Người đảng viên trẻ luôn đồng hành với lớp học tình thương

Cập nhật: 16-08-2013 | 00:00:00
Chia sẻ cái chữ Mỗi khi đêm về là những tiếng ê a ngân vang, những đứa trẻ ngước lên bục giảng đọc từng chữ cái, nhất là những đêm hè, tiếng trẻ học bài càng rộn rã và vang xa. Đó là khung cảnh của lớp học tình thương trong khuôn viên miếu Bà ấp Thượng, khu phố Châu Thới, phường Bình An (TX.Dĩ An). Lớp học đặc biệt này được chia thành 10 nhóm với các trình độ khác nhau từ lớp 1 đến lớp 5.    Anh Nguyễn Văn Bình (đứng) và tổ giáo viên lớp học tình thươngTừ năm 2005, do trên địa bàn có mỏ khai thác đá nên nhiều gia đình kéo nhau về đây làm việc, trong đó có không ít em nhỏ không được học hành do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Thấy vậy, Đoàn Thanh niên và Chi hội Phụ nữ khu phố Châu Thới đã phối hợp mở lớp học tình thương để dạy chữ cho các em. Ban đầu quy mô lớp học còn nhỏ, chưa vào nề nếp và có những khó khăn về kinh phí, cũng như cơ sở pháp lý. Khi ấy anh Nguyễn Văn Bình còn là đoàn viên của khu phố, anh tham gia giảng dạy, chia sẻ cái chữ cho các em. Đến năm 2007, anh Bình trực tiếp đứng ra xin tiếp nhận lớp học và phác thảo kế hoạch để đưa lớp học vào quy củ, nề nếp. Bên cạnh việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng việc làm thiết thực nói trên, anh Bình còn muốn tạo điều kiện cho các bạn đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) khu phố tích cực “Làm theo Bác”, đó chính là tình thương dành cho các em có hoàn cảnh khó khăn, chia sẻ cái chữ cho các em để có cuộc sống tốt hơn sau này, qua đó góp phần giảm thiểu các tệ nạn xã hội, bảo đảm an ninh trật tự ở khu phố. Suy nghĩ là thế, nhưng khi bắt tay vào làm mới thấy khó bộn bề. Khi đó lớp học chỉ có 15 HS, bàn ghế, sách vở... thiếu thốn và không có nguồn kinh phí hỗ trợ. Lúc đầu, anh Bình dự tính đi vận động các gia đình trong khu phố nhưng nghĩ lại, ĐVTN phải đi tiên phong. Nghĩ là làm, anh Bình lấy số tiền dành dụm mấy năm qua để tổ chức chương trình văn nghệ do các em HS biểu diễn, qua đó vận động bà con, những nhà hảo tâm đóng góp. Qua chương trình văn nghệ, người dân hiểu hơn về lớp học nên thường xuyên ủng hộ và thu hút được hàng chục bạn trẻ tâm huyết đến phụ giảng với anh. Bạn Nguyễn Thị Thu Thủy, giáo viên lớp học cho biết, đã tham gia giảng dạy hơn 5 năm nay, do công việc nên cũng có lúc phải vắng mặt nhưng tới đây công việc đã ổn định sẽ thường xuyên đến với lớp học cùng các em. Đồng hành cùng các em Bên cạnh khó khăn về cơ sở vật chất, để các em tham gia lớp học cũng là một khó khăn không kém. Anh Bình và ĐVTN khu phố đã chủ động đến từng phòng trọ vận động các gia đình cho con em đến lớp. Lớp học đông dần lên, từ 15 em lúc đầu đến nay đã trên 70 em. Khi mới vào lớp học đa số các em không biết chữ, số còn lại học dở dang. Anh Bình phân lớp học ra thành nhiều nhóm theo trình độ, những em mới vào được kèm cặp riêng cho đến khi nắm bắt được chương trình học mới đưa vào nhóm. Mỗi tuần 4 buổi, anh Bình cùng các bạn phụ giảng thay nhau dìu dắt từng em, từng nhóm học. “Quê tôi ở Hậu Giang, lên đây làm công nhân với đồng lương ít ỏi lo cho cuộc sống gia đình hàng ngày còn chật vật, thiếu thốn nên việc học hành của con đành dở dang. Khi biết lớp học tình thương do anh Bình tổ chức tôi rất vui, vì con mình sẽ không phải chịu cảnh mù chữ nữa, mong sao sau này có cái chữ rồi có việc làm ổn định để không còn cơ cực như vợ chồng tôi nữa”. (Chị Đặng Thị Sự, phụ huynh HS lớp học tình thương) Em Nguyễn Minh Hoàng, HS lớp học tình thương tâm tình: “Trước đây ở nhà em đi bán vé số phụ giúp gia đình, em không biết chữ vì chưa được đi học. Nhờ lớp học tình thương này mà giờ đây em đã biết đọc, biết viết và biết làm toán nên rất vui”. Còn em Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh thì cho biết, năm nay em học lớp 4, em đã biết nhiều chữ hơn, sau này có việc làm tốt sẽ phụ giúp cha mẹ thoát khỏi cảnh nghèo khó. Nhìn lại 8 năm gắn bó với lớp học tình thương, anh Bình chia sẻ: “Lớp học duy trì được là nhờ tình thương yêu, chia sẻ, đùm bọc của cộng đồng, mà trước hết là các bạn ĐVTN. Được học cái chữ, những điều hay nên các em rất quý mến thầy cô, cố gắng học tốt. Còn thầy cô, nhiều bạn là sinh viên từ TP.HCM, Biên Hòa (Đồng Nai) cũng đều đặn đến lớp vì thương học trò. Có những em khi đã học xong có việc làm ổn định trở lại trường thăm thầy cô, tặng lại sách vở để các em sau này có điều kiện học tập tốt hơn”. Lớp học tình thương do anh Bình tổ chức quy mô còn khá khiêm tốn nhưng đã có sức lan tỏa về mặt xã hội, được cha mẹ các em đồng tình ủng hộ và người được hưởng lợi nhiều nhất chính là các em HS thân thương. Được học chữ, rèn luyện đạo đức, kỹ năng sống và cũng từ đây chắp cánh ước mơ cho nhiều em nhỏ, tiếp tục học lên cao nữa và kiếm được việc làm ổn định, đóng góp cho gia đình và xã hội.  THANH LIÊM
Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên