Thời kháng chiến chống Pháp, ông Bảy Nho (Trần Tấn Quang) đã cùng đồng đội tạo nên vụ ám sát tên mật thám khét tiếng ác ôn Bazin, gây chấn động dư luận Đông Dương khiến đồng loạt các tờ báo tiếng Pháp lẫn tiếng Việt thi nhau đoán mò tường thuật. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, bây giờ ông mới có dịp "điều chỉnh" lại một số chi tiết.
Trừng trị ác ôn
Ông Bảy Nho bồi hồi nhớ lại: "Hồi đó, đánh xong là tụi tui chém vè về căn cứ ẩn thân không tiếp xúc với bên ngoài nên không hay biết bài báo đó tường thuật thiếu chính xác. Sau này, khi xét tặng thưởng, các anh ở trên lại căn cứ vào bài báo đó nên chỉ mỗi anh Bùi Ba được xét tặng danh hiệu Anh hùng. Chiến tranh thúc đẩy tụi tôi mỗi đứa đi một hướng khác cho đến gần 30 năm sau, đất nước thống nhất mới biết tin tức về nhau".
Sau đó mấy tháng, Bảy Nho còn được phối hợp với Bùi Ba thực hiện lệnh tử hình đối với Đỗ Văn Năng - đảng viên Đại Việt Quốc dân đảng, Chủ tịch Thanh niên Bảo Quốc đoàn. Đó là một tổ chức ngoại vi của Sở Mật thám Nam Kỳ mang danh nghĩa tổ chức quần chúng. Hàng ngày, chúng xua người vào các vùng kháng chiến của ta để thu thập tin tức báo cáo với địch. Từ những báo cáo của Đỗ Văn Năng, chính quyền ngụy tạo của Pháp đã bắt bớ, giam cầm, giết hại rất nhiều cán bộ của ta. Vì vậy, lực lượng kháng chiến tuyên án tử hình tên này.
Theo báo cáo của trinh sát thì Đỗ Văn Năng làm việc và ở luôn trong Văn phòng Thủ tướng Nam Kỳ quốc (ngày nay là trụ sở Ủy ban nhân dân TP HCM). Đỗ Văn Năng có thói quen mỗi sáng thường đứng ở ban công tòa nhà này tập thể dục. Kế hoạch tử hình Đỗ Văn Năng được lãnh đạo giao cho tiểu đội của Bùi Ba.
Lần này, Bảy Nho cũng đảm nhiệm vị trí số 3, hỗ trợ cho Bùi Ba ở vị trí số 2. Bảy Nho giấu khẩu súng Mat trong xe bánh mì đứng cách Bùi Ba vài chục mét. Bùi Ba đứng cách mục tiêu khoảng 100 mét.
Buổi sáng đó, mọi người vào vị trí đúng giờ hẹn. Đỗ Văn Năng vừa ló dạng ra ban công, Bùi Ba bắn 1 phát duy nhất trúng vào mắt, trọng thương. Thời điểm thi hành bản án, đường phố vẫn còn thưa người nên vụ ám sát rất êm thấm. Tổ ám sát rút êm gọn.
Chính quyền tay sai cho Pháp cũng ém nhẹm vụ này vì không muốn người dân hả hê. Chúng phao tin Đỗ Văn Năng qua đời vì bạo bệnh sau 2 tuần đứng chân trong chính phủ thuộc Pháp.
Nơi diễn ra vụ ám sát Đỗ Văn Năng (ảnh trái); Đỗ Văn Năng - Chủ tịch Thanh Niên Bảo Quốc Đoàn, một cơ sở ngoại vi của Mật thám Pháp.
Những chuyện chưa kể về bác sĩ Phạm Ngọc Thạch
Sau nhiều trận ám sát gây chấn động báo chí phương Tây, Tiểu đội Quyết tử quân của Bùi Ba bị lộ. Để tránh sự truy lùng gắt gao của địch, cấp trên phân tán tiểu đội sung vào các đơn vị khác. Bảy Nho được rút về trụ sở Đặc khu ủy Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn. Lúc đó, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch vừa nhận chức Chủ tịch Đặc khu. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch "lấy" luôn Bảy Nho về làm trưởng đội cận vệ. Đội cận vệ chỉ có 3 người.
Thực hiện chủ trương "Lập những khu căn cứ kháng chiến ngay ở ngoại ô, phụ cận Sài Gòn", "Không rút đi xa, cố bám đất, bám dân, làm chiến tranh du kích, làm chiến tranh nhân dân" theo Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, Đặc khu ủy Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn, An Phú Đông - Thạnh Lộc làm vị trí đóng các trụ sở Quân - Dân - Cán - Chính. Nơi đây được gọi là Chiến khu An Phú Đông. Suốt thời gian này, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch liên tục di chuyển đến các vùng cách mạng từ Quới Xuân, Nhị Bình, Bình Lý, Tân Mỹ (Hóc Môn) sang phía đông sông Sài Gòn như các xã Vĩnh Phú, Tam Bình, xã Tân Đông Hiệp (Dĩ An) về phía đông nam gồm Hiệp Bình, Bình Lợi, Bình Hòa và Thạnh Mỹ Tây. Bảy Nho luôn kề cận bác sĩ Phạm Ngọc Thạch.
Bảy Nho cũng chính là người được Tư Thạch (danh xưng đội cận vệ thường gọi bác sĩ Phạm Ngọc Thạch) chọn làm người thử nghiệm phương pháp Philatop - Cấy nhau vào cơ thể để tăng cường sinh lực. Hôm đó, Tư Thạch hỏi Bảy Nho: "Chú em chịu đau nổi không?". Bảy Nho chưa biết ý Tư Thạch hỏi với mục đích gì vẫn trả lời: "Nếu đau mà không chết thì chịu nổi". Tư Thạch bày tỏ rằng, đã nghiên cứu thành công phương pháp Philatop cần cấy thử nghiệm vào da người nhưng thuốc gây tê, gây mê đều không có. Tư Thạch cần người can đảm, chịu mổ sống. Bảy Nho nói liền: "Người ta hy sinh cả mạng sống cho cách mạng, em hy sinh một chút đau đớn thì sá gì". Thế là Tư Thạch mổ sống trên ngực Bảy Nho rồi nhét cục "thuốc" vào.
Nhớ lại cảnh đó, Đại tá Trần Tấn Quang cười: "Lúc dao mổ thì không đau nhưng khi ổng nhét cục thuốc vô, đau thấu trời. Đau nhưng không dám rên, sợ ổng cười mình thiếu gan. Nhờ chịu được đau, tôi trở thành người Việt Nam đầu tiên được cấy Philatop". Bảy Nho cũng là người thử nghiệm loại "vitamin nhịn ăn" của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch. Suốt 3 ngày, đến giờ cơm, Bảy Nho chỉ được uống 1 viên thuốc chiết xuất từ nhau thai con so. Tuy có thèm ăn nhưng sức khỏe không hề suy kiệt.
Bảy Nho có tài bắn súng hai tay, nhanh và chính xác. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch rất tự hào về chuyện này.
Một lần, Tư Thạch đi thương thuyết với các đơn vị quân sự thổ phỉ, kêu gọi họ quay về với cách mạng. Họ nhận lời tiếp đón nhưng phân công quân mai phục. Biết vậy nhưng Tư Thạch vẫn đi và chỉ cho mỗi Bảy Nho đi theo.
Đám quân thổ phỉ bày sẵn tiệc rượu, giả vờ tiếp đón Tư Thạch nồng nhiệt. Vừa gặp Tư Thạch, viên chỉ huy vồn vã nói: "Nghe danh anh Tư đã lâu, hôm nay nhậu một trận để hàn huyên cho đã đời. Cấm không ai bàn về chuyện hợp nhất quân sự. Ai đả động tới chuyện đó, xử liền". Tư Thạch vẫn bình thản nhập tiệc.
Sau vài tuần rượu, tên chỉ huy bảo: "Tôi có thằng em biết biểu diễn vài món ăn chơi, sẵn tiệc vui, để nó biểu diễn cho anh em coi". Nói xong, tên chỉ huy gọi một tên đàn em bước ra sân. Tên này vừa rút súng vừa lộn nhào một vòng rồi nhắm một nhánh cây nhỏ bằng ngón tay bắn một loạt đạn. Nhánh cây gãy lìa. Tên chỉ huy cười nham nhở: "Nó là cận vệ của tôi. Nó mà nhắm súng vào ai, người đó khó thoát".
Tư Thạch vỗ tay cười: "Hay lắm. Tôi cũng có thằng em biết bắn súng. Sẵn đây góp vui vài trò". Được Tư Thạch gợi ý, Bảy Nho bước ra giữa sân đứng xoay lưng cách Tư Thạch 20 mét. Tư Thạch cầm 2 tay 2 cái lon sữa ném lên không trung rồi ra lệnh "bắn". Bảy Nho vừa quay người vừa đưa 2 tay rút súng bắn một lượt 2 phát. Cả 2 phát đều trúng 2 lon sữa. Cả đám thổ phỉ trố mắt nhìn Bảy Nho như người ngoài hành tinh.
Tư Thạch cười bảo: "Tôi đi với thằng em này an tâm lắm. Chỉ cần ai có hành vi lạ, nó bộp tên chỉ huy trước".
Đến lúc đó tên chỉ huy mới thở dài thú nhận chuyện đã cho đàn em mai phục sẵn và xin Tư Thạch bỏ qua. Tuy cuộc thương thuyết không thành công như ý muốn nhưng về sau, lực lượng thổ phỉ này không còn gây hấn với lực lượng cách mạng của ta.
Trong những ngày làm cận vệ, Bảy Nho còn được Tư Thạch giao nhiệm vụ đi đón "chị Tư" từ Sài Gòn vào căn cứ tại cầu Bông (tức cầu An Hạ ngày nay). "Chị Tư" là bà Marie Louise, phu nhân của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch.
Từ nội đô, bà Marie Louise và 2 đứa con được một người em trai đang là thiếu tá quân đội Pháp dùng xe hơi chở đến cầu Bông. Bảy Nho đón bà Marie Louise đưa vào căn cứ. 7 ngày sau, Bảy Nho cũng đưa bà Marie Louise đến cầu Bông trao tận tay viên sĩ quan Pháp.
Tổ chức Thanh Niên Bảo Quốc Đoàn chụp ảnh lưu niệm với những quan chức Pháp.
Chỉ huy Tiểu đoàn “Gió”
Sau khi bác sĩ Phạm Ngọc Thạch ra Bắc, năm 1952, Bảy Nho được sung về Đại đội 918, Tiểu đoàn 306. Lúc đó Út Liêm (tức Trung tướng Bùi Thanh Vân) là Đại đội trưởng, Bảy Nho là Chính trị viên Đại đội.
Năm 1960, Bảy Nho được cử ra Bắc học quân sự. Chính Tướng Tô Ký là người trực tiếp điều xe hơi chở Bảy Nho đến trường sĩ quan học trong biên chế của Sư đoàn 656.
Học xong, ông được điều về chỉ huy Đại đội "gió" Hải Phòng. Đại đội "gió" là Đại đội 1, Tiểu đoàn 3 thuộc Sư 350 có nhiệm vụ bảo vệ một căn cứ chiến lược phòng thủ quốc phòng tuyệt mật. Đó là 1 trong 4 căn cứ phòng thủ sử dụng vũ khí khí tài của Nga nhưng do bộ đội ta tự xây dựng. Ông được Bộ Quốc phòng trao giữ chùm chìa khóa kho tàng căn cứ này. Chùm chìa khóa có hàng trăm chiếc và nặng đến 1,8 kg.
Để rèn luyện sức dẻo dai và cơ động cho đơn vị, mỗi sáng ông đều dẫn binh sĩ chạy bộ từ Hải Phòng về đến Đồ Sơn rồi ngược lại. Đều đặn suốt 2 năm như thế.
Với một số sĩ quan, việc bảo vệ căn cứ bí mật này là một mơ ước nhưng với ông là nỗi khổ. Khổ vì không được chiến đấu trực tiếp. Ông liên tục viết thư gửi Tướng Tô Ký xin được vào Nam chiến đấu.
Năm 1964, thấy ông cứ nằng nặc đòi về Nam, Tướng Tô Ký đành can thiệp để ông thỏa nguyện vọng. Sau đó ít lâu, ông trở thành một trong những sĩ quan khung đầu tiên để thành lập Công trường 9 (tức Sư 9). Cuộc đời binh nghiệp đưa đẩy ông ngược xuôi khắp các chiến trường miền Đông Nam Bộ cho tới ngày đất nước thống nhất. Chưa kịp nghỉ ngơi, ông lại lên đường sang Campuchia làm nhiệm vụ quốc tế theo yêu cầu của nước bạn.
Tại chiến trường K, ông đã bị thương trong một chuyến hành quân thị sát, kiểm tra các đơn vị trực thuộc. Với tỉ lệ thương binh 1/4, ông vẫn tiếp tục nhiệm vụ chỉ huy hậu cần tại điểm "nóng" nhất chiến trường đông bắc Campuchia cho đến khi hoàn thành sứ mệnh quốc tế.
Hơn 40 năm khoác áo lính, hơn 10 lần chết hụt trong đường tơ kẽ tóc, người bạn chiến đấu đã từng được ông cứu nguy thoát chết là Tướng Bùi Thanh Vân (khi ấy là Chỉ huy trưởng Quân khu 7) đã đề nghị ông về làm tổng giám đốc một công ty kinh tế quốc phòng nhưng ông từ chối và xin về hưu. Ông nói: "Người lính phải biết lượng sức mình trước khi nhận nhiệm vụ. Nếu không sẽ thất bại. Thất bại của người lính đồng nghĩa với cái chết".
Tài sản quý nhất của cuộc đời ông là hai tấm Huân chương Quân công (hạng Ba)
Theo An ninh thế giới