Ngừng mua tạm trữ gạo có hợp lý?

Cập nhật: 20-07-2011 | 00:00:00

Việc VFA từ “rục rịch” rồi công bố tạm ngừng mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo hè thu từ ngày 15.7 đã khiến dư luận “nổi sóng” với đa chiều thông tin. Bình tĩnh nhìn nhận, bên cạnh “giải pháp” nhằm giảm sức ép để DN thêm lợi nhuận vì trót ký hợp đồng trước với giá thấp, thì việc ngừng mua cũng có phần hợp lý...

Chủ trương mua tạm trữ lúa gạo của Chính phủ được thực hiện lần đầu tiên năm 2010 cho 2 vụ lúa đông xuân và hè thu, xuất phát từ việc giá lúa gạo tụt, nông dân thua lỗ. Theo Quyết định 993 của Thủ tướng (về việc mua tạm trữ lúa gạo hè thu 2010) thì Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất cho DN thu mua tạm trữ. Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát nói, mục tiêu của mua tạm trữ gạo là tăng cường sức mua trên thị trường, kích thích giá lên theo hướng có lợi cho bà con nông dân.   

Năm 2011 này, với vụ lúa hè thu, VFA đã đề ra kế hoạch phân bổ chỉ tiêu cho các DN mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo từ ngày 1.7.2011. Tuy nhiên khi cận kề, đúng vào lúc lúa hè thu thu hoạch, tại cuộc họp ngày 5.7.2011, ông Trương Thanh Phong (vừa được tái đắc cử Chủ tịch VFA) đã đặt ra câu hỏi “định hướng” cho các DN: Có nên tiếp tục chương trình mua tạm trữ nữa hay không? Trong hàng chục DN xuất khẩu gạo là hội viên VFA, chỉ có khoảng 4-5 ý kiến cho rằng nên ngừng, còn lại... im lặng! 

Thu hoạch lúa hè thu năm 2011.    Ảnh: Ngô Sơn  Thu hoạch lúa hè thu năm 2011

Bởi VFA gần như nắm trọn đầu ra của lúa gạo, chỉ một “động tác lạ” sẽ gây biến động lớn; điều này không phải lần đầu tiên, mà hầu như trở thành “căn bệnh” khi cứ vào vụ thu hoạch rộ, VFA lại có những “động tác” khiến nông dân bất an. Ở vụ hè thu này, theo nguồn tin đáng tin cậy của chúng tôi, mục đích “đính kèm” trong việc ngừng mua tạm trữ của VFA là nhằm “hạ nhiệt” thị trường lúa gạo, giảm sức ép lợi nhuận cho một số DN đã trót ký hợp đồng giá thấp từ hồi tháng 5, tháng 6. Theo số liệu thống kê của VFA, khoảng 1,3 triệu tấn gạo phải giao trong tháng 7 này là của các hợp đồng ký trong hai tháng 5 và 6. Tại thời điểm đó, giá gạo trên thị trường thế giới xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2011. Chẳng hạn, gạo 5% tấm của Thái Lan từ mức 530USD/tấn vào tháng 1 đến tháng 5 năm nay giảm còn 470USD. Gạo 5% tấm được DN Việt Nam bán ra ở mức giá từ 460 – 470USD/tấn. Vì vậy, nếu chưa có đủ hàng trong kho, DN mua vào thời điểm này dính phải giá cao, tuy không lỗ nhưng lợi nhuận có thể tụt đến mức hòa. Và mục đích “đính kèm” này đã đạt được kết quả nhất thời. Ngay khi VFA công bố vấn đề trên, ngay thời điểm thu hoạch rộ đã khiến nông dân lo lắng, thương lái e dè khi mua. Giá lúa ở ĐBSCL đã chững lại, thậm chí tụt giá khoảng 200-300 đồng/kg, chỉ còn khoảng 6.150-6.250 đồng/kg lúa hạt dài... Tuy nhiên, sự biến động chỉ kéo dài trong vài ngày. Bởi nhu cầu thị trường, hiện tại các tỉnh ĐBSCL thì giá lúa ở đây đã tăng trở lại, thậm chí có nơi lên 6.400 đồng/kg lúa loại 1; 6.200 đồng/kg lúa loại 2. Gạo nguyên liệu các loại tăng từ 8.250 đồng/kg đến 8.350 đồng/kg. Một DN thu mua xuất khẩu gạo lớn cho biết, giá tăng nhưng không đủ để DN thu mua, thì lấy đâu ra tạm trữ nữa! Và lần đầu tiên, DN này (vốn hay phản biện với VFA) đã cho rằng giải pháp tạm dừng mua tạm trữ là hợp lý! Chỉ tiếc “mục đích đính kèm” của VFA không như mong muốn. Về lâu dài, nhiều chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần bổ sung thêm mục tiêu mua tạm trữ, không chỉ để giải cứu nông dân, mà cần thêm để bình ổn nguồn cung cho xuất khẩu, bởi sau ngày 1.10.2011 những DN muốn được xuất khẩu phải có kho trữ lúa gạo đủ công suất theo quy định. Khi mục tiêu tạm trữ được bổ sung, thì DN hay VFA khó lòng “vin” vào con số “đảm bảo lợi nhuận tối thiểu 30% cho nông dân” để gây biến động thị trường, ép ngưỡng giá mua, thay vì để nông dân hài hòa lợi ích với DN.

Sau đó ít ngày, VFA công bố tạm dừng mua tạm trữ, với lý do cũng không trật với chủ trương Chính phủ:  Hiện giá lúa đã trên 5.700 đồng/kg, sau khi trừ chi phí khoảng 3.500 đồng/kg thì người trồng lúa đã có lãi hơn 62% và trong dân cũng không còn lúa tồn đọng để mua. Tuy nhiên, để chủ động đối phó với tình huống bất ngờ có thể xảy ra, VFA cho rằng vẫn giữ nguyên kế hoạch mua tạm trữ, nhưng không ấn định thời gian mà chung chung rằng sẽ mua trở lại khi giá xuống thấp dưới 5.000 đồng/kg để đảm bảo nông dân có lợi nhuận tối thiểu 30%. Theo Lao Động
Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên