Người bệnh đái tháo đường trước đại dịch Covid-19

Cập nhật: 12-11-2021 | 06:02:14

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, người bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) có nguy cơ cao mắc bệnh và dễ bị diễn biến nặng. Để phòng tránh được nguy cơ lây nhiễm bệnh Covid-19, an tâm sống khỏe, người bệnh ĐTĐ cần nhanh chóng tiếp cận dịch vụ y tế để ngăn ngừa biến chứng sớm và tử vong.

 Nhiễm Covid-19, người bệnh ĐTĐ dễ biến chứng nặng

Hiện nay chưa có số liệu nào cho thấy người bệnh ĐTĐ dễ bị nhiễm vi rút SARS-CoV-2 hơn người bình thường. Nguy cơ nhiễm bệnh phụ thuộc sự lây lan trong cộng đồng và khả năng thực hiện các biện pháp bảo vệ như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, giữ khoảng cách tiếp xúc ít nhất 2m. Vấn đề của người bệnh ĐTĐ trong đại dịch Covid-19 là dễ bị các biến chứng nặng hơn và làm ảnh hưởng đến kết quả điều trị.

Tiến sĩ Văn Quang Tân, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: “Khi bị nhiễm vi rút SARS-CoV-2, người bệnh ĐTĐ thường có triệu chứng nặng hơn, biến chứng nặng hơn và dễ tử vong hơn so với người bình thường. Nguy cơ bị bệnh nặng sau khi nhiễm vi rút SARS-CoV-2 không khác biệt giữa ĐTĐ tuýp 1 và ĐTĐ tuýp 2 nhưng có thể khác biệt tùy theo tuổi của bệnh nhân. Với bệnh nhân trên 70 tuổi khó kiểm soát đường huyết hoặc để đường huyết dao động nhiều thì dễ sinh ra các biến chứng mạn tính, nhất là biến chứng tim mạch, biến chứng thận…, là những yếu tố dự báo bệnh nặng và nguy cơ tử vong cao”.

Người bệnh đái tháo đường cần nhanh chóng tiếp cận dịch vụ y tế để ngăn ngừa biến chứng sớm và tử vong do nhiễm Covid-19 (ảnh minh họa)

Nhấn mạnh nguyên nhân người bị bệnh ĐTĐ nhiễm Covid-19 dễ bị biến chứng nặng và tử vong, tiến sĩ Văn Quang Tân lưu ý 3 nguyên nhân chính: Hệ miễn dịch ở bệnh nhân ĐTĐ yếu, khó đánh bại vi rút, làm kéo dài quá trình hồi phục. Cùng với đó, bệnh nhân có biến chứng hoặc bệnh đi kèm như bệnh tim mạch, tăng huyết áp… làm bệnh nặng thêm. Đường huyết cao cũng có thể là môi trường tốt cho vi rút phát triển. Vì vậy, kiểm soát đường huyết tốt là việc rất quan trọng với người bệnh ĐTĐ. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, người bệnh ít đi lại, ít tập thể dục, ăn uống kém và ít trao đổi về tình hình bệnh với bác sĩ đã dẫn đến kiểm soát đường huyết kém ở bệnh nhân ĐTĐ. Ngay từ lúc này, người bệnh ĐTĐ cần khắc phục hạn chế, tiếp cận với dịch vụ y tế để chăm sóc sức khỏe trong đại dịch.

Theo các chuyên gia y tế, dường như những yếu tố nguy cơ gây hại cho bệnh nhân ĐTĐ tuýp 2 là có các bệnh đồng mắc đi kèm. Một trong những nguy cơ này là thừa cân. Người bệnh cần có chế độ ăn uống tiết chế và tập thể dục đều đặn, cần nỗ lực để giảm cân nặng xuống gần mức bình thường và tăng dự trữ hô hấp; hạn chế đi lại, tuân thủ các khuyến cáo của các cơ quan y tế giúp giảm nguy cơ liên quan đến Covid-19. Đặc biệt, người bị ĐTĐ cần tiêm vắc xin ngừa Covid-19 để tạo “lá chắn” bảo vệ bản thân trước dịch bệnh.

Tiếp cận dịch vụ chăm sóc bệnh ĐTĐ

ĐTĐ là một trong những bệnh không lây nhiễm phổ biến trên toàn cầu. Theo Liên đoàn ĐTĐ thế giới, 463 triệu người lớn (độ tuổi 20 - 79) đang sống với bệnh ĐTĐ. Dự đoán vào năm 2045, con số này sẽ tăng tới khoảng 700 triệu người. Tuy nhiên, gần một nửa số người đang sống với bệnh ĐTĐ không được chẩn đoán (46,5%). Tỷ lệ này ở khu vực Tây Thái Bình Dương là 52,1%. Tại Việt Nam, ĐTĐ đã và đang ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người và đặt một gánh nặng không nhỏ lên hệ thống y tế. Khoảng hơn 3,5 triệu người Việt đang mắc ĐTĐ. Tình hình kiểm soát ĐTĐ ở Việt Nam còn nhiều thách thức. Chỉ có hơn 31% người bệnh ĐTĐ được chẩn đoán, trong số các bệnh nhân được chẩn đoán chỉ có gần 29% người được điều trị.

ĐTĐ là bệnh mãn tính, đặc trưng bởi lượng đường trong máu tăng cao. Các triệu chứng điển hình của bệnh ĐTĐ thường gặp là mệt mỏi, khát nước, cảm giác đói liên tục, giảm cân, nhu cầu tiểu tiện tăng, vết thương lâu lành... Tuy nhiên, một số người bệnh ĐTĐ có các triệu chứng ít rõ ràng nên bệnh có thể được chẩn đoán muộn, khi đã phát sinh các biến chứng. Bệnh ĐTĐ gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm, là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tim mạch, mù lòa, suy thận và cắt cụt chi. Ngày ĐTĐ thế giới được Hiệp hội ĐTĐ Thế giới (IDF) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức lần đầu tiên vào 14-11-1991, nhằm nâng cao nhận thức toàn cầu về ĐTĐ và các biến chứng của bệnh. Chủ đề Ngày ĐTĐ Thế giới năm 2021 là “Tiếp cận dịch vụ chăm sóc bệnh ĐTĐ - Nếu không phải bây giờ thì lúc nào?” nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về sự cần thiết của phát hiện sớm và điều trị ĐTĐ để ngăn ngừa biến chứng sớm và tử vong.

Hiện đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới. Những người có nguy cơ cao trong đại dịch Covid-19 là những người có các bệnh lý nền, trong đó có bệnh ĐTĐ. Vì thế, nâng cao sự tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế đối với người bệnh ĐTĐ mang ý nghĩa rất quan trọng. Hãy theo dõi sức khỏe, phát hiện và chẩn đoán sớm bệnh ĐTĐ cho bạn và những người xung quanh.

 HOÀNG LINH - DIỆU HƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1578
Quay lên trên