Người dân cần chủ động bảo vệ sức khỏe khi thời tiết oi bức

Cập nhật: 20-05-2023 | 07:53:56

Hiện nay đang bước vào mùa hè, thời tiết oi bức, trẻ em, người lớn dễ mắc các bệnh truyền nhiễm cũng như có nguy cơ dễ bị say nắng, đột quỵ. Ngành y tế tỉnh khuyến cáo người dân bảo vệ sức khỏe trong mùa nắng nóng.

Bệnh nhi gia tăng

Ghi nhận của P.V tại các cơ sở y tế tỉnh cho thấy, thời gian gần đây có rất nhiều bệnh nhi đến khám các bệnh về tiêu hóa, hô hấp mỗi ngày. Vào thời điểm bước vào mùa hè nắng nóng oi bức, trẻ dễ mắc bệnh là do mất nước hay nhiễm siêu vi. Hiện số ca mắc bệnh tay chân miệng, viêm họng, viêm mũi, viêm xoang, hen phế quản, sốt siêu vi và tiêu chảy cấp vào điều trị khá đông, chứng tỏ số lượng bệnh nhi tăng lên khi thời tiết nóng cao độ.


Mùa nắng nóng trẻ em dễ mắc một số loại bệnh

Bác sĩ Trần Thị Minh Nguyệt, Phó Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh cho biết: Có hai nhóm bệnh hay gặp khi thời tiết nắng nóng đó là nhiễm khuẩn đường hô hấp và rối loạn tiêu hóa. Bệnh nhiễm khuẩn hô hấp nguyên nhân chính là do mùa nắng nóng, trẻ hay nằm điều hòa, môi trường bên ngoài và môi trường trong phòng điều hòa có sự chênh lệch lớn khiến trẻ dễ nhiễm bệnh. Phụ huynh cần sử dụng máy lạnh, quạt máy ở chế độ hợp lý để không làm ảnh hưởng đến trẻ. Đối với tình trạng tiêu chảy, nôn nhiều ở trẻ nhỏ, cha mẹ cần lưu ý trong việc giữ vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh nhà cửa để phòng ngừa các mầm bệnh. Các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc xin, như: Phế cầu, thủy đậu, tiêu chảy do rota vi rút…, phụ huynh nên cho trẻ chích ngừa đúng thời gian, đủ liều. Dịch bệnh mùa nóng thường không đáng sợ nhưng nếu chủ quan, không điều trị kịp thời, bệnh sẽ chuyển hướng xấu, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

Thời tiết nắng nóng, không chỉ trẻ em dễ mắc bệnh mà người lớn cũng cần có phương pháp phòng ngừa, tránh nguy cơ nhiễm bệnh, bùng phát dịch bệnh. Theo các chuyên gia y tế, những người dễ bị tác động bởi nắng nóng, bao gồm: Người già, trẻ em, phụ nữ; người mắc bệnh lý mạn tính như bệnh tim mạch, gan, ung thư, tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, đái tháo đường…; người lao động ngoài trời như công nhân, nông dân, vận động viên thể thao, bộ đội huấn luyện ngoài thao trường, nhân viên giao hàng, người làm việc ở các lò gạch.

Về việc phòng, chống nắng nóng tại các cơ sở y tế, bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, để chủ động phòng chống tác hại của nắng nóng kéo dài, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị y tế cần rà soát, bổ sung thêm quạt mát, bố trí thời gian khám, chữa bệnh hợp lý tại các khu vực có mật độ đông người bệnh đến khám, điều trị. Các đơn vị y tế tuyến trên cần chuẩn bị các tổ, đội y tế cơ động sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới khi có yêu cầu; đồng thời tổ chức trực cấp cứu, sẵn sàng thu dung điều trị, có phương án xử lý trong trường hợp bệnh nhân đến đông; rà soát, bổ sung nguồn thuốc, dịch truyền, vật tư y tế dự trữ phòng, chống dịch bệnh, nhất là bệnh tiêu chảy, sốt xuất huyết trong mùa nắng nóng.

Phòng ngừa đột quỵ

Say nắng, đột quỵ là các vấn đề sức khỏe thường gặp trong mùa nắng nóng. Để phòng ngừa, người dân không nên đột ngột đi ra ngoài trời nắng khi đang ở trong phòng điều hòa nhiệt độ thấp và cần hạn chế tối đa diện tích cơ thể tiếp xúc của ánh nắng…

Để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, bác sĩ Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Hiện ngành y tế tỉnh đang phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh truyền thông đến người dân các biện pháp bảo đảm sức khỏe, phòng chống say nắng, say nóng như uống đủ nước khi làm việc ngoài trời vào cao điểm nắng nóng trong ngày, bảo đảm ăn, uống hợp vệ sinh; tập huấn cho người dân biết cách xử lý tại chỗ, ban đầu đối với những trường hợp say nóng, say nắng. Sở Y tế cũng đề nghị các địa phương có nhiều khu công nghiệp, đông công nhân thường xuyên tổ chức kiểm tra các điều kiện bảo đảm y tế, an toàn thực phẩm, nước uống trong khu công nghiệp, đặc biệt ở những khu vực lao động nặng nhọc, độc hại”.

Theo bác sĩ Huỳnh Minh Chín, người dân có thể phòng, chống nắng nóng bằng cách hạn chế tối đa diện tích tiếp xúc của ánh nắng lên cơ thể, đặc biệt vùng vai gáy; che chắn, sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân khi đi, làm việc ngoài trời, mặc quần áo rộng, thoáng mát thấm mồ hôi, có thể sử dụng thêm kem chống nắng; sử dụng mái che, vật liệu cách nhiệt, hệ thống phun nước, phun sương, điều hòa, quạt thông gió… để làm thoáng mát nơi làm việc.

Thời tiết oi bức, người dân cần tăng cường ăn các loại rau xanh và hoa quả trong bữa ăn hàng ngày, uống đủ nước, uống nhiều lần trong ngày. Khi làm việc dưới thời tiết nắng nóng, người dân cần uống nước đều đặn trong suốt thời gian làm việc và không sử dụng các loại đồ uống có cồn. Người bị mất nhiều mồ hôi trong quá trình làm việc cần uống thêm nước có bổ sung muối và khoáng chất như Oresol và cần rèn luyện thân thể để nâng cao sức đề kháng.

HOÀNG LINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=790
Quay lên trên