(BDO) Ở nhiều nơi, mùa lễ hội du khách rất sợ nạn chặt chém. Đối với Bình Dương lễ hội là dịp để bày tỏ sự thân thiện và lòng hiếu khách. Lễ hội Rằm tháng Giêng nói chung, Chùa Bà nói riêng, nhiều năm qua được người dân trong và ngoài tỉnh gọi với cái tên thân thương “Lễ hội miễn phí”
Niềm vui của người vác tù và
Dưới cái nắng gắt, dòng khách hành hương chật con đường Yesin dẫn về chùa Bà, bà Châu Thị Thanh Tùng đon đả mời chào khách hành hương nhận quà là những chai nước suối, nước sâm được thành viên trong nhóm Áo tím hoa tình thương chuẩn bị kỹ càng. Năm nay gần 70 tuổi, bà Tùng đã có hơn mười năm phục vụ “không công” cho lễ hội. Không những thế những phần nước uống này lấy kinh phí từ tiền tiết kiệm của chị em trong nhóm.
Nhóm Áo tím hoa tình thương sẵn sàng trao tặng nước miễn phí cho du khách (ảnh: Công Khanh)
Nở nụ cười trên gương mặt mồ hôi nhễ nhãi, bà Tùng nói: “Mình không có gì, chỉ có tấm lòng đãi khách phương xa”. Những thành viên trong nhóm Áo tím hoa tình thương đều là những phụ nữ lớn tuổi, có người đã lên chức bà. Niềm vui của họ chỉ đơn sơ như vậy. Cho đi sự tử tế, nhận lại được niềm vui vì đã san sẻ với mọi người.
Nằm khép bên góc đường, tiệm sửa xe “độc lạ Bình Dương” của chàng đầu bếp Lê Văn Hiếu vẫn nườm nượp khách. Kể ra cũng “ngộ lắm à nhen!”. Khách chẳng may vị thủng lốp xe, được anh Hiếu tận tình sửa chữa. Khách chưa kịp hỏi giá tiền thì đã được anh tặng ngay chai nước miễn phí. Khách mỉm cười hài lòng, khẽ gật đầu cám ơn!
Chàng đầu bếp Lê Văn Hiếu, có mức lương khủng hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Nay lễ hội diễn ra nhộn nhịp, chàng đầu bếp xin nghỉ phép luôn cả chục ngày, ra góc đường làm thợ sửa xe cho du khách. Niềm vui “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” trong mùa lễ hội của anh chàng đầu bếp là vậy…
Chị Trần Thị Như, phường Chánh Nghĩa cũng là người thích chuyện “bao đồng”. Công việc nhà, con cái lúc nhúc chị giao hết cho chồng. Chị ra góc đường Cách mạng tháng Tám trao bánh mì cho khách hành hương. Khách mua bánh mì không phải trả tiền, còn được chị Như lì xì cho nụ cười tươi rói: “Ăn đi anh, bánh mì còn nóng”. Gặng hỏi chị, chắc nhà chị có điều kiện lắm mới đi phát bánh mì miễn phí? Chị trả lời: “Làm công nhân thì lương bao nhiêu hả anh?”
“Người Bình Dương dễ thương quá chừng!”
Không khó để nhận ra những thùng nước suối được chất dọc trục các con đường Quốc lộ 13, đường Cách mạng tháng Tám, Yersin, Thích Quảng Đức… Không phân biệt khách có đi lễ hội hay không, bất kỳ ai cũng có thể đến lấy nước uống. Ngoài ra, cứ đến dịp này hàng năm, nhiều gia đình lại chuẩn bị sẵn hàng trăm suất bánh mì chay, cơm chay để phục vụ bà con đi lễ chùa. Có gia đình còn nấu thêm nước sâm lạnh, sữa đậu nành để cho khách hành hương giải khát giữa tiết trời oi bức.
Anh Nguyễn Ngọc Hải Lâm, du khách đến từ Vũng Tàu chia sẻ, anh đã tham dự rất nhiều lễ hội từ Nam ra Bắc. Nạn chèo kéo khách, móc túi, vấn nạn chặt chém là nỗi sợ của anh. Vậy mà lễ hội Chùa Bà vẫn diễn ra hết sức an toàn. Anh Lâm được trải nghiệm các dịch vụ hoàn toàn miễn phí, thậm chí nhang đèn dâng cúng Phật cũng được người dân tặng. Anh chia sẻ, giá giữ xe trong mấy ngày lễ hội ở một số địa phương cũng đã “đội giá” lên mấy lần. Vậy mà Bình Dương giữ xe cũng miễn phí…
Bà Lê Thị Cúc đến từ Đồng Nai cho hay, nghe tin lễ hội chùa Bà miễn phí hoàn toàn rất lâu, nhưng năm nay bà mới có dịp về Bình Dương chơi lễ. Bà đi xe bus từ bến xe Biên Hoà về bến xe Bình Dương. Tại đây, bà lại được mấy anh chàng xe ôm chở miễn phí về chùa Bà. Trong suốt quảng đường tới chùa Bà, bà Cúc được anh chàng xe ôm mặc áo xanh thanh niên tình nguyện, mặt trẻ măng, hỏi thăm đủ thứ chuyện. Lo bà lỡ chuyến xe bus, anh chàng còn cho biết lịch trình tuyến xe bus Bình Dương về lại Biên Hoà. Bà xúc động không nói nên lời. Hóa ra lễ hội miễn phí còn được “khuyến mãi” thêm sự quan tâm hết sức chân thành.
Gia đình anh Nguyễn Thanh Liêm ở Bến Lức, Long An gồm 6 người cùng về Chùa Bà trẩy hội. Không riêng gì ở Chùa Bà, các điếm đến tâm linh khác như chùa Hội Khánh, chùa Tây Tạng… gia đình anh cũng đều được phục vụ miễn phí. Anh chưa thấy lễ hội nào thân thiện và đầy nghĩa tình đến vậy!
Anh còn rất ấn tượng bởi lễ hội chùa Bà không có ăn xin, không có tệ nạn mê tín dị đoan, bói toán tràn lan như các lễ hội tâm linh khác. Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu đã trở điểm đến tâm linh hết sức thú vị của khách hành hương trong và ngoài tỉnh bởi những dấu ấn rõ nét mà lễ hội đem lại.
Một lễ hội với nhiều dịch vụ miễn phí, được đông đảo người dân nhiệt tình tham gia. Nói như chị Nguyễn Thị Thu Lan, vợ anh Nguyễn Ngọc Hải Lâm, thì “Người Bình Dương dễ thương quá chừng!”
Phùng Hiếu