(BDO) Đó là đề xuất của Sở Công thương tỉnh Bình Dương trong Công văn số 1485/SCT-QLTM gửi UBND tỉnh để phân chia tần suất đi chợ truyền thống của người dân trên địa bàn tỉnh.
Người dân phường Lái Thiêu,TP.Thuận An khai báo y tế khi vào chợ
Trong công văn này, Sở Công thương đã đưa ra nội dung đề xuất mỗi gia đình nên giãn cách thời gian đi chợ với tần suất 3 ngày một lần để chung tay dập dịch với tỉnh nhà.
Hạn chế đi chợ
Đứng trước tình hình dịch bệnh Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp và có nguy cơ bùng phát trên diện rộng, ngày 25-6 UBND tỉnh Bình Dương đã có Chỉ thị 11/CT-UBND. Theo đó, thông qua chỉ thị này tỉnh quán triệt tinh thần phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tới các sở, ngành, địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Trong đó, việc đẩy mạnh triển khai, ứng dụng công nghệ số vào công tác phòng, chống dịch Covid-19 là một điểm nhấn quan trọng.
Với nhiệm vụ, chức năng chủ trì các hoạt động quản lý nhà nước, điều phối lưu thông hàng hóa… trên địa bàn tỉnh, ngày 30-6 Sở Công thương đã gửi Công văn số 1485/SCT-QLTM tới UBND tỉnh để đề xuất việc thực hiện giãn cách tần suất đi chợ đối với người dân trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, sở kiến nghị mỗi gia đình nên giãn cách thời gian đi chợ với tần suất 3 ngày một lần để bảo đảm các quy định về phòng, chống dịch ở chợ truyền thống. Việc này được đánh giá là sẽ góp phần làm giảm đáng kể việc tập trung đông người ở khu vực chợ truyền thống. Qua đó làm giảm nguy cơ lây lan, bùng phát dịch bệnh trong cộng đồng dân cư.
Để thực hiện tốt nội dung đề xuất này, Sở Công thương cam kết sẽ kết nối lưu thông hàng hóa giữa tỉnh nhà với các tỉnh, thành khác, bảo đảm luôn cung ứng đủ hàng hóa cho người dân. Ngoài ra, sở sẽ triển khai các tổ công tác và chuyển phát những văn bản hướng dẫn đến các huyện, thị, thành phố và Ban quản lý các chợ để thực hiện phân chia, giãn cách tần suất đi chợ của người dân cho hợp lý.
Về phía các địa phương, Sở Công thương kiến nghị, chủ động phân phát thẻ vào chợ cho các hộ gia đình với số lượng 5 thẻ cho mỗi nửa tháng. Những tấm thẻ này sẽ chỉ có hiệu lực sử dụng một lần duy nhất.
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, chia sẻ để kịp thời phân phát thẻ đi chợ cho các hộ dân, địa phương có thể thông qua những người hỗ trợ công tác quản lý nhà nước ở cấp cơ sở như tổ trưởng khu phố, trưởng ấp… “Để kiểm soát tốt việc thực hiện giãn cách tần suất đi chợ của người dân, UBND các huyện, thị, thành phố cũng cần có sự chỉ đạo kịp thời đối với Ban quản lý các chợ truyền thống để bố trí lực lượng kiểm soát và thu phiếu đi chợ”, ông Toàn nói.
Chung tay dập dịch
Từ khi UBND tỉnh ra Chỉ thị 11, nhiều khu chợ truyền thống ở TP.Thuận An và TP.Dĩ An đã thực hiện nghiêm túc việc giãn cách xã hội ở khuôn viên các khu chợ. Theo đó, để góp phần ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong khuôn viên các khu chợ, lãnh đạo nhiều xã, phường, thị trấn đã triển khai các chốt kiểm soát để yêu cầu người dân khai báo y tế, đo thân nhiệt và thực hiện xịt khử khuẩn tay khi ra, vào chợ.
Ghi nhận thực tế ở Chợ Lái Thiêu thuộc phường Lái Thiêu, TP.Thuận An cho thấy, những ngày qua lực lượng chức năng đã thực hiện khai báo y tế, đo thân nhiệt và xịt khử khuẩn tay cho người đi chợ. Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng kiểm soát và ngăn chặn việc tập trung đông người trong khuôn viên chợ.
Đội ngũ nhân viên y tế và lực lượng phòng, chống dịch địa phương của những vùng đang là điểm nóng của dịch bệnh cũng đang tất bật với việc khoanh vùng truy vết, điều tra dịch tễ. Lực lượng này còn tổ chức những buổi lấy mẫu xét nghiệm gộp PCR ở các khu dân cư. Qua đó mong sớm tìm ra những ca F0 mang mầm mống dịch bệnh đang ở trong cộng đồng để đưa đi cách ly, điều trị.
Trong khi lực lượng tuyến đầu đang nỗ lực hết mình để đẩy lùi đại dịch, hậu phương tiếp tục ủng hộ, quyên góp số lượng lớn tài lực, vật lực để hướng về vùng dịch. Tính đến cuối tháng 6-2021, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tiếp nhận hàng trăm tỉ đồng gồm tiền mặt và nhiều tấn hàng hóa ủng hộ công tác phòng, chống dịch.
Trên những chuyến xe đêm, toàn bộ số hàng hóa nói trên đã được chuyển tới lực lượng tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch và người dân sống trong tâm dịch. Trong khi đó, số tiền quyên góp sẽ được dùng vào mục đích mua vaccine và trang thiết bị y tế.
Tính đến chiều 1-7, địa bàn Bình Dương đã ghi nhận 497 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng dân cư và nhà máy, xí nghiệp. Tình hình diễn biến dịch bệnh vẫn còn xu hướng tiếp tục gia tăng.
Chỉ trong ngày 30-6, ngành y tế tỉnh đã thực hiện lấy 1.353 mẫu xét nghiệm PCR, trong đó có 877 mẫu đơn và 476 mẫu gộp đối với gần 5.000 người. Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng ký quyết định về việc tăng cường chuyên gia và trang thiết bị y tế để hỗ trợ Bình Dương dập dịch. Dự kiến trong những ngày tới, Bộ Y tế phân bổ cho Sở Y tế tỉnh Bình Dương 5.000 test xét nghiệm để hỗ trợ tỉnh nhà thực hiện xét nghiệm Covid-19 đại trà cho người dân.
Đình Thắng