Ông là người trong đường dây vũ trang tình báo, chuyên móc nối đường dây, bảo vệ an toàn cho các điệp viên và tài liệu mật. Ông từng tổ chức đưa một cán bộ tình báo cao cấp của ta trở về cứ an toàn ngay trước mũi địch. Ông là Tô Văn Nhân.
Nhà ông Nhân nằm khiêm tốn trong một con đường nhỏ ở quận Tân Bình, TP.HCM. Nghỉ hưu với cấp bậc trung úy công an đã lâu năm, nhưng sức vóc ông vẫn tráng kiện, nhanh nhẹn. Ông Nhân chính là cha của võ sư Tô Xuân Trường mà báo Bình Dương từng có bài viết giới thiệu. Theo lời ông Nhân, đường dây vũ trang tình báo làm nhiệm vụ vừa liên lạc, bảo vệ, trinh sát. Bảo vệ cán bộ từ nội thành ra ngoại thành, rồi lại đưa vô nội thành. Thông qua các cụm tình báo, họ móc nối điệp viên, đưa điệp viên vô cứ. Ở ban nào, địa phương nào thì quan hệ với ban, địa phương đó. Thông thường, người làm trong đường dây vũ trang tình báo, phải có “chân” trong Ban quân sự địa phương để nắm tình hình. Họ phải là những người tuyệt đối trung thành. Lỡ sa cơ, bị bắt thì phải giấu hoặc tiêu hủy tài liệu, không để tài liệu, cán bộ và cơ sở sa vào tay địch. Người của đường dây vũ trang tình báo vừa là người bảo vệ vừa là người phục vụ. Họ đa số là lính chiến đấu, trinh sát, có nhiều kinh nghiệm để giỏi ứng biến trước những tình thế bất lợi, hoặc nếu bị địch phục kích.
Vượt sông móc nối điệp viên
Nhà nghèo, Tô Văn Nhân tham gia bộ đội từ sớm. Nhanh nhẹn, cam đảm, ông được đưa vào lực lượng chiến đấu, rồi tham gia bảo vệ các cán bộ cao cấp của ta. Năm 1964-1965, ông bảo vệ ông Hồ Văn Huê, lúc đó làm Trưởng phòng Quân y miền Nam. Năm 1965-1968, ông về Tiểu đội 70, Đại đội 1- ATK, Trung đoàn bảo vệ cục R. Cuối năm 1968, về Đội 4 A99 là đơn vị đường dây vũ trang của Phòng Tình báo RI22 M2, sau này là Tổng cục Tình báo, do ông Sáu Trí làm Trưởng phòng, ông Tám Mỹ làm Chánh ủy, ông Năm Đức làm Trưởng ban A99. Ông Nhân được cử làm cán bộ trung đội, thuộc đơn vị chiến đấu bên ngoài, đơn vị có khoảng 12 người. Địa bàn hoạt động là xóm Chùa, thuộc Bến Cát - Bình Dương và Bời Lời - Củ Chi. Khu rừng Bời Lời thuộc huyện Trảng Bàng - Tây Ninh. Sau đó, ông phụ trách Đội phó Đại đội 5 A89 do các ông Bảy Huệ, Tư Đính, Năm Hiền chỉ huy, thuộc Phòng Tình báo.
Ông Nhân (bên phải) và đồng đội
Thời điểm đó, tình hình ở chiến trường miền Nam căng thẳng. Địch đánh phá ác liệt. Đơn vị ông phải bám sát nội thành, bắt liên lạc để lấy tài liệu và tổ chức đưa cán bộ đi ra chiến khu, vô nội thành. Có giai đoạn, biệt kích tràn ngập căn cứ, họ phải bám trụ lại, bám địa bàn để giữ đường dây liên lạc. Có khi cả tuần không có gạo ăn phải ăn lá Tam lang. Ông Nhân hồi tưởng: “Địch thường thả biệt kích đi tuần dọc vô cứ, bắt người để khai thác, lấy tài liệu. Sông Sài Gòn là nơi chúng tôi thường phải bơi qua để vô nội thành móc nối cơ sở, điệp viên. Có bữa 12 giờ đêm, chúng tôi được lệnh vượt sông. Đêm lạnh, sông nhiều đỉa, chúng tôi bị đỉa bám đầy mặt. Địch thả tàu trôi sông, chúng tôi ôm lục bình để ngụy trang, qua sông. Có hôm biệt kích nằm trên nắp hầm cả tuần. Chúng tôi chịu không nổi, lên gặp cấp trên xin đánh, nhưng cấp trên không cho đánh, để giữ an toàn lực lượng”.
Một bữa, đi vào xóm trên kiếm gạo, họ bị đụng biệt kích. Một chiếc xe địch đi vào xóm. Ông quan sát thấy có 6 tên lính ngồi trên xe. Khi đi ra thì chỉ còn 5 người, họ biết chúng đổ biệt kích. Cả tổ 3 người nhất trí đánh địch. Họ phục ở ngã ba Cầu Cáng. Chiến sĩ Thọ và Hòa ở trần, mặc quần xà lỏn tiến ra chọi lựu đạn, bắn AK và B40, dụ địch. Đang phục kích thì họ gặp đơn vị hậu cần đang hành quân. Họ báo tin cho đơn vị đó biết. Sau đó, họ bắn một loạt súng nhưng không thấy động tĩnh gì. “Biết là không trúng địch, chúng tôi ra hiệu họ đi vòng lên phía trên khoảng 20m, phát hiện ra mìn Playmo, chúng tôi biết đã gặp trúng biệt kích, quyết định đánh. Trận chiến thắng lợi, tôi bị thương” - ông Nhân nhớ lại.
“Năm 1968, kết thúc cuộc Tổng tấn công Mậu Thân, chúng ta đánh nống ra qua biên giới để phục vụ chiến trường K (chiến trường Campuchia). Ngay sau đó, cấp trên ra lệnh rút hết phòng tình báo phía Nam vô rừng, củng cố trở lại, phục vụ cho chiến trường K. Cụm tình báo 49, H63 cũng rút về. Anh Tư Hồng, lúc đó nằm ở cụm 49, bị thương hai chân, chúng tôi phải dùng cáng khiêng từ Ba Cum (thuộc huyện Củ Chi, TP.HCM) lên Cỏ Ống tới Bời Lời, lên Bộ Chỉ huy Miền. Hoàn toàn đi trong rừng. “Chuyến đi đó, chúng tôi bị phục kích, vì địch đã biết trước kế hoạch hành quân. Khi chưa qua khỏi Bời Lời, ba lần chúng tôi bị biệt kích địch cắt ngang đội hình. Khi qua khỏi rồi, tôi quay lại đánh chốt liên lạc ở lùm cây tầm vông. Chốt liên lạc đó thực ra là một tên lính thông tin đang dùng máy để gọi về chỉ huy của chúng. Thời đó, địch hay dùng máy PRC10 và PRC25 để gọi. Đánh chốt xong, tôi lấy được khẩu AR15 của địch” - ông Nhân kể. Sau đó, Phòng Tình báo chuyển ra Campuchia.
Đưa cán bộ tình báo vượt qua mắt địch
Ngày 18-3-1970, Pôn-pốt đảo chính Xihanuc, tình hình trở nên rối ren. Phòng Tình báo của ta lúc đó đóng ở Đầm-rây-pheng (Campuchia) đã bị đứt liên lạc với các cụm tình báo. Cấp trên chỉ đạo tiểu đoàn đường dây 89 của ông nối lại đường dây giữa các cụm tình báo với Phòng Tình báo hiện đang đóng ở Đầm-rây-pheng. Lúc đó, đơn vị tình báo đóng ở Vèng Tâm giáp Cong-cha-rết và Rờ-ven (Campuchia). Từ Vèng Tâm, ông Nhân cùng Sự và Quang theo bản đồ mà đi. Điểm hẹn là dưới chân một ngọn đồi gần sông Chiêu - Mây Mốt (Campuchia). Người cần gặp là trợ lý cán bộ tiểu đoàn tên là Quý. Khi đến nơi, nhóm của ông không gặp được vì địch chốt ở đó, họ bèn rút về. Nhớ lại lời thủ trưởng đơn vị là ông Năm Đức dặn, nếu không gặp được thì đi tới khoảng 5km sẽ gặp. Họ lội qua sông Chiêu, cắt thẳng về hướng đông. Đang đi thì họ gặp Trần Oanh, một chiến sĩ trong Phòng Tình báo, trong khu rừng già cách Mây Mốt khoảng 30km. Họ nối được liên lạc.
Sau khi nối được liên lạc, ông Nhân được lệnh đưa đồng chí Tư Bốn, lúc đó là Phó phòng Tình báo, rút từ biên giới về Phòng Tình báo. Lúc đó, ta biết tin là địch sẽ đánh Nam Lào. Để an toàn, chúng ta phải rút về. Ông tìm gặp được ông Tư Bốn, nhưng không biết cách nào để đi, vì đường đi đã bị địch phong tỏa, lập bốt chặn. Ngay ngã ba Cong-cha-rết, địch lập trạm gác. Tình hình khó khăn vậy, nhưng ông vẫn phải tìm cách đưa ông Tư Bốn về. Khi tới ngã ba Cong-cha-rết, bỗng nhiên có một nhóm 8 - 9 người dân đạp xe qua. Ông liền nảy ra một cách. Ông bố trí hai tổ vũ trang đi theo nhóm người đó. Còn ông thì chạy xe honda, giấu một khẩu AK trong người, chở ông Tư Bốn đi. Đó là năm 1970.
Năm 1972, ông học trường chính trị. Sau khi ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, ông trở ra thành lập Lữ đoàn 316 biệt động. Ông được cử qua Lữ đoàn 316 làm Đại Đội trưởng.
Sau giải phóng 1975, ông chuyển ngành làm công an. Năm 1981, ông về hưu với cấp hàm trung úy.
NGUYỄN VĂN THỊNH