Người dân bị đối tượng cho vay “tín dụng đen” làm phiền

Cập nhật: 03-08-2022 | 08:53:14

Sau khi Báo Bình Dương đăng tải loạt bài phóng sự điều tra “Tín dụng đen… giăng bẫy!” và kêu gọi người dân tố giác tội phạm này, công an (CA) một số địa phương và Báo Bình Dương tiếp tục nhận được nhiều tin báo tố giác của người dân về việc bị đe dọa, đòi nợ kiểu “khủng bố”…


Lực lượng công an phát tờ rơi tuyên truyền người dân cảnh giác trước tội phạm “tín dụng đen”

Gọi điện “khủng bố” tinh thần

Chị Trần Thị T, phụ trách nhân sự Công ty B.P (Khu công nghiệp (KCN) VSIP I, TP.Thuận An) cho biết mỗi ngày chị nhận không dưới 50 cuộc điện thoại đòi nợ, đe dọa, xúc phạm từ những người xưng danh Công ty Tài chính TPbank Fico, FE Credit, VPbank.

Trao đổi với P.V, chị T. bức xúc kể lại: “Họ dùng lời lẽ thô tục, chửi bới trong khi tôi không hề vay tiền của họ. Cách đây 2 tuần, một đối tượng thông báo cho nhiều người thân là tôi bị tai nạn rất nặng và đang nằm cấp cứu tại bệnh viện. Chúng đe dọa tôi phải đuổi việc anh T. vì nợ họ 29,5 triệu đồng, nếu không thì không để cho tôi yên”. Cũng theo chị T., đỉnh điểm của sự “khủng bố” là chúng điện thoại cho Tổng Giám đốc công ty để đe dọa, chửi bới nhằm đòi nợ và ra các yêu sách.

Một trường hợp khác là chị Nguyễn Thị H. (quê Ninh Thuận) có mua trả góp điện thoại vào tháng 5-2020. Theo chị H, điện thoại chị mua lúc đó là 15 triệu đồng, chị H. trả 5 triệu và góp dần 10 triệu đồng. Nhân viên ngân hàng giới thiệu cho chị H. vay của Công ty Tài chính Mirae Asset, mỗi tháng trả 1,6 triệu đồng. Trả được 3 tháng thì chị H. gặp khó  khăn về tài chính nên không đóng nữa. Tháng 6 vừa qua, chị H. liên tục bị réo đòi nợ với số tiền 15 triệu đồng do vi phạm hợp đồng.

Liên quan đến trường hợp chị H. vay nợ, chị Hoàng Thị N., bộ phận nhân sự Công ty M.S (TP.Thuận An) cho biết, mỗi ngày chị N. nhận hơn 100 cuộc điện thoại đòi nợ mặc dù không liên quan gì đến các món nợ của chị H. Các đối tượng còn lấy ảnh chị N. ghép vào các hình ảnh nhạy cảm rồi gửi cho bạn bè, người thân và đưa lên các trang mạng xã hội. “Tôi chặn cả trăm số điện thoại nhưng tôi chặn số này thì chúng gọi số khác. Chúng yêu cầu công ty phải đuổi việc công nhân thiếu nợ nhưng công ty không thể dồn người lao động vào đường cùng”, chị N. bức xúc kể lại.

Được biết, đơn vị tài chính có tên Mirae Asset có mặt tại TP.Thủ Dầu Một một thời gian nhưng không được cấp phép hoạt động, sau đó thì “tự dưng” biến mất. Tuy nhiên, thời gian gần đây tình trạng các đối tượng sử dụng dịch vụ SMS nhắn tin vào các thuê bao di động tại Bình Dương với nội dung “hỗ trợ cho vay tiền” vẫn còn tiếp diễn khiến nhiều chủ thuê bao cảm thấy bị làm phiền.

Cần phải quyết liệt với tội phạm “tín dụng đen”

Sau khi Báo Bình Dương đăng loạt bài phản ánh thực trạng “Tín dụng đen” đe dọa cuộc sống của người dân, đặc biệt là công nhân, nhiều nạn nhân đã đến cơ quan CA tố giác bị các đối tượng đòi nợ đe dọa. Trung tá Cao Mạnh Toản, Trưởng đồn CA KCN Đồng An, cho biết hiện tại KCN Đồng An có 102 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng số lượng công nhân làm việc là 29.000 người. Thời gian gần đây, đại diện bộ phận nhân sự và công nhân một số công ty trong KCN đã đến đồn CA trình báo về việc bị đe dọa, chửi bới đòi tiền.

Theo Trung tá Toản, liên quan đến việc một số công nhân vay nợ, bộ phận nhân sự và cả giám đốc các công ty cũng bị đe dọa, làm phiền. “Có khoảng 5 - 6 công ty gặp tình trạng bị đe dọa, khủng bố vì có công nhân vướng vào “tín dụng đen”. Trong khả năng của mình, chúng tôi tiếp nhận thông tin ban đầu và trấn an tinh thần các nạn nhân. Những vụ việc vượt quá thẩm quyền, chúng tôi chuyển hồ sơ đến Cơ quan Cảnh sát điều tra CA TP.Thuận An thụ lý giải quyết”, Trung tá Toản cho biết.

Bà Đặng Thị Kim Chi, Chủ tịch Công đoàn KCN VSIP cho biết, năm 2021 do tình hình dịch bệnh phức tạp, những tháng “khóa chặt đông cứng” là thời gian người lao động không thể đi làm nên không có thu nhập. Do cần tiền trang trải, rất nhiều người đã vay qua app và bị tính lãi rất cao. Khi dịch bệnh được kiểm soát, công nhân đi làm trở lại nhưng phải chi phí cho nhiều khoản tiền, từ đó món nợ vay qua app cứ “phình to” trong khi lãi suất vay cắt cổ khiến công nhân mất khả năng chi trả. Một số người không trả được phải trốn về quê hoặc bỏ đi nơi khác. Một số khác thay số điện thoại và đổi chỗ làm nhưng vẫn bị tìm ra và liên tục bị thúc ép, chửi bới, hăm dọa bằng những lời lẽ thô tục để bắt con nợ phải trả tiền. Chúng còn dựng lên nhiều câu chuyện liên quan đến người vay để tạo áp lực. Các cấp trưởng, phó phòng nhân sự rất mệt mỏi, bức xúc vì không liên quan nhưng suốt ngày bị khủng bố qua điện thoại.

“Trước tình hình đó, Công đoàn KCN VSIP đã tư vấn các Công đoàn cơ sở mạnh dạn tố cáo đến CA đồn VSIP để lực lượng CA dùng các biện pháp nghiệp vụ xử lý. Ngoài ra, Công đoàn VSIP cũng đã có ý kiến với Liên đoàn Lao động tỉnh và mong lực lượng CA vào cuộc triệt xóa các băng nhóm đòi nợ thuê để người lao động yên tâm làm việc”, bà Chi cho biết thêm.

NHÓM P.V

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2908
Quay lên trên