để xác định… Bên cạnh đó, không ít DN cho biết họ không muốn vay gói hỗ trợ do quy trình, thủ tục rắc rối, phức tạp, từ đăng ký, phê duyệt, giải ngân, quyết toán… Thậm chí, có DN còn lo ngại về việc bị các cơ quan quản lý kiểm tra, thanh tra trước, trong và sau khi nhận khoản vay hỗ trợ lãi suất. Để “khơi thông” gói hỗ trợ lãi suất, đề xuất Chính phủ tháo gỡ cơ chế giảm bớt thủ tục hành chính, mở rộng đối tượng... để DN có thể tiếp cận được gói hỗ trợ lãi suất 2% nhiều hơn.
Các DN lớn kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2023 ở mức độ vừa phải. Tuy vậy, DN cũng dự đoán hạn mức tăng trưởng tín dụng có thể tiếp tục xoay quanh khoảng 13-14% trong năm mới, với việc tiếp tục tập trung kiểm soát chất lượng tín dụng trong bối cảnh rủi ro nợ xấu vẫn ở mức cao.
Theo NHNN Việt Nam - chi nhánh tỉnh, trong năm 2023, trên cơ sở chỉ đạo của NHNN Việt Nam về đẩy mạnh triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31 và Thông tư 03/2022/ TT-NHNN, NHNN Việt Nam - chi nhánh tỉnh sẽ tiếp tục triển khai đến các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông về chính sách hỗ trợ lãi suất để khách hàng nắm bắt được thông tin và sớm được tiếp cận chính sách trên cơ sở tuân thủ quy định pháp luật.
KHẢI ANH