Người đam mê máy hát cổ

Cập nhật: 27-03-2019 | 09:30:20

Tiếng nhạc lúc réo rắt, lúc trầm, lúc bổng của chiếc máy hát băng cối không biết từ bao giờ đã ăn sâu vào tiềm thức của cậu bé Nguyễn Văn Hạt. Lên Sài Gòn học tập rồi về Bình Dương lập nghiệp, anh vẫn lang thang góc quán cà phê hay nhà một cụ ông nào đó có máy hát băng cối để thưởng thức, tìm về hoài niệm. Niềm đam mê ấy không ngừng thôi thúc anh nỗ lực lao động, sưu tầm và trở thành “vua” máy hát cổ trên đất Thủ Dầu Một.


Một góc phòng nhạc mà anh Hạt nhọc công xây dựng để thỏa niềm đam mê

Người sở hữu nhiều băng cối nhất Việt Nam

Trong căn nhà ở khu dân cư Phú Hòa 1, anh dành riêng một căn phòng lớn để làm phòng nghe nhạc. Đó là không gian riêng tư để anh thỏa thích niềm đam mê nghe nhạc, thư giãn sau những giờ làm việc mệt nhọc. “Người nào cũng có sở thích cho riêng mình. Bản thân tôi không cờ bạc, rượu bia hay thuốc lá, tôi chỉ có một niềm đam mê duy nhất là nghe nhạc”, anh Hạt Tâm sự.

Trong căn phòng riêng tư ấy cũng là nơi anh chất chứa đủ loại máy hát cổ chạy bằng băng cối, với nhiều thương hiệu nổi tiếng một thời, như: Dokordo, Revox, Tascam, Sony, Teac, Denon, Tandberg… Tuy nhiên, với anh, dòng máy hát yêu thích nhất vẫn là Akai. “Nói chung thì máy hát chạy bằng băng cối đều phát ra những âm thanh rất riêng. Khi nghe nhạc, mình có thể cảm nhận rõ chất “mộc” của từng ca sĩ, chất giọng ấm hay trong, thậm chí nghe được cả tiếng lấy hơi của người đang hát. Tiếng phối âm, phối nhạc thời đó cũng khác sau này khi nghe qua băng cassette, CD, VCD. Tôi thích dòng Akai vì dòng này không quá cổ, có tuổi đời sản xuất chưa đầy 50 năm, dễ sử dụng và không quá kén băng. Hơn nữa, Akai cũng là chiếc máy đầu tay tôi sưu tập được, nó đã theo tôi 20 năm nay với bao kỷ niệm”, anh Hạt chia sẻ.

Anh Hạt cho biết quê anh ở miền Tây. Lúc anh còn nhỏ nhà rất nghèo nên hay chạy sang nhà cụ ông hàng xóm để nghe ké nhạc. Chiếc máy hát chạy bằng đĩa than đã cũ, muốn nghe được phải mài kim, lau đầu từ. Ký ức ấy cộng với những âm thanh mộc mạc đã theo anh suốt thời niên thiếu. Năm 1998, anh về Bình Dương lập nghiệp với tấm bằng bác sĩ thú y. Niềm đam mê sở hữu một cái máy hát chạy bằng băng cối cứ thôi thúc anh làm việc. Để rồi cuối năm đó, anh đã mua được cho mình cái máy Akai với giá 70 USD. “Đó là tiền lương, tiền làm thêm, cộng cả tiền vay mượn mới có được. Ngày đó không có phương tiện đi lại, cũng không có mạng, mail, Facebook nên việc lùng sục, tìm ra một chiếc máy nhạc cổ là rất khó. Thông qua người bạn giới thiệu, tôi đã vượt chặng đường gần 100km mới mua được chiếc máy, sau đó gói vào túi nylon chở về. Nói thật, trên đường đi dù đã chạy xe khá chậm, sợ rung lắc làm hỏng máy, nên phập phồng lo sợ. Về đến phòng trọ, lập tức mở máy ra lau chùi, lắp ráp. Rất may máy vẫn chạy và hát âm thanh rất trong, tôi thấy nhẹ cả người”, anh Hạt nhớ lại.

Bằng niềm đam mê âm nhạc và trải qua 20 năm sưu tầm, hiện anh Hạt sở hữu hơn 100 máy hát các loại và khoảng 300 chiếc băng cối (loại băng gốc). Để tìm được một chiếc máy cổ, hay một cuộn băng gốc là chuyện không đơn giản. Sau mỗi lần đi công tác từ miền Trung đến Tây nguyên, thì anh lại lân la phố phường, nhà dân để hỏi về máy hát. Tuy nhiên, cũng có những chiếc máy về tay anh một cách hết sức tình cờ. “Đó là hôm tôi đi bộ trên một con phố ở Sài Gòn, rồi nghe tiếng nhạc phát ra từ một ngôi nhà ven đường. Với cảm nhận của mình, tôi biết chắc âm thanh này là của máy hát băng cối liền xin chủ nhà vào ngồi nghe nhạc. Qua trò chuyện mấy giờ liền, thấy tôi quá đam mê, vậy là chủ nhà bán luôn máy cho tôi mang về. Đến bây giờ chúng tôi vẫn là bạn”, anh Hạt nhớ lại.

Trong bộ sưu tập khủng của mình, có những bộ máy hát cổ anh Hạt bỏ ra hàng tỷ đồng mới mua được. Bởi để có được âm thanh sâu lắng đi vào lòng người, thì bên cạnh chiếc máy băng cối ưa thích phải có ampli, cặp loa tương xứng và cùng với đó là băng gốc. Có những cặp loa cổ hiệu Intex anh Hạt đem về từ nước Anh với giá lên đến cả tỷ đồng, nhưng không phải ai có tiền cũng mua được. Anh phải nhờ người thân, bạn bè sưu tầm trong một thời gian dài.

“Chơi nhạc là phải có niềm đam mê, chứ không phải tính bằng tiền. Dù có hôm rất bận, nhưng về đến nhà là tôi lại lau chùi từng cuộn băng, lau từng hạt bụi trên máy. Cho đến bây giờ, tôi thấy hạnh phúc vì mình là người sở hữu nhiều băng cối nhất Việt Nam”, anh Hạt cho biết.

Mua gạch cổ xây phòng nghe nhạc

Dù sở hữu hàng trăm máy hát cổ và giá trị bằng tiền có khi chủ nhân của nó cũng không thể nhớ nổi, nhưng anh Hạt chưa bao giờ nghĩ có ngày sẽ đem bán chúng để thu lợi nhuận. Nói như anh, nếu bán cho người không yêu nhạc, không biết sử dụng thì vô tình mình làm hỏng một chiếc máy rất quý giá. Bên cạnh đó là có lỗi với người đã bán cho mình cả niềm đam mê mà họ từng gìn giữ.

Anh Hạt cho biết thêm: “Có rất nhiều người như tôi, cần không gian thưởng thức thứ âm nhạc một thời sâu lắng, đi vào lòng người. Những câu hỏi như thế luôn đặt ra trong đầu, thôi thúc tôi mở một phòng nhạc, chia sẻ niềm đam mê để mọi người cùng thưởng thức”. Vậy là cách đây vài năm, anh tìm về khu dân cư Phú Chánh mua 800m2 đất. Và khi đã có đất, anh lại nhọc công tính toán cách tạo phòng nhạc, bố trí không gian. “Nghe nhạc xưa, nhạc trữ tình, bolero trên một chiếc máy cổ thì không gian phải phù hợp. Không phải cứ có tiền, xây một căn phòng là xong, như thế thì còn gì thú vị. Và rồi mọi ý tưởng đã đến với tôi một cách tình cờ. Đó là hôm bà xã đưa con đi học, nghe có người hỏi bán số gạch cũ, tôi lập tức tìm cách hỏi mua ngay. Bởi đây là loại gạch được sản xuất cả trăm năm trước, vừa có dấu tích cổ, gạch dày và chắc... Lúc đó tôi cũng nghĩ đến việc sẽ dùng số gạch này xây một căn nhà rường bằng gỗ, loại nhà cổ, như thế sẽ có một không gian hòa hợp mà người nghe chỉ đặt chân vào sẽ thích”, anh Hạt trầm tư nhớ lại.

Sau bao ngày nhọc công sưu tầm từ máy hát cổ, loa, ampli, băng cối, nhà cổ…, cách đây 2 năm, vợ chồng anh Hạt đã ra mắt quán cà phê Mộc Cầm trên khu đất ở Phú Chánh. Chỉ gói gọn trong vài trăm m2 đất ấy thôi, nhưng khi đặt chân vào đây, ai cũng dễ dàng nhận thấy khung cảnh nơi đây như một làng quê thu nhỏ. Đặc biệt nhất ở quán vẫn là căn phòng nhạc cổ được làm từ gạch nhà thờ Phú Cường. Căn phòng có diện tích chừng hơn 100m2, là nơi anh Hạt đặt hàng chục chiếc máy hát nhạc cối, đĩa than. Một không gian yên tĩnh và ấm cúng dành riêng cho người mê nhạc, thưởng thức nhạc.

“Mỗi ngày, có rất nhiều vị khách lớn tuổi quanh vùng đến ngồi đây để nhâm nhi ly cà phê, tách trà và nghe nhạc phát ra từ những chiếc máy cổ. Gần đây, nhiều vị khách từ TP.Thủ Dầu Một, Dĩ An, Tân Uyên cũng tìm đến vào ngày thứ bảy, chủ nhật hàng tuần. Họ là những người mê nhạc, đến thưởng thức nhạc. Cùng với đó là xoay quanh những câu chuyện bên lề của những bài hát về năm tháng ra đời, ý nghĩa của bài hát. Họ còn đàm đạo những câu chuyện xoay quanh cuộc đời của những ca sĩ, nghệ sĩ trước đây và hiện nay. Nhờ có những vị khách mê nhạc, hiểu nhạc mà mình biết hơn được nhiều điều trong âm nhạc”, anh Hạt tâm sự.

Anh Hạt cho biết máy hát băng cối được sản xuất khoảng năm 1940. Trước đó là máy hát bằng đĩa than. Sau này thì có máy cassette, đĩa CD, VCD... “Ưu điểm lớn nhất của băng cối đem lại là khi hoạt động nó sẽ phát ra âm thanh rất trong, hạn chế tạp âm. Khi nó hoạt động bạn sẽ thấy băng quay, đây là một sự thích thú đối với người nghe nhạc. Nhìn nó chuyển động và phát ra âm thanh thì yêu thích không gì bằng. Mọi âu lo phiền muộn sẽ tan biến ngay lập tức...”, anh Hạt cho biết.

 

QUANG TÁM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1490
Quay lên trên