Thời gian qua, tình hình tội phạm lừa đảo trên không gian mạng diễn biến phức tạp, một số người dân trên địa bàn huyện Phú Giáo đã trở thành nạn nhân của loại tội phạm này. Do đó, Công an (CA) huyện Phú Giáo khuyến cáo người dân cần cảnh giác, chủ động nhận diện các thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng để tự bảo vệ bản thân và người thân.
Công an huyện Phú Giáo phát tờ rơi tuyên truyền thủ đoạn của tội phạm công nghệ cao cho người dân trên địa bàn
Chủ động nhận diện thủ đoạn lừa đảo
Gần đây, CA huyện Phú Giáo đã tiếp nhận một số tin báo của người dân về việc bị kẻ gian chiếm đoạt tiền qua thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng. Cụ thể như trường hợp ông Nguyễn T.D. (ngụ ấp Đồng Tâm, xã An Bình) bị đối tượng lừa đảo chiếm đoạt 35 triệu đồng khi mua vật liệu xây dựng qua mạng xã hội.
Theo trình báo của nạn nhân, do có nhu cầu mua sắt thép làm công trình nên ông D. đăng lên Facebook loại sắt đang cần. Sau đó không lâu có một tài khoản Zalo tên Khánh Sơn liên hệ với ông D. thỏa thuận giá cả, thời gian, địa điểm giao sắt. Lúc này, xe tải của Công ty TNHH Kim Nguyên Bảo chở sắt đến giao cho ông D., cùng thời điểm này Zalo Khánh Sơn hối thúc ông D. chuyển 35 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng do Khánh Sơn cung cấp. Do tin tưởng nên ông D. không hỏi lại nhân viên giao hàng và chuyển tiền theo yêu cầu của Khánh Sơn.
Tuy nhiên, khi Công ty Kim Nguyên Bảo yêu cầu ông D. thanh toán thì mới xuống hàng và xác nhận chưa nhận được tiền từ ông D. Lúc này, ông D. liên hệ với Zalo Khánh Sơn nhưng không liên lạc được nữa. Biết mình bị lừa, nạn nhân đã đến CA trình báo vụ việc.
Qua xác minh ban đầu, Đội Cảnh sát hình sự CA huyện Phú Giáo xác định Công ty Kim Nguyên Bảo có nhận được đơn đặt hàng qua điện thoại với số lượng sắt thép, vị trí giao hàng đúng như ông D. đã thỏa thuận với đối tượng tên Khánh Sơn và nhận 1 triệu đồng tiền cọc từ hình thức chuyển khoản qua Internet Banking. Đến nay, CA huyện Phú Giáo vẫn đang xác minh vụ việc theo quy định.
Ngoài hình thức lừa đảo như trên, một số người dân ở huyện Phú Giáo còn “sập bẫy” các hình thức lừa đảo khác như tuyển cộng tác viên online, “việc nhẹ lương cao”, rao bán hàng giả, hàng nhái trên trang thương mại điện tử…
Trung tá Lê Xuân Lập, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự CA huyện Phú Giáo, cho biết qua tiếp nhận tin báo cho thấy việc người dân bị lừa đảo qua mạng xã hội là do hiểu biết về pháp luật chưa cao, còn nhẹ dạ, cả tin để cho đối tượng xấu có cơ hội “giăng bẫy”. Thậm chí, một số người dân vì lợi ích nhỏ trước mắt mà cung cấp thông tin cá nhân, mật khẩu tài khoản ngân hàng, mã OTP cho đối tượng dẫn đến tình trạng mất tài khoản xã hội, tài khoản ngân hàng...
Người dân cần cảnh giác
Trước tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng diễn biến phức tạp, CA huyện Phú Giáo đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao ý thức cảnh giác trong nhân dân đối với loại tội phạm này. Một trong những giải pháp mà CA huyện đang triển khai hiệu quả, xuyên suốt là lồng ghép tuyên truyền về phòng, chống tội phạm nói chung và lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng tại các cuộc họp dân.
Mới đây, thông qua diễn đàn “CA lắng nghe ý kiến nhân dân” tại xã Tân Hiệp, CA huyện Phú Giáo đã lồng ghép tuyên truyền về thủ đoạn của tội phạm lừa đảo trên không gian mạng bằng hình thức phát tờ rơi. Người dân tham dự diễn đàn còn được nghe đại diện CA huyện Phú Giáo phổ biến một số thủ đoạn của tội phạm công nghệ cao, cùng các biện pháp phòng ngừa.
Từ đầu năm đến nay, CA huyện Phú Giáo đã phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm, thu hút 570 người tham gia.
Theo Trung tá Lê Xuân Lập, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự CA huyện Phú Giáo, thời gian tới, đơn vị tiếp tục phối hợp với CA xã, thị trấn tuyên truyền sâu rộng, có hiệu quả đến người dân về thủ đoạn của tội phạm công nghệ cao, giúp người dân nâng cao nhận thức, trình độ hiểu biết khi sử dụng mạng xã hội, tài khoản ngân hàng. Đồng thời, đơn vị tổng hợp, báo cáo các vụ việc lừa đảo qua mạng xã hội để cấp trên chỉ đạo điều tra khám phá.
Theo Bộ CA, hiện có 3 nhóm lừa đảo chính gồm giả mạo thương hiệu; chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội và các hình thức kết hợp, với 24 hình thức, như: Lừa đảo cuộc gọi video Deepfake, “khóa sim”, giả danh giáo viên/nhân viên y tế báo người thân đang cấp cứu... Theo CA huyện Phú Giáo, để tránh trở thành nạn nhân của các hình thức lừa đảo trên, người dân hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân của mình trên mạng, không nên gửi thông tin cá nhân như căn cước công dân, hộ chiếu, bằng lái xe... qua mạng. Người dân cần bảo đảm chỉ cung cấp thông tin cá nhân cho cá nhân và tổ chức tin tưởng. Khi sử dụng mạng xã hội, người dân nên thiết lập mật khẩu an toàn; nên đổi mật khẩu thường xuyên và không nên sử dụng mật khẩu giống nhau cho nhiều tài khoản khác nhau. Người dân cần lập mật khẩu 2 lớp để khi có kẻ xấu truy cập vào tài khoản của mình sẽ được cảnh báo đến điện thoại đã đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ. Bên cạnh đó, người dân cần chủ động tìm hiểu về các phương thức bảo mật thông tin, cập nhật những tin tức mới nhất về các mối đe dọa bảo mật và học cách phòng ngừa chúng. Cần sử dụng các công cụ bảo mật như phần mềm chống virus và phần mềm chống đánh cắp thông tin để bảo vệ tài khoản của mình trên mạng. |
NGUYỄN NGỌC - LÝ HUY