Đang ngồi làm việc, bỗng dưng nghe tin Trần Bình Dương mất, đầu óc tôi trở nên choáng váng, chao đảo! Mới ngồi với anh đây mà! Sao anh ra đi đột ngột, anh bỏ chúng tôi - những người viết văn luôn quý trọng và thương yêu anh, xem anh là chỗ dựa tinh thần để chúng tôi nương náu niềm đam mê văn chương.
Nhà văn Trần Bình Dương luôn nhận được sự quý mến của các đồng nghiệp trẻChúng tôi quen gọi Trần Bình Dương là anh Châu, đó là tên thân mật, nhưng Trần Bình Dương là bút danh đã thành danh từ trước ngày giải phóng đất nước. Thế mạnh của anh là văn xuôi, đặc biệt là truyện ngắn. Thỉnh thoảng anh đi lạc vào vườn thơ, sáng tác cải lương... nhưng đó là những lần dạo chơi đầy ngẫu hứng. Những tác phẩm của Trần Bình Dương ít nhiều đã để lại dấu ấn trong lòng bạn đọc, dấu ấn trong văn chương trước và sau giải phóng. Với chúng tôi, Trần Bình Dương mãi mãi là một người thầy đức độ, người anh và cũng là người bạn tri âm. Mỗi lần đàm đạo về văn chương tỉnh nhà, chúng tôi thấy anh trăn trở, lo toan khi chúng tôi cợt nhã, xem văn chương như cuộc dạo chơi. Có lúc, chúng tôi không dám ra Hội Văn học - Nghệ thuật, sợ anh đòi tác phẩm, sợ phải nghe những lời nhắc nhở phải cố gắng viết lách... Sợ mà thương lắm, thương ngày chưa biết nhau, anh gọi điện hỏi về gia cảnh, hỏi viết văn thế này sao làm trái nghề và anh chùng xuống khi tôi bảo văn chương bao giờ nuôi được ai đâu! Thương anh suốt ngày phải đọc bao nhiêu tác phẩm gửi về để chăm chút cho đặc san Văn nghệ Bình Dương, số nào có anh em văn chương Bình Dương tham gia đông, anh phấn chấn ra mặt, số nào ít tham gia, anh nhìn vào tờ báo mà chao chát xốn xang. Phát hiện được cây bút nào trong tỉnh, anh tìm cách trò chuyện để khuyến khích động viên. Anh là vậy đấy, vướng vào nghiệp văn chương để lận đận cả đời!
Cách đây hơn năm, ngày anh bạo bệnh, chúng tôi đến Bệnh viện Chợ Rẫy thăm anh nhưng không vào được vì hôn mê sâu. Hôm đó, anh em đông lắm, ai cũng lóng ngóng bên ngoài, mới chợt thấm thía cái tình trong giới văn chương, nhưng có lẽ, vì chính cái tình của anh dành cho mọi người. Sau đó anh bình phục và trở lại công việc thường ngày. Dạo gần đây, thấy anh da dẻ hồng hào, chúng tôi thấy vui khi anh bảo nhậu được chút chút. Trong những ngày qua, anh lo tất bật cho chuyến giao lưu, dự trại sáng tác tại Đà Lạt do hội tổ chức. Vậy là lỗi hẹn Châu nhé! Chúng tôi sẽ thu lượm được gì cho tác phẩm của mình khi anh đang nằm đây, lạnh lẽo và buồn bã quá. Ngồi viết những dòng này, tôi phải liên tục ngừng lại để nghe tiếng khóc của Cát Du qua điện thoại, của Lê Minh Vũ, Chu Ngạn Thư... và sẽ nhiều người nữa, Châu ơi!
Rồi đây, mỗi lần ra hội sẽ không còn ai đòi tác phẩm, không ai nhắc nhở chúng tôi viết lách. Anh bỏ văn chương tỉnh nhà mà đi, bỏ chúng tôi với nỗi buồn ngơ ngác. Đành vậy, sao cãi được mệnh trời, nhưng ra đi đột ngột thế này thì đau lắm! Thôi thì ngủ ngon, Châu nhé! Nhưng chúng tôi luôn mãi nhớ anh, nhớ người thầy, người anh, người bạn tri âm luôn có tấm lòng mà như bài hát anh thích: “Sống trong đời sống cần có những tấm lòng, để làm gì em biết không! Để gió cuốn đi...”.
LƯU THÀNH TỰU