Trước đây, Báo Bình Dương có bài viết “Vi phạm hành lang an toàn tuyến nước thô Thủ Đức: Đe dọa việc bảo đảm an toàn nguồn nước thô” phản ảnh về việc hành lang an toàn tuyến ống nước thô (HLATTNT) Thủ Đức, đoạn qua TP.Dĩ An tồn tại nhiều công trình xây dựng lấn chiếm. Tình trạng trên dẫn đến nguy cơ gây sự cố làm ảnh hưởng đến hoạt động cung cấp nước sạch cho người dân. Sau khi Báo Bình Dương phản ánh, chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp tháo dỡ công trình lấn chiếm HLATTNT.
Qua công tác tuyên truyền, người dân khu phố Tân Hòa, phường Đông Hòa đã tháo dỡ công trình lấn chiếm HLATTNT
Theo ghi nhận của P.V, nhiều công trình nhà tạm, mái che, rào chắn lấn chiếm HLATTNT, đoạn qua khu phố Tân Hòa và Đông A thuộc phường Đông Hòa đã được người dân tháo dỡ. Nói về việc này, ông Võ Trung Hiếu, Phó Chủ tịch UBND phường Đông Hòa, cho biết: “Tính đến nay đã có 80/110 hộ dân tự tháo dỡ công trình lấn chiếm HLATTNT đoạn qua địa bàn phường. Đối với 30 hộ còn lại, UBND phường phối hợp với Nhà máy nước Thủ Đức tiếp tục vận động, yêu cầu tháo dỡ công trình vi phạm. Nếu qua đợt vận động này mà người dân không tự nguyện tháo dỡ công trình vi phạm thì chính quyền địa phương sẽ tiến hành cưỡng chế theo quy định”.
Trong khi đó, theo đại diện UBND phường Bình An, qua công tác tuyên truyền, vận động, nhiều hộ dân ở khu phố Nội Hóa 1 và Nội Hóa 2 đã tự nguyện tháo dỡ công trình lấn chiếm HLATTNT, chỉ còn lại gần 30 trường hợp chưa chấp hành. Trong thời gian tới, UBND phường sẽ tiếp tục vận động những hộ này tháo dỡ công trình vi phạm, nếu không thực hiện thì sẽ cưỡng chế theo quy định. Cũng liên quan đến vấn đề này, bà Võ Thị Bạch Tuyết, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Đông Hiệp, cho biết: “Đến nay đã có 14/71 trường hợp tự nguyện tháo dỡ công trình lấn chiếm HLATTNT ở khu phố Đông Tác. Vào ngày 29-11, UBND phường sẽ tổ chức ra quân tuyên truyền, vận động những hộ dân còn lại tháo dỡ công trình vi phạm HLATTNT”.
Mới đây, UBND TP.Dĩ An đã có buổi làm việc với lãnh đạo Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV và Nhà máy nước Thủ Đức để bàn giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc lập lại trật tự xây dựng trên HLATTNT. Căn cứ nội dung buổi làm việc này, UBND TP.Dĩ An đã gửi công văn đến lãnh đạo Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV về việc phối hợp xử lý một số nội dung liên quan đến đường ống cấp nước thô, đoạn qua địa bàn TP.Dĩ An. Theo đó, UBND TP.Dĩ An đề nghị Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV quan tâm, triển khai thực hiện khôi phục, bổ sung cọc mốc ngoài thực địa; hỗ trợ kinh phí theo kế hoạch của UBND các phường về việc cưỡng chế các công trình vi phạm HLATTNT. Đồng thời xem xét tăng mức hỗ trợ chi phí bảo vệ an ninh đường ống nước thô vào hàng tháng. Xây dựng kế hoạch dọn dẹp vệ sinh dọc đường ống nước; bố trí kinh phí đầu tư trồng cây, thảm cỏ nhằm tạo cảnh quan xanh trong phạm vi đất của tuyến ống nước thô. UBND TP.Dĩ An sẽ chịu trách nhiệm tiếp nhận quản lý và chăm sóc cây xanh sau khi Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV đầu tư hoàn chỉnh và bàn giao. Cung cấp dự thảo quy chế phối hợp giữa Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV và UBND TP.Dĩ An để làm cơ sở nghiên cứu góp ý trước khi ban hành và áp dụng.
Về vấn đề sử dụng tạm đường công vụ để phục vụ dân sinh, UBND TP.Dĩ An đề nghị Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV và Nhà máy nước Thủ Đức có văn bản chính thức về cấp tải trọng cho phép phương tiện lưu thông; quy mô, phạm vi xây dựng đường công vụ dọc theo biên HLATTNT, làm cơ sở cho UBND thành phố giao UBND các phường lập kế hoạch triển khai nguồn kinh phí từ xã hội hóa trong nhân dân. Ngoài ra, UBND TP.Dĩ An còn đề nghị Nhà máy nước Thủ Đức phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ và xử lý kịp thời các vấn đề liên quan đến đường ống nước thô khi phát hiện hành vi vi phạm HLATTNT. Đồng thời chủ trì phối hợp với UBND các phường Tân Đông Hiệp, Bình An và Đông Hòa tổ chức tuyên truyền các hướng dẫn chuyên ngành về cấp nước thô cho người dân trên địa bàn hiểu rõ mà chấp hành.
NGUYỄN HẬU