Người Bình Dương, từ dân cố cựu đến thị dân hiện đại

Cập nhật: 16-01-2023 | 05:45:43

Xã hội đô thị ở Bình Dương đã nhanh chóng định hình, phát triển với nhân tố trung tâm là tầng lớp thị dân đã dần dần xuất hiện. Đó là quá trình chuyển biến sâu rộng cả về kinh tế - xã hội và con người. Trong đó người Bình Dương, từ dân cố cựu đã dần trở thành thị dân hiện đại.

 Người Bình Dương cố cựu

Theo chiều dài lịch sử, mẫu người Bình Dương cố cựu sớm hình thành với các đặc tính riêng, đậm dấu ấn của tự nhiên và nhân văn vùng đất và con người địa phương.

Vùng đất huyện Bình An xưa, Thủ Dầu Một thời Pháp và Bình Dương hiện nay có những khác biệt với các vùng, miền khác. Cùng là Nam bộ nhưng Bình Dương không nhiều sông, rạch, hàng năm không có mùa nước nổi như đồng bằng sông Cửu Long. Do vậy mà người Bình Dương xưa nay không phải là dân sông nước. Bình Dương cũng không có nhiều núi đồi như ở Tây nguyên và một số nơi khác nên dân Bình Dương cũng không phải là người cao nguyên, miền núi.

Nằm cạnh Sài Gòn - Chợ Lớn nhưng trong lịch sử, Bình Dương không phải là vùng sớm phát triển công nghiệp và đô thị. Thời phong kiến, xứ Bình An có một vài khu chợ cổ nhưng không có đô thị cổ. Thời Pháp thuộc, tỉnh Thủ Dầu Một chỉ có hai khu vực tạm gọi là đô thị thuộc địa (loại nhỏ) là tỉnh lỵ Phú Cường và quận lỵ Lái Thiêu. Hai nơi này sau đó cũng chẳng phát triển mấy trong thời chiến tranh Việt Nam. Nói cách khác, cư dân Bình Dương cố cựu chưa từng là thị dân hay lao động công nghiệp đúng nghĩa. Cũng như vậy, do Bình Dương ít đồng ruộng, không phải là vùng “cò bay thẳng cánh”, không phổ biến trồng lúa nên Bình Dương hoàn toàn không có dân vùng lúa, ở Bình Dương chưa hề có những anh Hai Lúa các dạng…!


Lái Thiêu mùa trái chín. Ảnh: QUỐC CHIẾN

Văn minh miệt vườn tạo nên những mẫu người tiêu biểu của nó. Mẫu người đó không mất gốc vườn rẫy, vẫn giữ đạo lý truyền thống nhưng đã thích nghi với nề nếp kinh doanh và sinh hoạt phố thị. Với họ, lối sống ở vườn hài hòa với chợ, kinh doanh gắn liền canh tác; sống chan hòa với người cùng vườn quê, giao dịch, hợp tác làm ăn với người ở chợ, cả người Hoa, người phương Tây, người Công giáo hay Phật giáo. Họ vẫn gần gũi với làng quê vườn rẫy nhưng cũng không hề xa lạ, bỡ ngỡ với chợ phố, kinh doanh… Ta gọi chung đó là người miệt vườn Bình Dương.

Thời trước, người miền Nam thường gọi dân Bình Dương là người miệt vườn để chỉ lớp cư dân sống ở các vùng đất vườn cây trái ven sông Sài Gòn ở Lái Thiêu và Thủ Dầu Một. Tất nhiên ở Bình Dương còn có miệt rẫy. Rẫy thật ra là vườn ở vùng đất gò. Cả vườn và rẫy (hoàn toàn khác với ruộng) đều làm nông nhưng không chủ yếu trồng lúa. Như vậy người Bình Dương do chi phối của địa lý và nhân văn đã xuất hiện trong lịch sử chủ yếu như là những người miệt vườn.

Miệt vườn trong lịch sử của Bình Dương là một vùng kinh tế - xã hội có sinh thái riêng. Trước hết, nơi đây không chủ yếu trồng lúa, không gắn bó với thời vụ của cây lúa. Cơ sở kinh tế chính là vườn cây các loại, thường là chuyên canh với trình độ cao về thâm canh và có quan hệ gắn bó với thị trường. Tiêu biểu nhất trong lịch sử Bình Dương là các vườn cây trái ở Lái Thiêu xưa và những vườn trồng mía, thuốc lá, bưởi, các loại đậu… ở nhiều nơi trong vùng. Sản phẩm từ các vườn (và rẫy) là nguyên liệu cho các ngành thủ công truyền thống, giúp ra đời hàng loạt các lò (lò đường, lò mía, lò kẹo, lò bánh…), các trại (trại cưa, trại ván, trại bụi…), các xưởng (xưởng nhuộm, xưởng rèn, xưởng tranh kiếng…) ở địa phương. Sản phẩm từ VƯỜN đến LÒ, hoặc TRẠI, rồi vào các XƯỞNG sau đó sẽ ra CHỢ, hoặc xuống các BẾN xuất đi các nơi; vật phẩm nào chưa xuất đi hay chưa bán hết sẽ được trữ lại trong các VỰA (hay CHÀNH, gọi theo người Hoa). Như vậy các VƯỜN - LÒ - TRẠI - XƯỞNG - CHỢ - BẾN - VỰA chính là các thiết chế hiện hữu trong sinh thái kinh tế miệt vườn ở Bình Dương xưa. Sinh thái miệt vườn tạo nên văn minh miệt vườn.

Đa dạng nông sản cộng với nguồn hàng thủ công phong phú sẽ tất yếu phá vỡ kinh tế tự túc tự cấp để sớm đến với kinh tế hàng hóa. Xứ miệt vườn Bình Dương xưa đã sớm có kinh tế hàng hóa vì hội đủ các yếu tố cần có. Kinh tế hàng hóa miệt vườn đã bùng nổ thương mại khi người Hoa đến, tiêu biểu là sự ra đời và phát triển thịnh vượng của chợ Lái Thiêu, chợ Thủ Dầu Một, sau này là các chợ Tương Hiệp, Bến Thế, Bến Cát. Đến lượt mình, thương mại quay lại tác động, kích thích và nâng đỡ nông nghiệp và thủ công nghiệp phát triển, tạo ra nhiều nguồn hàng hóa phong phú. Điều này tiếp tục tác động trở lại đưa thương mại phát triển lên mức độ cao hơn… Chu trình đó cứ chuyển động qua các thời kỳ lịch sử. Hệ quả của nó là kinh tế xứ miệt vườn phát triển đạt đến những đỉnh cao. Kinh tế phát triển đã sản sinh theo nó một cơ tầng lịch sử - văn hóa phù hợp với trình độ và tính chất của kinh tế. Đó là cơ tầng lịch sử - văn hóa của văn minh miệt vườn.

Văn minh miệt vườn Bình Dương là tổng thể tinh túy những thành tựu về kinh tế và văn hóa của xứ miệt vườn Bình Dương xưa (bao gồm cả nơi các vườn, rẫy và ở các phố chợ). Nó có đặc điểm nổi bật là cả thương mại và đô thị đều gắn với sinh thái kinh tế miệt vườn.

Trải qua nhiều thế hệ dân cư, lại tiếp nối qua nhiều thời kỳ phát triển trong sự đa dạng của nhiều thể chế chính trị, văn minh miệt vườn đã kết tinh nhiều thành tựu văn hóa và kinh tế của địa phương. Văn minh đó không còn mang tính nông nghiệp của nông thôn lạc hậu nhưng cũng không đặc sệt thành thị lạnh lùng, thực dụng. Nó bao gồm các giá trị có tính vật thể và phi vật thể. Nó vừa là phong tục, tập quán, lối sống, mức sống, điều kiện hay tiện nghi sinh hoạt, phương pháp canh tác, tập quán kinh doanh… mà còn là quan hệ xã hội, quan hệ kinh doanh; có cả những giá trị tinh thần hiện diện như những tiêu chuẩn đạo lý, những chí hướng, hoài bão…

Người miệt vườn là mẫu hình tiêu biểu, tồn tại và vận động như một thực thể xã hội điển hình của cư dân Bình Dương trước đây. Người ta khái quát đặc tính chung của người Bình Dương gắn với khái niệm người miệt vườn là: năng động - tài hoa, cởi mở - bao dung, trọng tình - thực nghiệp, có chí hướng, hoài bão.

Những đặc tính này in đậm dấu ấn miệt vườn của Thủ Dầu Một - Bình Dương. Môi trường thiên nhiên hun đúc tính năng động, tài hoa. Môi trường tự nhiên và sinh thái xã hội đa văn hóa, đa tộc người tạo nên thái độ văn hóa luôn cởi mở, bao dung, trọng tình, nhưng lại không se sua những gì mơ hồ, phù phiếm mà luôn thực nghiệp. Trong hoàn cảnh phải luôn đấu tranh chống áp bức và xâm lược, lại tiếp cận các ngọn nguồn văn hóa khác nhau tạo ra trong họ những khát vọng của hoài bão, lý tưởng cao đẹp… Trong toàn bộ nội dung của các đặc tính này vẫn là linh hồn văn hóa truyền thống Việt, của người Việt nhiều thế hệ di dân đã hội tụ trên vùng đất này. Có thể người ta thấy một phần nội dung của bản sắc đó ở nơi này nơi khác nhưng như một tổng thể của văn hóa địa phương, nó đã sớm là bản sắc của người Bình Dương cố cựu.

Từ sau năm 1975 đến cuối những năm 1990, sau thời kỳ bao cấp, trong thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, với đặc điểm là vùng đất của giao lưu và hội tụ, Bình Dương đã từng bước tạo nên một sinh thái kinh tế - xã hội mới, sinh động với sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp và đô thị. Sinh thái đó định hình một dáng dấp người Bình Dương đương thời:

- Đa vùng miền, đa văn hóa, đa trình độ, đa thu nhập; người Bình Dương đương thời là sự hội tụ đến từ cả nước.

- Tuyệt đại đa số những dân cư mới đến sinh sống và trở thành người Bình Dương là lao động phi nông nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp và đô thị.

- Số lượng của những người mới đến ngày càng chiếm số đông trong tổng số dân cư, người miệt vườn địa phương cố cựu ngày xưa dần trở thành thiểu số. Cái gọi là văn minh miệt vườn trước đây giờ bị pha loãng trong tổng thể đa văn hóa của công chúng.

Trong tổng thể dân cư đó, trải qua quá trình công nghiệp hóa mạnh mẽ, nhất là trong sự bùng phát hàng loạt đô thị ở Bình Dương trong giai đoạn sau, tầng lớp thị dân Bình Dương hình thành.


Công nghiệp phát triển mạnh thu hút đông công nhân lao động, hình thành nên tầng lớp cư dân mới tại Bình Dương. Ảnh: QUỐC CHIẾN

Thị dân Bình Dương ra đời

Quá trình đô thị hóa ở Bình Dương đã dần dần xuất hiện những nhóm người sống ổn định ở đô thị, sinh kế phi nông nghiệp, có lối sống của văn hóa đô thị, là chủ thể của mọi sinh hoạt ở các đô thị. Đó là tầng lớp thị dân (urbanite hay City-dweller)

Thị dân Bình Dương có những đặc điểm như sau:

- Về thời điểm hình thành: Quá trình công nghiệp hóa ở Bình Dương bắt đầu ngay từ khi tỉnh Bình Dương được thành lập (1997) và diễn ra mạnh mẽ, sôi động trên mọi ngành, lãnh vực, địa phương, khu vực của tỉnh trong hơn 10 năm, cao điểm là giai đoạn từ năm 2000-2010. Trong quá trình đó, cùng với các chuyển biến kinh tế - xã hội, toàn bộ cơ cấu dân cư và các giai tầng xã hội cũng nhanh chóng chuyển đổi.

Trước hết là sự gia tăng nhanh chóng số lượng công nhân công nghiệp và số lượng những lao động phi nông nghiệp (cũng là lao động phi công nghiệp) ăn theo đời sống công nghiệp. Lực lượng chiếm số đông toàn xã hội công nghiệp này nhìn chung thuộc tầng lớp người nghèo của xã hội dù họ không thất nghiệp, có thu nhập trên chuẩn hộ nghèo đô thị (cả theo chuẩn của Trung ương hay của tỉnh). Họ là tiền thân của giới bình dân đô thị tương lai.

Đồng thời với quá trình hình thành số lượng người lao động bình dân nói trên, xã hội công nghiệp cũng dần dần xuất hiện một tầng lớp dân cư khác. Trên cả là những người sản xuất, kinh doanh, những ”ông bà chủ” của hàng chục ngàn công ty lớn nhỏ trong tỉnh, xã hội gọi chung là các doanh nhân. Kế đó là những cán bộ, công chức, viên chức các cấp, các ngành và các lĩnh vực dịch vụ công. Cuối cùng là những nhóm người không phải là doanh nhân, cũng không hoàn toàn là công chức, vị trí và nghề nghiêp của họ không rõ ràng nhưng có vai trò quan trọng trong thị trường bất động sản và nhiều thị trường khác (đã định danh hoặc chưa định danh) của xã hội. Có lúc người ta gọi họ là nhà đầu tư hay người kinh doanh tự do. Cả 3 nhóm cư dân này có thu nhập cao hơn và họ chính là tiền thân của tầng lớp trung - thượng lưu tương lai.

Cặp “song sinh” bình dân và trung - thượng lưu ở Bình Dương đều được thai nghén trong quá trình công nghiệp hóa gắn với đô thị hóa. Khi đô thị hóa đến đỉnh điểm, một loạt đô thị là thành phố, thị xã, thị trấn của Bình Dương xuất hiện, cặp “sinh đôi” trên cũng ra đời. Tầng lớp thị dân Bình Dương chính thức hình thành. Đó là thời điểm những năm từ 2011-2015.

Trước năm 2010, xã hội Bình Dương chưa có thị dân vì tầng lớp này vẫn chưa ổn định cả về cư trú và định hình tính cách. Tính cách thị dân chỉ định hình sau thời gian dài ngấm dần chất đô thị. Như vậy, thị dân Bình Dương đã chính thức hình thành như một tầng lớp xã hội từ sau năm 2011, thời điểm nở rộ sự ra đời của các đô thị ở Bình Dương.

- Cơ cấu thành phần xã hội của thị dân Bình Dương không đồng nhất nhưng đồng chất. Hai thành phần chính của thị dân Bình Dương là giới bình dân đô thị và tầng lớp trung - thượng lưu. Trong đó có cả những người mới di cư đến đã định cư ổn định và cả những người dân cố cựu địa phương. Như vậy, thị dân Bình Dương ngay khi hình thành đã không đồng nhất về thành phần. Tuy nhiên, chất đô thị sau thời gian dài đã định hình chính là mẫu số chung của các thành phần xã hội trong thị dân. Điều này tạo nên sự đồng chất của thị dân bất chấp xuất thân từ bình dân hay trung - thượng lưu, là dân nhập cư hay người cố cựu.

- Tính cách thị dân của Bình Dương được định hình theo khuôn mẫu của đô thị công nghiệp và đô thị hậu công nghiệp. Lịch sử địa phương cho thấy, thị dân Bình Dương không kế thừa gì các phẩm chất truyền thống của thị dân thuộc đô thị tiền công nghiệp. Sức sống kinh tế - xã hội thời Nguyễn chỉ tạo ra ở huyện Bình An một số khu chợ cấp vùng (yếu tố Thị) và một huyện đường nho nhỏ cùng những đồn binh lẻ tẻ (chưa phải là Đô). Nơi đây chưa hình thành được các đô thị phong kiến. Đến thời Pháp thuộc, tỉnh lỵ Thủ Dầu Một và Chợ Lái Thiêu dần dần xuất hiện như hai đô thị thuộc địa loại nhỏ. Tuy nhiên, tầng lớp thị dân ở hai nơi này không đáng kể cả về số lượng và ảnh hưởng. Xã hội thời chiến trong hai mươi năm thời Việt Nam cộng hòa đã triệt hạ sạch sẽ giới thị dân cũ thời Pháp, đồng thời biến tỉnh lỵ Bình Dương và quận lỵ Lái Thiêu thành căn cứ quân sự hơn là đô thị. Từ năm 1975 đến khi chia tách, thành lập tỉnh Bình Dương, nhất là trong những năm dài bao cấp, trên toàn địa bàn tỉnh không có cả Thị lẫn Đô. Xã hội thời kỳ này không có thị dân. Tầng lớp thị dân ít ỏi đã biến mất hoàn toàn trước đó.

Rõ ràng thị dân Bình Dương là bản thể mới, không kế thừa được gì từ thị dân trước đó trong lịch sử. Tình hình này cho thấy đặc điểm nửa công nghiệp và nửa hậu công nghiệp của thị dân Bình Dương. Có đặc điểm nửa công nghiệp vì thị dân Bình Dương đã được thai nghén trong hơn 10 năm từ sau khi tỉnh Bình Dương được thành lập. Đó là thời kỳ công nghiệp hóa mạnh mẽ ở Việt Nam theo các chuẩn giá trị của xã hội công nghiệp. Tuy nhiên, thị dân Bình Dương chỉ ra đời, hình thành từ sau năm 2010, thời điểm công nghiệp hóa ở Bình Dương đã chuyển đổi định hướng, thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế theo tiêu chí các giá trị của văn minh hậu công nghiệp. Đó cũng là thời điểm rộ nở các đô thị lớn nhỏ là các thành phố, thị xã, thị trấn ở Bình Dương. Đô thị Bình Dương ngay sau đó đã bắt kịp yêu cầu thời đại, từng bước đi vào xây dựng và phát triển đô thị thông minh. Thị dân Bình Dương hình thành trên nền tảng đô thị đó. Tóm lại, tính cách nửa công nghiệp và nửa hậu công nghiệp của thị dân Bình Dương là đặc điểm quan trọng nhất sẽ chi phối lịch sử hình thành và phát triển của thị dân Bình Dương.

- Đối chiếu với 6 đặc điểm chung phổ quát của thị dân (theo định nghĩa trong Urbandictionary.com) là: (1) Ít thời gian (Time-poor), (2) tự hào về đô thị (city-proud), (3) có hiểu biết về truyền thông (media-literate), (4) có ý thức về thương hiệu hàng hóa (brand-centric), (5) nhạy cảm với các xu hướng xã hội (trend-sensitive) và (6) có ý thức về văn hóa (culturally-aware) ta thấy đều thể hiện đầy đủ với cả hai thành phần của thị dân Bình Dương.

Đáng lưu ý là một số đặc tính của dân Bình Dương cố cựu vẫn còn rõ nét: phẩm chất năng động - tài hoa, cởi mở - bao dung, trọng tình - thực nghiệp, có chí hướng, hoài bão vẫn sáng láng trong dáng vẻ ngày càng xinh đẹp của thị dân Bình Dương hiện đại, biểu hiện thành những giá trị tiêu biểu trong hệ giá trị của văn hóa đô thị Bình Dương hiện tại và tương lai (một chủ đề hấp dẫn mà chúng ta sẽ trao đổi trong dịp khác).

Từ sau năm 1975, người Bình Dương đã có sự chuyển biến căn bản. Từ chỉ có người Bình Dương cố cựu, theo đà gia tăng dân số, chuyển đổi dân cư, một tổng thể dân Bình Dương hiện đại đã hình thành với nhiều thành phần dân cư, đa dân tộc, đa văn hóa. Đô thị hóa như một lò nung vĩ đại và vô hình đã phân hóa và thanh lọc các thành phần dân cư sinh sống ở địa phương, chắt bóp hòa trộn tất cả các dạng từ nhận thức, tâm lý, tình cảm, đến tri thức, tư duy dần dần định hình một tầng lớp dân cư mới thích hợp với xã hội đô thị hiện đại. Đó là tầng lớp thị dân. Người Bình Dương đã chuyển từ dân cố cựu thành thị dân hiện đại như vậy. Đó là quá trình tự nhiên và tất yếu. Tầng lớp thị dân Bình Dương dù vẫn đang hoàn thiện dần nhưng đã sớm tạo ra cho riêng mình văn hóa đô thị.

TIẾN SĨ HUỲNH NGỌC ĐÁNG (Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Bình Dương)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1196
Quay lên trên