Người bệnh thêm khổ vì giá thuốc tăng

Cập nhật: 09-03-2011 | 00:00:00

"Việc chữa trị của cháu không biết đến bao giờ mới có kết quả, thế mà thuốc cứ âm thầm tăng giá. Hôm nay thuốc này tăng thì lần sau đến thuốc khác tăng, ít thì một vài nghìn đồng nhiều thì 20-30.000 đồng. Hai vợ chồng đều là công chức với đồng lương còm cõi thì không hiểu có thể lo cho con đến bao giờ", anh Phúc buồn bã nói.

Chị Thanh (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: "Gia đình mình chưa có ai bị bệnh mãn tính nên chi phí thuốc thang cũng không phải là gánh nặng gì lớn. Nhưng khi nào bị mấy bệnh lặt vặt như sốt, cảm cúm, đau đầu đi mua thuốc thì thấy nhiều khi cách một tháng đã tăng dù không nhiều".

Chẳng hạn, theo chị thuốc Rerofast 60, chữa viêm mũi dị ứng theo mùa đầu năm nay chỉ có gần 40.000 đồng một hộp thì sau một tháng đã tăng lên gần 43.000 đồng. Hay thuốc Ambroxol 30mg có tác dụng làm long đờm, giảm khó thở... đã tăng lên hơn 1.000 đồng (lên 14.000 đồng một hộp).

Từ đầu năm đến nay thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã nhận được báo cáo điều chỉnh giá thuốc của hơn 20 công ty dược. Theo đó, 240 trong số 4.000 loại thuốc đã tăng với biên độ điều chỉnh 3-30%. Lý do mà các hãng dược đưa ra cho việc tăng giá vẫn là giá nguyên phụ liệu, tỷ giá ngoại tệ, giá vận chuyển, chi phí bán hàng... đều tăng.

Mặt hàng thuốc tăng giá chủ yếu vẫn tập trung ở nhóm thuốc kháng sinh, giảm đau, chống viêm, tim mạch, tuần hoàn não... Chẳng hạn, thuốc tuần hoàn não Cavinton F 10 mg tăng từ 3.360 lên 4.515 đồng một viên hay thuốc kháng sinh Clorocid 0,25g tăng tới 26%.

Tuy nhiên có một thực tế là giá bán hàng dù đã tăng cũng còn kém xa so với giá kê khai. Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, có tới 70% thuốc tăng giá lần này mới ở mức 70% giá kê khai.

Cụ thể, trong buổi kiểm tra giá thuốc vào ngày 3/3 của thanh tra Sở tại Trung tâm thuốc Ngọc Khánh, thuốc Calcium folinate 0,1g, của Ebewe, Áo tăng từ 177.450 đồng một hộp lên 183.750 đồng. Trong khi đó, giá kê khai từ ngày 31/12/2007 báo cáo Sở Y tế Hà Nội lại đã lên tới 256.244 đồng. Như vậy với mức tăng 6.300 đồng trong đợt điều chỉnh giá này thì hãng dược vẫn có thể tăng 11 lần nữa giá thuốc mới chạm mức giá đã kê khai.

Hay thuốc điều trị ung thư Palitaxel 100mg, giá kê khai từ tháng 7/2008 đã là 5.355.000 đồng, nhưng giá mới được điều chỉnh tăng lên cũng chỉ có 4.265.730 đồng (thấp hơn 1 triệu so với giá kê khai).

Cũng vì thế dù doanh nghiệp tăng giá thuốc nhưng vẫn đúng luật vì không tăng vượt quá mức giá kê khai tại Cục Quản lý dược (Bộ Y tế).

Trước thực tế bất hợp lý này, mới đây Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã yêu cầu Cục Khám chữa bệnh, Cục Quản lý dược, Vụ Kế hoạch tài chính kiểm tra việc tăng giá thuốc của nhiều doanh nghiệp. Đồng thời, yêu cầu Cục Quản lý Dược xem xét lại việc kê khai giá thuốc của các doanh nghiệp.

Hiện nay, thị trường thuốc được nhà nước quản lý thông qua giá nhập khẩu, thống nhất giá bán buôn trên toàn hệ thống. Giá thuốc là do doanh nghiệp tự kê khai đăng ký với Cục dược (căn cứ trên giá nhập khẩu, chi phí vận chuyển, bảo quản, nhân công, lợi nhuận hợp lý...). Khi có sự điều chỉnh tăng giá thì doanh nghiệp gửi văn bản lên Cục để xem xét.

Với những người thi thoảng mới mắc bệnh thì việc tăng một vài nghìn, thậm chí chục nghìn không phải là vấn đề lớn. Nhưng với những bệnh nhân nghèo mắc bệnh mãn tính như hen, huyết áp cao, viêm gan... thường xuyên phải dùng thuốc có tháng lên đến tiền triệu thì việc tăng giá thuốc dù ít hay nhiều đều thực sự là một gánh nặng với họ.

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên