(Nguồn: CNN)
Một số loại thực phẩm yêu thích của người châu Âu thời kỳ đồ sắt vẫn là một phần trong chế độ ăn uống của người hiện đại: đó là phomai xanh và bia.
Đây là phát hiện mới nhất trong một nghiên cứu của nhà khảo cổ học tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Vienna về phân của người cổ đại.
Thông thường, phân của con người không có xu hướng tồn tại hàng nghìn năm, trừ tại một số nơi như hang động khô cằn, vùng sa mạc, môi trường ngập nước và môi trường sống bị đóng băng.
Phân cổ đại được tìm trong các mỏ muối thời tiền sử thuộc khu vực Di sản Thế giới Hallstatt-Dachstein ở phía tây nước Áo, đã được UNESCO công nhận.
Sau khi phân tích mẫu phân, các nhà nghiên cứu ngạc nhiên khi thấy sự hiện diện của 2 loài nấm sử dụng để sản xuất pho mai xanh và bia.
Nồng độ muối cao và nhiệt độ ổn định hàng năm ở khoảng 8 độ C bên trong mỏ đã giúp bảo quản tốt các mẫu vật.
Tác giả của nghiên cứu Kerstin Kowarik, nhà khảo cổ học tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Vienna, nói: “Chúng tôi có thể chứng minh rằng thực phẩm lên men đóng vai trò quan trọng trong lịch sử loài người suốt một thời gian dài.”
“Thông qua nghiên cứu của mình, chúng tôi đã bổ sung thêm cho lịch sử lâu đời của pho mai và các sản phẩm từ sữa, chứng minh pho mai xanh đã được sản xuất tại châu Âu thời kỳ đồ sắt gần 2.700 năm trước,” bà nói thêm.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích chuyên sâu để khám phá vi khuẩn, DNA và protein có trong các mẫu phân, đồng thời tái tạo lại chế độ ăn uống của những người từng sống trong khu vực.
Cám là một trong những mảnh thực vật phổ biến nhất được tìm thấy trong các mẫu, cùng với chất thực vật của các loại ngũ cốc khác nhau. Những người này có chế độ ăn giàu chất xơ, giàu carbohydrate, cùng với protein từ đậu và trái cây, quả hạch, hoặc các sản phẩm thực phẩm từ động vật.
“Những người khai thác muối thời kỳ đồ sắt ở Hallstatt cố ý áp dụng công nghệ lên men thực phẩm với vi sinh vật vẫn được sử dụng trong ngành công nghiệp thực phẩm hiện nay, cách đây 2.700 năm,” bà Kowarik cho biết thêm./.
Theo TTXVN