Người cán bộ quản lý đầy nhiệt huyết
(BDO) Quê ở TP.Thuận An nhưng cơ duyên đã đưa cô Hiền đến với vùng đất Phú Giáo và nơi đây đã trở thành quê hương thứ hai của cô. Tâm huyết với giáo dục vùng xa, cô Hiền đã luôn đi đầu trong phong trào “Đổi mới sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”. Hàng năm, cô đã chỉ đạo các bộ phận chuyên môn xây dựng cụ thể kế hoạch trong việc thực hiện xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích phù hợp với đơn vị để bảo đảm công tác an toàn cho trẻ trong và ngoài lớp. Cô cũng chú ý nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ theo lứa tuổi, thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới.
Trò chuyện với chúng tôi, cô chia sẻ, bản thân cô đã chỉ đạo nâng cao chất lượng dạy và học cho giáo viên trong trường qua việc thực hiện đầy đủ chương trình giáo dục mầm non. Cô trực tiếp xây dựng tổ chuyên môn làm nòng cốt cho nhà trường; lựa chọn nội dung giáo dục phù hợp, gắn với thực tiễn, gần gũi trẻ, nâng cao chất lượng chuyên môn qua các chuyên đề thao giảng; đồng thời tổ chức đổi mới công tác kiểm tra, dự giờ, thăm lớp. Từ đó, giáo viên có nhiều chuyển biến tích cực trong thiết kế hoạt động dạy theo hướng đổi mới. Việc tích hợp trong hoạt động giáo dục đã hợp lý hơn và thiết kế hoạt động có chú ý đến lấy trẻ làm trung tâm. Nhiều tiết dạy có ý tưởng sáng tạo trong thiết kế hoạt động và hình thức tổ chức.
Thực hiện phong trào đổi mới, sáng tạo của ngành, với vai trò hiệu trưởng, cô Hiền chỉ đạo các cô luôn tích cực đổi mới sáng tạo trong công tác quản lý, giảng dạy. Đến nay, giáo viên có nhiều đề tài sáng kiến kinh nghiệm được công nhận cấp huyện, cấp tỉnh và được nhân rộng trong toàn ngành. Riêng bản thân cô Hiền đã có nhiều sáng kiến kinh nghiệm áp dụng vào thực tiễn, nhiều đề tài được UBND tỉnh công nhận.
Tâm sự với chúng tôi, cô Hiền không nói nhiều về bản thân, nhưng hiệu quả giáo dục nhà trường mang lại đã đánh giá năng lực của người cán bộ quản lý này. Trong năm học 2020- 2021, cô Hiền tiếp tục chỉ đạo các lớp thực hiện tốt chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” tại các lớp, trong khuôn viên của nhà trường và tự làm đồ chơi cho lớp, giúp trẻ hoạt động tích cực hơn. Cô thường xuyên nhắc GV khai thác tốt hiệu quả các đồ chơi đã được ngành trang cấp để tổ chức các hoạt động, giúp trẻ hứng thú tham gia phát triển vận động. Bên cạnh đó, cô còn khuyến khích giáo viên sưu tầm, làm thêm các loại đồ chơi, trò chơi theo các chủ đề giáo dục, nhằm phát triển cho trẻ những kỹ năng vận động...
Kết quả trong công tác chăm sóc giáo dục trẻ, nhà trường đã nhận được sự đồng thuận của phụ huynh. Điều đó được thể hiện qua kết quả tỷ lệ chuyên cần bé ngoan hàng tháng. Cụ thể, tỷ lệ chuyên cần nhà trẻ đạt từ 85 - 90%, mẫu giáo đạt từ 93 - 95%; riêng mẫu giáo 5 tuổi đạt từ 95% trở lên.
HỒNG THÁI