Người đấu tranh cho hạnh phúc

Cập nhật: 16-06-2011 | 00:00:00

Với vai trò là quyền Chủ tịch Tổng Hội sinh viên (SV) Sài Gòn, Huỳnh Tấn Mẫm từng hoạt động trong phong trào đấu tranh của SV- học sinh vào giai đoạn cam go nhất. Sau giải phóng, ở vai trò là một bác sĩ, ông lại tiếp tục trong sự nghiệp đấu tranh vì sức khỏe của con người và sự nghiệp giáo dục của trẻ tự kỷ.

Dấn thân vào tranh đấu

Huỳnh Tấn Mẫm không phải là tên thật của ông, tên thật của ông là Trần Văn Thật. Nguyên do của việc đổi tên và chuyển sang họ Huỳnh của mẹ là để tránh sự theo dõi của giặc Pháp, sau cái chết của ông nội và cha vì hoạt động, ủng hộ cho Việt minh mà bị giặc Tây đánh chết.

 Ông Mẫm và những trẻ tự kỷ

Từ đó, lòng căm thù giặc đã hun đúc dần nên lòng yêu nước và là động lực để cậu bé nghèo Huỳnh Tấn Mẫm tham gia cách mạng. Thuở nhỏ cậu làm giao liên chạy đưa thư từ hầm này qua hầm khác cho cán bộ cách mạng, rồi hoạt động trong trường Pétrus Ký (nay là trường Lê Hồng Phong, TP.HCM). Năm 1958, khi 15 tuổi, đang học lớp đệ ngũ (lớp 8) trường Pétrus Ký, Mẫm được kết nạp vào tổ chức bí mật do Nguyễn Văn Chí (Sáu Chí) lãnh đạo. Tại đây, Mẫm từng được giao công tác rải truyền đơn chống chính phủ và năm 1960 được kết nạp vào Hội Liên hiệp Thanh niên Giải phóng Sài Gòn - Gia Định.

Học giỏi và có những hoạt động xã hội được nhiều người chú ý, khi theo học Đại học Y khoa Sài Gòn, Huỳnh Tấn Mẫm được bầu làm Phó Chủ tịch Tổng Hội SV Sài Gòn, tham gia hoạt động công khai trong phong trào đấu tranh của SV miền Nam do Thành đoàn bí mật chỉ đạo. Ra trường, Huỳnh Tấn Mẫm được bầu là quyền Chủ tịch của tổ chức trên.

“Sở dĩ cấp trên đồng ý cho tôi ra hoạt động công khai trong phong trào này vì cấp trên nhận ra rằng cần có một mặt trận, một lực lượng đấu tranh công khai ngay trong lòng địch mà lực lượng đó phải hợp pháp và được chính quyền ở miền Nam thừa nhận. Và cuộc đấu tranh do lực lượng đó khởi xướng phải liên tục. Lực lượng đó chính là đội ngũ sinh viên ở miền Nam. Khi tôi giữ vai trò Phó Chủ tịch của Tổng Hội SV Sài Gòn thì đã làm được 3 ý đồ mà cấp trên đưa ra. Một là duy trì cuộc đấu tranh của chúng tôi công khai và liên tục. Hai là tập hợp và mở rộng thêm lực lượng, thành phần tham gia tranh đấu cùng chúng tôi, trong đó có những thành phần của tôn giáo, thậm chí là anh em thương binh của chế độ miền Nam cũng tham gia. Ba là lôi kéo gây chia rẽ đội ngũ kẻ địch, như lôi kéo Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ, đại tướng Dương Văn Minh” - ông Huỳnh Tấn Mẫm nhớ lại.

Sau chiến dịch Mậu Thân 1968, tình hình chính trị miền Nam lúc đó trở nên căng thẳng. Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu quyết định thành lập Sư đoàn Sinh viên bảo vệ thủ đô. Tiếp đó, Thiệu ra chủ trương chương trình Quân sự học đường, buộc tất cả SV phải tham gia các khóa học quân sự.

“Lúc đó, cấp trên đã nhận định, đoán biết ý đồ của địch là sẽ bắt SV đi lính, chống lại cách mạng nên chỉ thị chúng tôi tìm cách phá chương trình này. Chúng tôi đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình trong giới SV, yêu cầu bãi bỏ Quân sự học đường. Phong trào được hưởng ứng mạnh mẽ của mọi tầng lớp và nhanh chóng lan rộng ra” - ông Huỳnh Tấn Mẫm kể lại.

Khi được thả ra cùng hơn 30 người trong nhóm hoạt động của ông đã bị bắt trước đó, ông vẫn tổ chức đấu tranh đòi bãi bỏ việc quân sự hóa học đường, nhưng chính quyền Thiệu vẫn cương quyết không từ bỏ. Thiệu còn ra lệnh, SV nào không có chứng chỉ Quân sự học đường không được lên lớp. Trước tình hình đó, Thành đoàn một lần nữa lại nhanh chóng chuyển hướng hoạt động đấu tranh của lực lượng SV. Huỳnh Tấn Mẫm nhận chỉ thị là để SV đi vào quân trường, tham gia vào chương trình học đường quân sự, rồi tìm cách phá từ bên trong.

Từ trong các quân trường, phong trào đấu tranh của SV lại dấy lên, mạnh mẽ. Họ tụ họp nhau lấy vạt giường đốt, rồi ca hát suốt đêm, những sĩ quan nào khắc nghiệt với SV thì liền bị trùm mặt lại rồi đánh... Do bị để ý từ trước, địch nghi Huỳnh Tấn Mẫm chỉ đạo những vụ đấu tranh này và anh bị bắt giam 5 ngày. Nhưng phong trào đấu tranh vẫn diễn ra, không có chứng cớ và lý do, chúng phải thả anh ra.

Lôi kéo Nguyễn Cao Kỳ

Nhờ dân biểu (giờ gọi là nghị sĩ hoặc đại biểu Quốc hội) Hồ Ngọc Nhuận, Chủ nhiệm báo Tin Sáng, một tờ báo có thiện cảm với cách mạng, giới thiệu Huỳnh Tấn Mẫm tới gặp Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ, đề nghị ông Kỳ can thiệp để bãi bỏ chương trình Học đường quân sự.

Ông Mẫm kể: “Lúc chúng tôi tới gặp ông Kỳ, ông hỏi: “Tôi nghe người ta nói mấy anh là Cộng sản có phải không?”. Lúc đó tôi nhanh miệng hỏi lại ổng: “Họ nói vậy thì ngài có tin không?”. Nghe vậy, ông Kỳ im lặng. Thực chất, ông Kỳ cũng biết chúng tôi là Cộng sản, nhưng ông muốn hợp tác với chúng tôi để tạo áp lực với Tổng thống Thiệu. Sau đó, ông Kỳ hỏi: “Mấy anh cần gì ở tôi?”. Tôi nói: “Thưa ngài Phó Tổng thống, như ngài thấy đó, chương trình Quân sự học đường đang gây sự bất bình lớn trong SV và công chúng. Nếu nó không bị dẹp bỏ thì tình hình sẽ không yên ổn đâu. Do vậy, chúng tôi thay mặt cho họ đề nghị ngài kiến nghị với Tổng thống Thiệu tạm hoãn hoặc bãi bỏ chương trình này đi thì tình hình mới yên được”.

Sau đó, chương trình Quân sự học đường đã được Thiệu ra lệnh tạm hoãn. Và lực lượng Tổng hội SV Sài Gòn đã thành liên minh với Nguyễn Cao Kỳ. Họ được tướng Kỳ giao hẳn dinh Phó Tổng thống để làm trụ sở hoạt động. Vào ngày 3-10-1971, theo lời ông Mẫm, Nguyễn Cao Kỳ đã bí mật giao 5.000 lựu đạn MK3 (loại lựu đạn để luyện tập, chỉ gây nổ, không sát thương) cho họ ném vào những tụ điểm đặt thùng phiếu để phá cuộc bầu cử độc diễn của phe Thiệu.

Trước ngày bầu cử này ít hôm, Huỳnh Tấn Mẫm suýt bị bắt. Lúc đó anh tới họp báo ở khu vực chùa Vĩnh Nghiêm (nằm trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3, TP.HCM) thì bị cảnh sát ngụy bao vây. Tình thế nguy cấp, Mẫm liền gọi cho ông Hồ Ngọc Nhuận nhờ giúp đỡ. Ông Nhuận liền gọi cho tướng Kỳ. Ít phút sau, 2 chiếc xe quân cảnh chở theo 2 trung tá đi cùng với xe của ông Nhuận đã tới đưa Mẫm lên xe. Mẫm ngồi xe với ông Nhuận, 2 xe quân cảnh, 1 xe đi trước dẹp đường, 1 xe bọc hậu để tránh sự truy đuổi của cảnh sát. Sau một đoạn đường dài, đoàn xe đỗ lại nơi chợ Bến Thành, Huỳnh Tấn Mẫm bước ra xe, len lỏi trong các con hẻm để tìm tới cơ sở.

Sau đó, đại tướng Dương Văn Minh đã cho người tới đón Huỳnh Tấn Mẫm về ở tại dinh thự của ông. Mẫm ở lại đó trong 6 tháng. Thời gian này, giữa Huỳnh Tấn Mẫm và ông Dương Văn Minh đã có nhiều cuộc trò chuyện.

Ông Huỳnh Tấn Mẫm, nhớ lại: “Trong những cuộc nói chuyện có lần tôi đề nghị ông Dương Văn Minh vào thành phần thứ ba, nhưng ông từ chối và nói: “Qua (tiếng miền Nam, có nghĩa như tôi - NV) biết mấy em là Cộng sản, nhưng qua không thể là thành phần thứ ba được. Qua phải trở thành thành phần thứ hai, thay thế cho ông Thiệu và ông Kỳ thì mới có hy vọng hòa hợp, hòa giải dân tộc được”. Nói chuyện cùng ông Dương Văn Minh, tôi nhận ra rằng ông Dương Văn Minh ngày càng ý thức được rằng đế quốc Mỹ muốn duy trì chiến tranh lâu dài”. Sau này, nhờ sự đầu hàng sớm và vô điều kiện của Tổng thống Dương Văn Minh mà cuộc chiến đỡ tang thương hơn.

Một thời gian sau khi rời khỏi dinh của ông Dương Văn Minh, ngày 5-1-1972, khi Huỳnh Tấn Mẫm tới Đại học Y khoa Sài Gòn để chuẩn bị cho những hoạt động cách mạng tiếp theo thì bị bắt. Ngày 28-4-1975, Tổng thống Dương Văn Minh ra lệnh trả tự do cho ông.

Sau giải phóng, ông tiếp tục theo học ngành y. Rồi ông được bầu làm đại biểu Quốc hội rồi giữ chức Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc TP.HCM, Tổng Biên tập báo Thanh Niên... Ông qua Liên Xô (cũ) học và bảo vệ Tiến sĩ Triết học tại Viện Hàn lâm Khoa học. Năm 2010, cùng bạn bè, ông lập ra trường chuyên biệt Khai Trí chuyên giáo dục những trẻ em tự kỷ. 

Có thể nói, cả cuộc đời bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm là một sự dấn thân cho sự nghiệp đấu tranh vì hạnh phúc của con người. Một cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ mà ông và những người cùng chí hướng đã lựa chọn từ thuở hoa niên.

VĂN THỊNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=467
Quay lên trên